Số tiền thất thoát trong XDCB đủ nuôi bộ máy hành chính cả nước
Các Website khác - 11/11/2005

Số tiền thất thoát trong XDCB đủ nuôi bộ máy hành chính cả nước

Phát biểu khai mạc tại hội thảo khoa học về thất thoát trong xây dựng cơ bản ngày 10.11, Thượng tướng - TS Lê Thế Tiệm - Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh: "Tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư XDCB xảy ra ở hầu hết các khâu, từ lập dự án, khảo sát, thiết kế, đầu tư đến thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình... và diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng nghiêm trọng".

Thực trạng tham nhũng
Thượng tướng Lê Thế Tiệm cho biết, trong những năm qua, Chính phủ đã đầu tư vốn dành cho xây dựng cơ bản chiếm khoảng 30 - 35% GDP. Trong 5 năm (2001-2004), vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong toàn xã hội khoảng 50 tỉ USD.

Trong khi đó, theo đánh giá của thượng tá Nguyễn Trọng Long - Trưởng phòng 6 (C15, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) - "thất thoát trong xây dựng cơ bản hiện nay đang xảy ra phổ biến ở mức 10 - 40%".

Các tham luận khác cho rằng, mức thất thoát trên là có cơ sở. Nếu chỉ tính mức thất thoát thấp nhất là 10%, mỗi năm Nhà nước mất 1 tỉ USD.

Còn thượng tá Nguyễn Đức Long - Trưởng phòng CSĐT tội phạm kinh tế - Công an Hà Nội cho biết: "Hàng năm, vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản khoảng 100.000 tỉ đồng, nếu tỉ lệ thất thoát là 30% thì số tiền bị mất lên tới 30.000 tỉ đồng. Số tiền này đủ nuôi bộ máy hành chính sự nghiệp của cả nước". Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đinh Tiến Dũng cho rằng: Chính sự khép kín trong xây dựng khiến công tác thanh tra, kiểm tra khó phát hiện tham nhũng.

PGS - TS Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - nhận xét, muốn chống tham nhũng trong lĩnh vực này phải chống được tham nhũng theo chiều dọc (tham nhũng theo chiều sâu) từ trên xuống dưới. Vì nếu không, khi bị phát hiện, mỗi anh chịu trách nhiệm một tí, để rồi chẳng ai chịu trách nhiệm gì cả.

Không đủ căn cứ để truy tố... (?!)
Một số tham luận của các phòng trinh sát, điều tra đưa ra những ví dụ rất cụ thể đã cho thấy, nếu không sớm có sự thay đổi cơ chế, luật, thậm chí là cả sự "ràng buộc thành lệ" của chính cơ quan tố tụng, thì tham nhũng còn... tác oai tác quái vì số bị phát hiện, truy tố rất ít so với thực tế.

Thượng tá Trần Đức Vĩnh và một số tham luận khác của cán bộ điều tra, trinh sát cho biết, chủ đầu tư đã thông đồng với nhà thầu tạo dựng "quân xanh, quân đỏ" để cho một nhà thầu trúng thầu qua việc lộ giá thầu. Còn các nhà thầu khác phải đẩy giá cao lên để... không trúng thầu.

Kết quả, Nhà nước mất tiền vì giá trị công trình bị đẩy lên cao, còn chủ đầu tư và nhà thầu rút được tiền nhà nước để chia nhau.

Tuy cơ quan điều tra biết vậy, nhưng khó chỉ mặt điểm tên vì các thủ tục đều rất đúng quy trình.

Mặt khác, không phải công trình nào công an cũng vào kiểm tra được, hoặc có vào được thì cũng khó kết luận vì công trình chưa... thi công. Thi công xong, quyết toán xong thì công trình không dễ gì giám định được, vì các phần bị ăn cắp chủ yếu nằm... dưới đất.

Nhưng cũng có công trình không thể khởi tố được, dù có đủ dấu hiệu đối tượng đã "ăn chặn" tiền tỉ, chỉ vì chưa... quyết toán! Đó là thực tế từ vụ án cố ý làm trái các quy định trong quản lý kinh tế, gây thiệt hại gần 11 tỉ đồng tại công trình tu bổ, tôn tạo Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tổng thể công trình được Chính phủ duyệt 156 tỉ đồng, đã cấp được 133 tỉ và đề nghị thanh toán 207 tỉ đồng.

Thượng tá Nguyễn Trọng Long băn khoăn, "tại sao phải chờ công trình quyết toán mới xác định được thiệt hại? Mối liên hệ giữa quyết toán và thiệt hại ra sao, có đúng như vậy không? Và quy định ấy nằm ở văn bản nào? Chính sự "ràng buộc thành lệ" ấy làm nản lòng các trinh sát, điều tra viên khi tiếp cận với các vụ tham nhũng trong xây dựng cơ bản. Điều đó đồng nghĩa với việc bỏ lọt tội phạm".

Cùng chung quan điểm này, Trưởng phòng điều tra Trần Đức Vĩnh đề nghị: "Trong mọi trường hợp, các công trình phải được quyết toán đúng thời hạn. Cơ quan phê duyệt quyết toán công trình phải chịu trách nhiệm về hình sự, nếu không quyết toán công trình".

Vương Hà