Thường vụ Quốc hội thảo luận Dự luật Đấu thầu: Hạn chế tối đa chỉ định thầu | Đấu thầu "khép kín" là một trong những nguyên nhân gây ra rút ruột công trình (chụp tại công trình nhà A2 Kim Giang - Thanh Xuân - HN). | Ngày 26.9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khoá XI họp phiên thứ 33, thảo luận về 3 dự án luật: Đầu tư, Doanh nghiệp và Đấu thầu. Để giải quyết từ gốc của vấn đề, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đề cập đến công tác tổ chức cán bộ.
"Khép kín" trong đấu thầu Từ trước đến nay, tình trạng "khép kín" trong đấu thầu là nguyên nhân của nhiều tiêu cực, được dư luận rất quan tâm. Nhằm khắc phục tình trạng này, đa số các ý kiến cho rằng, cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương với chức năng tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bà Trần Thị Tâm Đan - Uỷ viên UBTVQH - lưu ý hội nghị: Vấn đề tách bạch này, chúng ta đã nói từ 20 năm nay, nhưng tách bạch như thế nào lại làm không rõ.
Để "đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu" , ở khoản 2,3 và 4 điều 11 của dự luật quy định nhà thầu phải độc lập về tổ chức, về tài chính với nhà tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu và nhà tư vấn giám sát hợp đồng; chủ đầu tư của dự án phải độc lập về tổ chức, về tài chính và không cùng phụ thuộc vào một cơ quan quản lý với nhà thầu.
Nếu đa số các ý kiến nhất trí với 3 khoản trên, thì có ý kiến cho rằng quy định như ở khoản 1, điều 11 (nhà tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi không được tham gia đấu thầu, cung cấp dịch vụ tư vấn lập thiết kế kỹ thuật của dự án) là lãng phí. Bởi những nhà tư vấn này rất hiểu dự án, nên có thể đưa ra những sáng kiến, phương pháp thực hiện tối ưu. Về ý kiến này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu cho rằng, nếu không quy định như vậy thì các nhà thầu không bình đẳng. Cũng về điều 11, Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc cho biết, vì tính chất quan trọng của cạnh tranh trong đấu thầu, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo quyết liệt: Các quy định này phải được thực hiện chậm nhất 3 năm khi luật này có hiệu lực thi hành. Thời hạn này cũng được nhiều đại biểu đồng tình.
Phải đảo ngược tỉ lệ chỉ định thầu Theo báo cáo của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, mặc dù có Quy chế đấu thầu, nhưng những năm qua đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu và tự thực hiện chiếm đến 85% tổng số các dự án. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải đảo ngược được con số chỉ định thầu hiện nay. Nghĩa là các dự án qua đấu thầu phải chiếm 85%, còn 15% còn lại là chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế và tự thực hiện. Theo đó, chỉ với những gói thầu có điều kiện hết sức cấp thiết, như trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch hoạ, sự cố cần khắc phục ngay hoặc có yêu cầu khẩn cấp cho chỉ định ngay nhà thầu để thực hiện, hoặc gói thầu thuộc dự án, công trình có yêu cầu cấp bách vì lợi ích quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ra quyết định.
Cùng ngày, UBTVQH đã đồng thời thảo luận Dự luật Doanh nghiệp, Dự luật Đầu tư. Đa số các ý kiến thống nhất với tờ trình.
Vương Hà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: Chỉ nên quyết chức danh chủ tịch HĐQT
Hướng của các dự luật này là làm rõ mối quan hệ giữa trách nhiệm và quyền hạn của người có chức trách. Nếu dự luật nặng về trách nhiệm mà không gắn với quyền hạn thì khó làm việc. Chẳng hạn, với các TCty nhà nước, Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng thời quyết chức danh chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc. Vì vậy, ông tổng giám đốc có thể không coi trọng chủ tịch HĐQT . Và thực tế, nếu không đủ "rắn", nhiều vị chủ tịch HĐQT chỉ ngồi chơi xơi nước. Theo tôi, Ban Bí thư chỉ nên quyết chức danh chủ tịch HĐQT. Ông chủ tịch này cùng HĐQT có quyền lựa chọn tổng giám đốc.
Vương Hà ghi |
|