“Giày dép Trung Quốc (TQ) về rất nhiều. Ba ngày là có hàng mới một lần, giá lại mềm”, chị Nguyệt - chủ sạp tại chợ An Đông (TP.HCM) - cho biết.
Bán không cần tháo mác
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Theo chị Nguyệt, so với năm ngoái, lượng giày dép xuất xứ từ TQ đổ về chợ An Đông tăng mạnh, gần như sạp nào cũng đều bày bán hàng TQ, sức mua đã bắt đầu tăng. Giày ở chợ sỉ không chỉ đóng đi các tỉnh mà còn được đưa thẳng vào các tiệm kinh doanh giày ở TP.HCM. Hàng trong nước, chủ yếu do các cơ sở nhỏ lẻ ở Q.4, Q.8 (TP.HCM) sản xuất, thưa thớt trên các sạp.
Giới kinh doanh giày dép cho hay các loại giày dép thời trang đang có mặt trên các con đường tập trung chuyên kinh doanh giày dép như Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quang Diệu, Hai Bà Trưng, Lưu Văn Lang, Cao Thắng (TP.HCM)... phần lớn đều nhập khẩu qua đường không chính thức từ TQ, Thái Lan.
Với mức giá thường rẻ hơn 10-20% so với các sản phẩm cùng loại trong nước sản xuất, trung bình 120.000 đồng/đôi, mẫu mã phong phú nên giày TQ tiêu thụ nhanh. Nhiều tiệm bán giày đã không tháo mác TQ khi bán, vì “không nói ai cũng biết đây là hàng TQ rồi”. Các loại giày của Thái Lan cho dù nỗ lực tìm kiếm thị trường, song do kiểu dáng không phong phú bằng giày TQ, mẫu mã ít đa dạng hơn nên không hút hàng bằng giày TQ.
Xu hướng giày dép năm nay chuộng loại xăngđan có nhiều chi tiết trang trí, đặc biệt là giày nữ. Riêng giày nam đang chuyển sang gu dùng màu da bò. Các loại giày mũi nhọn đã không còn thịnh, thay vào đó là dạng mũi tròn bầu. Chất liệu simili giả da, da thuộc loại hai, da phủ PU đều được “lên” ở giày TQ. |
Giá “mềm” chiếm ưu thế
Theo nhận định của giới kinh doanh, thị trường giày dép vào mùa kinh doanh cuối năm sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh mạnh mẽ. Giày dép làm từ chất liệu da, giả da và simili cạnh tranh càng gay gắt hơn và đã được phân chia rõ ràng theo từng phân khúc. “Cứ nhìn vào kiểu cách kinh doanh, qui mô hàng hóa thì sẽ biết người chủ kinh doanh đang chọn cho mình loại đối tượng nào phục vụ”, bà Ngọc Hạnh - phụ trách bán hàng giày K.A trên đường Nguyễn Đình Chiểu - cho biết.
Với loại giày cao cấp, bao gồm những thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như D&G, Prada, Gucci, Dr Marten... giá thường rất cao, khoảng... 550 USD/đôi trở lên, chất lượng rất tốt nhưng hiện chỉ mới chiếm 1-2% thị phần. Giá thấp hơn là các loại giày T&T, Pasteur, giày Dung, một số hàng nhập khẩu từ TQ, Đài Loan được bán trong một số cửa hàng cao cấp... có giá 250.000-750.000 đồng/đôi đối với giày dép nữ, 350.000-1 triệu đồng/đôi đối với giày nam.
Với giá “mềm” hơn, 90.000-150.000đồng/đôi giày dép nữ hoặc nam, hàng TQ gần như chiếm ưu thế. Với giá này, chất lượng sản phẩm thường không cao, gần như không được bảo hành nếu gặp “sự cố” xảy ra.
“Tuy nhiên, loại giày này đang chiếm thị phần lớn nhất hiện nay - khoảng 60% thị phần giày dép tại TP.HCM”, ông Trần Đức Triều - giám đốc điều hành DNTN thương mại và dịch vụ Đức Triều (T&T Fashion Shoes) - nhận định. Riêng loại giày giá 50.000-100.000 đồng/đôi đã không còn được tiêu thụ mạnh như trước, chỉ tập trung ở khu vực hàng giảm giá hoặc hàng bán “xôn” trên đường phố.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Thừa quyết tâm, thiếu hành động! (17/12/2005)
▪ 2 năm đưa tiền polymer vào lưu hành: Nhiều tiện ích (16/12/2005)
▪ Hà Nội: Thị trường xe máy "toả nhiệt" (16/12/2005)
▪ Bên lề hội nghị WTO: "VN vẫn đang bị ép khá mạnh!" (17/12/2005)
▪ Đổi mới không chỉ là chuyển đổi kinh tế (16/12/2005)
▪ Tôn vinh doanh nghiệp trẻ xuất sắc 2005 (16/12/2005)
▪ Chọn IBM Singapore làm nhà thầu dự án tài chính công (16/12/2005)
▪ Doanh nghiệp nhập khẩu ôtô chấp nhận nộp phạt (16/12/2005)
▪ Sẽ in thêm tiền polymer mệnh giá nhỏ (16/12/2005)
▪ Pacific Airlines giảm mạnh giá vé dịp Tết (17/12/2005)