Hôm nay, du khách quốc tế thứ 3 triệu đến Việt Nam: Giữ chân khách mới là khó Hôm nay (11.11), vị khách quốc tế thứ 3 triệu đặt chân đến Việt Nam (tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM). Như vậy, mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay chắc chắn đạt và rất có thể vượt (đến 3,5 triệu).
Theo Tổng cục Du lịch, những thị trường có lượng khách đến VN tăng cao là Hàn Quốc (52,7%), Nhật (22,7%), Pháp (26,7%)... Ông Dương Xuân Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL) cho biết, Ban thường trực Hiệp hội Du lịch thế giới (WTTC) vừa xếp VN là một trong 10 điểm du lịch lớn của thế giới trong 10 năm tới vì hội tụ được nhiều điểm hấp dẫn du khách. Theo WTTC, VN có những thế mạnh như kiến trúc cổ kính, phong cảnh núi non hùng vĩ, nhiều bãi biển nguyên sơ và nhiều điểm du lịch còn mới lạ đối với du khách thế giới. Nhiều công ty và khách sạn nổi tiếng trên thế giới đã và đang có kế hoạch đầu tư vào VN, trong đó các tập đoàn khách sạn nổi tiếng như Accor, Starwood, Hyatt, Marriot... Trước đây, Hồng Kông và Singapore là hai điểm du lịch mang nhiều nét Á Đông hấp dẫn, nhưng giờ đây hai nơi này đều đã đậm nét phương tây, vì vậy màu sắc Á Đông của VN sẽ là nhân tố thu hút nhiều du khách trong thời gian tới. Đối với một số nước du lịch phát triển, họ xây dựng những khu nghỉ dưỡng cao cấp. Thông thường, những khách du lịch theo loại hình này sẽ trở lại hàng năm để nghỉ dưỡng, tránh rét chẳng hạn. VN vẫn trong giai đoạn đầu phát triển, giai đoạn này gọi là giai đoạn khám phá điểm đến. Khách đến để khám phá rồi sau đó giới thiệu cho các luồng khách tiếp tục đến. Đối với du lịch nghỉ dưỡng, VN còn yếu. Nhắc đến VN, gần như du khách nước ngoài không ai nhớ được cụ thể lễ hội đặc sắc nào. Khoảng 6 năm nay, kể từ khi phát động chương trình hành động quốc gia về du lịch, phong trào lễ hội đã phát triển rất rầm rộ. Chỉ trong 10 tháng đầu năm, cả nước đã diễn ra trên 300 lễ hội lớn nhỏ, nhưng du khách đến chủ yếu là do họ đến... trùng dịp lễ chứ không phải có chủ đích đến để tham quan. VN hiện có gần 200 khách sạn trên 3 sao (tương đương số khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế của Singapore), trên 1.000 công ty lữ hành du lịch, nhưng chỉ 50% hướng dẫn viên của các khách sạn, công ty này được đào tạo nghiệp vụ. Xu hướng của các khách sạn, công ty lữ hành là tuyển cử nhân ngoại ngữ. Nhưng ngoại ngữ của họ lại chỉ chủ yếu là tiếng Anh. Chỉ có 17% hướng dẫn viên biết tiếng Trung Quốc, trong khi lượng du khách đến từ quốc gia này đang chiếm 27% thị phần du lịch. Số hướng dẫn viên biết những thứ tiếng của các nước đã và đang có lượng khách tăng rất nhanh như Hàn Quốc, Nhật, Nga... còn ít hơn nữa. Trình độ văn hoá của hướng dẫn viên cũng còn yếu. Hiện nay, các điểm du lịch của VN đều gắn với văn hoá dân tộc. Nhưng hướng dẫn viên chỉ hoàn thành tốt việc chọn điểm du lịch, khách sạn, giới thiệu món ăn, sản phẩm du lịch cho khách, mà chưa giới thiệu được nét văn hoá độc đáo của các miền. Để có được 3 triệu khách trong chưa đầy 11 tháng, du lịch VN đã đạt được một kỷ lục. Tuy nhiên, xem ra mấu chốt vẫn là làm sao để giữ được khách, "buộc" họ phải quay lại mảnh đất đậm nét Á Đông này. Xuân Quang |
▪ TPHCM: Phát hiện nhiều công trình kém chất lượng (11/11/2005)
▪ Phó Giám đốc Sở Tài chính nói sai sự thật (11/11/2005)
▪ Mô hình mới tạo sức bật mới (11/11/2005)
▪ Góp ý Luật Doanh nghiệp: Cú hích mới, nhưng... (11/11/2005)
▪ Số tiền thất thoát trong XDCB đủ nuôi bộ máy hành chính cả nước (11/11/2005)
▪ Doanh nghiệp xây dựng thang bậc lương như thế nào? (11/11/2005)
▪ Không... hoàn tất? (11/11/2005)
▪ Xuất khẩu tăng hơn 40 lần sau 20 năm đổi mới (11/11/2005)
▪ Gạo miền Tây lên cơn sốt (11/11/2005)
▪ Gánh nặng cho ngân sách ngày một... nặng (10/11/2005)