Nhà đầu tư đề nghị không thông qua Luật Đầu tư
Các Website khác - 27/10/2005

Dự thảo Luật Đầu tư đã qua 16 lần sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong kỳ họp này. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các chuyên gia pháp luật, kinh tế vẫn tỏ ra lo ngại về những bất cập trong nhiều quy định của dự luật.

Nhà đầu tư trong ngoài nước đều phản đối.

Ban Nghiên cứu của Thủ tướng mới đây đã chỉ ra những điểm hạn chế trong các quy định về thủ tục đầu tư theo phân loại dự án.

Theo Dự thảo, các dự án trong nước thuộc nhóm I có quy mô dưới 15 tỷ đồng phải đăng ký theo mẫu tại cơ quan quản lý. Các cố vấn của Thủ tướng cho rằng dự án đầu tư chỉ là các ý định, đề xuất của nhà đầu tư mà chưa phải là hiện thực. Do đó, con số thống kê mà Nhà nước có thể thu được từ các mẫu đăng ký không phản ánh thực tế hoạt động đầu tư. Sẽ nguy hiểm hơn nếu các thống kê không sát thực tế này được cơ quan Nhà nước sử dụng để điều tiết nền kinh tế. Hơn nữa thủ tục đăng ký, dù rất đơn giản, vẫn tạo ra những chi phí (về thời gian, tiền bạc) cho các nhà đầu tư. Đối với Nhà nước, chi phí duy trì cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để tiếp nhận và xử lý hàng triệu mẫu đăng ký là không nhỏ.

Trong một văn bản đóng góp ý kiến cho dự luật, đại diện Công ty tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ cho hay mục đích sửa luật là tạo một “sân chơi bình đẳng” giữa các nhà đầu tư không phân biệt nguồn vốn chủ sở hữu nhưnng trong dự thảo họ vẫn thấy có sự bất bình đẳng. Cụ thể, dự luật dành hẳn một chương để quy định về Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước. "Muốn tạo một sân chơi bình đẳng thì không thể có sự phân biệt “vốn nhà nước” với “vốn tư nhân”. Cùng một giá trị đồng tiền không thể coi tiền của “nhà nước” là quan trọng hơn tiền “tư nhân” được", vị đại diện nhấn mạnh.

Cũng theo dự thảo này, các nhà đầu tư trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như trước đây, họ chỉ cần tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh tại phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, nhưng theo quy định của dự luật thì nhà đầu tư trong nước phải tiến hành thủ tục đăng ký đầu tư, chấp thuận đầu tư hay thẩm tra đầu tư.

Luật sư Trần Vũ Hải lại kịch liệt phản đối quy định về “thanh tra đầu tư”. Ông góp ý, hằng năm, ở Việt Nam có hàng trăm nghìn, hàng triệu dự án đầu tư nhưng cũng có thể chỉ có vài chục phần trăm các dự án đó có hiệu quả. Không rõ các vị thanh tra đầu tư trong tương lai sẽ “bơi” trong công việc như thế nào vì không bao giờ có thể kiểm soát hết những dự án đầu tư này.

Luật sư dự đoán, Luật Đầu tư sẽ không tạo ra bước đột phá và sáng sủa hơn với nhà đầu tư trong nước và ngay cả đối với nhà đầu tư nước ngoài. Vẫn có khả năng họ phải xin hai hoặc thậm chí nhiều hơn các loại giấy phép khi đầu tư vào Việt Nam. Ví dụ, nhà đầu tư nước ngoài xây dựng một khách sạn trong đó có hoạt động dịch vụ masage, karaoke, vũ trường thì khi được cấp phép đương nhiên sẽ được hoạt động kinh doanh các ngành nghề đó mà không cần phải xin thêm giấy phép con nhưng với Luật Đầu tư mới, dự án vẫn phải qua thẩm định (tương đương xin giấy phép) và sau đó xin giấy phép chuyên ngành trong lĩnh vực đó.

"Chúng tôi thất vọng về Dự án Luật đầu tư, điều tốt nhất mà chúng tôi mong muốn là Quốc hội không thông qua dự án luật này”, ông Hải nói.

Giới đầu tư nước ngoài cũng có phản ứng rất mạnh. Ba ông chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, Australia và châu Âu tại VN vừa ký chung một bức thư gửi tới Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị không nên thông qua Luật Đầu tư tại kỳ họp này. Theo họ, dự thảo này không thể hiện được một bước tiến mà trái lại có nguy cơ làm xấu đi môi trường đầu tư và thất bại trong việc thực hiện mục đích thu hút hơn nữa dòng chảy đầu tư nước ngoài.

Trao đổi với giới báo chí sáng nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Bích Đạt cho biết, những ý kiến đóng góp gần đây tập trung phần lớn vào các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính, tuy nhiên trong đó có nhiều thảo luận không dựa trên các dự thảo mới nhất do đó cần xem xét lại. "Luật đầu tư sẽ được Quốc hội thảo luận vào tuần sau và kế hoạch này không có gì thay đổi", thứ trưởng khẳng định. Ông Đạt cũng tỏ ra tin tưởng những nội dung cơ bản của dự luật sẽ được chấp nhận, nếu các đại biểu Quốc hội có ý kiến, ban soạn thảo sẽ xem xét sửa đổi.

Phong Lan

Theo dòng sự kiện:
Luật Đầu tư chung vẫn nặng về thủ tục (06/09)
Vẫn nhiều rào cản từ dự Luật đầu tư (19/08)
Luật Đầu tư chung bó doanh nghiệp trong nước (01/08)
Sẽ 'chặt vòi' giấy phép con (26/07)
Luật Đầu tư chung có thể 'đẻ' giấy phép con (14/07)
Xem tiếp»