Ngành điện tử lại đòi giảm thuế linh kiện
Các Website khác - 26/09/2005

Ngành điện tử đang kiến nghị liên bộ Tài chính - Công nghiệp - Bưu chính Viễn thông miễn giảm hoàn toàn thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất linh kiện điện tử. Bằng không, sẽ khó tránh khỏi việc một số doanh nghiệp bị phá sản khi mở cửa thị trường.

hgkulkj;
Ngành điện tử đang lo hội nhập.

Quyết định điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng linh kiện, phụ tùng điện tử của Bộ Tài chính trong tháng 3 vẫn chưa làm các doanh nghiệp hài lòng. Lý do là vẫn còn nhiều dòng thuế, đặc biệt đối với các linh kiện, phụ tùng có giá trị lớn chưa được giảm hoặc giảm chưa đáng kể.

Lần này, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử VN đề nghị bổ sung thêm một số dòng thuế nhằm chi tiết hóa những sản phẩm trong nước đã sản xuất được cần bảo hộ, những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được có mức bảo hộ thấp, những sản phẩm không sản xuất được không cần bảo hộ và những sản phẩm đồng bộ nhưng chưa có trong bảng phân loại. Chẳng hạn, đối với đèn hình, không nên chỉ phân biệt đèn hình phẳng mà cần chi tiết theo kích thước màn hình, công suất đối với máy phát điện...

Kiến nghị xem xét thuế nhập khẩu lần này của hiệp hội cũng hết sức cụ thể đối với từng loại linh kiện điện tử. Đơn cử như đề nghị giảm thuế MFN đèn hình trong nước chưa sản xuất được xuống còn 5%, linh kiện nhập từ ASEAN có C/O form D là 0%, các loại màn hình dẹt LCD, Plasma bao gồm có chức năng TV và monitor có thuế nhập khẩu 0%.

Tương tự, các loại linh kiện khác như cuộn lái tia, loa, pin, điện trở, tụ điện, bộ lọc nguồn, bộ lọc vi mạch, khử từ, cuộn cảm... đều được doanh nghiệp đề nghị giảm thuế xuống còn 0-5%. Đồng thời cho phép xuất trình C/O form D một lần đối với cùng một loại linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ cùng một nước ASEAN; giảm thuế giá trị gia tăng hàng điện tử sản xuất trong nước xuống 5% và giữ nguyên thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu là 10%.

Theo lập luận của các doanh nghiệp, nếu tiếp tục duy trì tình trạng thuế suất cao thì do chênh lệch giữa thuế nhập khẩu linh kiện cao hơn nhiều lần thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc, các doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó khăn duy trì sản xuất trước làn sóng nhập khẩu ồ ạt hàng nguyên chiếc với mẫu mã đẹp, chất lượng cao, giá thành hạ. Khi đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước hoặc sẽ phải chuyển sang làm nhà phân phối, sửa chữa, bảo hành các sản phẩm ngoại nhập, hoặc phải dừng sản xuất, chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực khác, thậm chí phá sản.

Có thể thấy trước một khả năng là các doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài sẽ sớm chuyển thành doanh nghiệp sở hữu 100% vốn để khai thác triệt để ưu thế về công nghệ, sản xuất và tham gia mạnh vào thị trường kinh doanh thương mại dịch vụ khi Việt Nam phải mở cửa theo quy định của WTO. "Sự ra đời của công ty Panasonic Holding 100% vốn nước ngoài vừa rồi là một minh chứng và có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài khác", một thành viên Hiệp hội doanh nghiệp điện tử cho biết.

Một trong những biểu hiện của những nguy cơ trên là trong các tháng 6, 7, 8, kim ngạch nhập khẩu hàng điện tử và linh kiện, phụ tùng giảm đáng kể. Riêng tháng 7 và nửa đầu tháng 8 đã giảm tới 26,4% so với tháng 6. Mức tiêu thụ nội địa đối với sản phẩm lắp ráp trong nước giảm gần 15% so với đầu năm, trong khi đó, giá của một số loại linh kiện, phụ tùng lại tăng như vỏ nhựa ti vi, IC... Hiệp hội cảnh báo, tình hình này sẽ tiếp tục đến sang năm nếu Nhà nước không kịp thời tiếp tục điều chỉnh thuế nhập khẩu MFN cho hàng linh kiện và phụ tùng điện tử theo đề xuất.

Phan Anh - Hồng Anh