Nghịch lý nhập khẩu vàng
Các Website khác - 17/01/2006

Trong bản kiến nghị gửi Chính phủ mới đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã bày tỏ sự lo ngại về những bất cập và nghịch lý trong chính sách thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện nay.

Ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VGTA cho biết, trong khi trên thế giới không còn phân biệt giữa vàng miếng và vàng nguyên liệu, thì trong biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam vẫn còn phân biệt: thuế suất thuế nhập khẩu đối với vàng miếng là 1% và đối với vàng nguyên liệu (vàng hạt) là 0,5%.

Giá vàng tăng giảm thất thường. Ảnh: Anh Tuấn.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã phải thực hiện việc nhập khẩu vàng nguyên liệu hạt để tránh mức thuế suất 1%. Thực tế đó dẫn đến một nghịch lý là khi doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu, người bán nước ngoài phải gia công vàng miếng thành vàng nguyên liệu dưới dạng hạt. Do phải cộng thêm chi phí gia công từ vàng miếng sang vàng hạt, mức giá nhập khẩu vàng hạt vì thế cũng cao hơn so với giá vàng miếng. Từ thực tế trên, VGTA đề nghị giảm thuế nhập khẩu vàng miếng từ 1% xuống 0,5%, như thuế nhập khẩu vàng nguyên liệu hiện hành.

Giá vàng trong nước luôn có xu hướng biến động thấp hơn giá vàng quốc tế, có thời điểm thấp hơn 40.000 đồng/chỉ. Thế nhưng, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa xuất khẩu được do mức thuế xuất khẩu vàng chưa được quy định trong biểu thuế.

VGTA cho rằng, cần có quy định mức thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này để vừa tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp khi được phép xuất khẩu vàng, vừa đưa giá vàng trong nước biến động theo sát giá vàng quốc tế, góp phần giảm thiểu tình trạng xuất lậu vàng và cũng làm minh bạch về mặt chính sách đối với quốc tế. VGTA đề nghị, mức thuế xuất khẩu vàng bằng mức thuế nhập khẩu vàng (0,5%).

Dù Bộ Tài chính đã giảm thuế nhập khẩu đá quý và kim cương xuống 0%, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa nhập khẩu các loại hàng này theo con đường chính ngạch. Ông Đinh Nho Bảng cho biết, nguyên nhân là vì khi nhập, các doanh nghiệp phải nộp ngay 10% thuế VAT đầu vào tại cửa khẩu. Do giá trị của đá quý và kim cương rất lớn, nên khi cộng thêm 10% thuế VAT sẽ đội giá bán lên quá cao, không được thị trường chấp nhận, buộc doanh nghiệp phải mua hàng trôi nổi trên thị trường.

VGTA đề nghị Thủ tướng giao cho cơ quan chức năng nghiên cứu để có chính sách thuế VAT đối với đá quý và kim cương nhập khẩu như đối với vàng nhập khẩu. “Hàng trang sức bằng vàng khi xuất khẩu được hưởng mức thuế suất 0% là hợp lý. Nhưng đá quý và kim cương được gắn trên hàng trang sức vẫn đang phải chịu mức thuế suất 1%”, ông Bảng nói.

Ông cho rằng, quy định này không những không khuyến khích các doanh nghiệp phát triển hoạt động chế tác đá quý xuất khẩu và sản xuất hàng trang sức xuất khẩu, mà còn gây khó khăn, phức tạp cho cả doanh nghiệp và cơ quan thế trong việc tính thuế.

VGTA đề nghị giảm mức thuế xuất khẩu đá quý, kim cương đã chế tác gắn trên hàng trang sức từ 1% hiện nay xuống 0% như đối với thuế nhập khẩu vàng trang sức. Riêng đá quý thô, mức thuế xuất khẩu đề nghị được giảm từ 5% xuống 3%, trong khi thuế nhập khẩu đá quý, kim cương hiện hành là 0%.

Bản kiến nghị này đã được soạn thảo sau khi VGTA có cuộc họp với đại diện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đại diện một số doanh nghiệp vào cuối tháng 12/2005.

Ông Hoàng Thế Ngữ, Chủ tịch VGTA cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh vàng Việt Nam đang phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ phía các quốc gia trong khu vực và thế giới. Để giải tỏa áp lực này, cần phải tiếp tục đổi mới chính sách thuế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hàng trang sức vàng bạc, đá quý, để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, tăng cường xuất khẩu, đồng thời hạn chế tình trạng nhập lậu vàng hiện nay.

(Theo Đầu Tư)