Thuỷ điện nhỏ, khó khăn lớn
Theo Bộ Công nghiệp, đến nay đã có 140 dự án đầu tư xây dựng các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ với tổng công suất 2.448MW, trong đó chủ đầu tư hầu hết thuộc các doanh nghiệp xây lắp của Bộ Xây dựng.
Từ hào hứng... Số còn lại có 33 dự án đã khởi công, 63 dự án đã được thoả thuận báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo kế hoạch, trong năm nay sẽ có 3 dự án với tổng công suất 22,5MW đi vào hoạt động, năm 2006 sẽ có 33 dự án vận hành với tổng công suất 541MW.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, sự hào hứng của các nhà đầu tư vào lĩnh vực thuỷ điện vừa và nhỏ là rất dễ hiểu, bởi nhu cầu điện tại Việt Nam luôn phát triển ở mức cao (13-14%/năm). Mặt khác, theo ông Phí Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vinaconex, đơn vị làm chủ đầu tư xây dựng cụm thuỷ điện nhỏ Lào Cai - thì Vinaconex khẳng định thương hiệu không chỉ trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông, cầu, nhà máy nước, ximăng mà còn trong lĩnh vực thuỷ điện. Tổng Giám đốc Licogi Đào Ngọc Nam cũng cho rằng: Làm thuỷ điện vừa và nhỏ không chỉ tận dụng được xe máy, thiết bị, con người mà còn là bước tập dượt để Licogi làm chủ đầu tư xây dựng các dự án lớn.
...đến khó khăn Sau một thời gian triển khai thực hiện, hầu hết các chủ đầu tư đều phàn nàn về tình trạng thiếu vốn cho các dự án. Theo ông Tạ Văn Hường - Vụ trưởng Vụ Năng lượng dầu khí (Bộ Công nghiệp), hiện có tới 99% số dự án thuỷ điện vừa và nhỏ sẽ chậm tiến độ so với dự kiến ban đầu mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn. Đa số các dự án vừa và nhỏ chỉ có 10-20% vốn tự có, số còn lại trông chờ vào vay ngân hàng. Khi đầu tư xây dựng dự án, các ngân hàng đều thoả thuận chắc chắn với các nhà đầu tư về tài trợ vốn, song khi triển khai cụ thể lại bị "tắc" do ngân hàng không đáp ứng được mức vay của chủ đầu tư hoặc không đủ điều kiện được vay.
Khó khăn nữa của các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ là việc ký kết hợp đồng mua bán điện. Ông Hường cho biết, nhiều công ty cổ phần đầu tư làm thuỷ điện vừa và nhỏ là "con" của các DN nhà nước, nên có tâm lý trông chờ vào sự bảo trợ của Nhà nước thay vì đàm phán ký kết hợp đồng bán điện với Tổng Công ty Điện lực VN (EVN). Trong khi EVN không phải DN kinh doanh thuần tuý nên chỉ mua điện khi có lãi. Đó là chưa tính đến điểm yếu của các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ là phát điện lớn nhất vào mùa mưa, khi đồng thời các nhà máy thuỷ điện lớn cũng có "lợi thế" này nên người mua không dễ dàng chấp nhận.
Thuỷ điện vừa và nhỏ đang rất có lợi thế so với thuỷ điện lớn, bởi quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít, giá thành sản xuất có khi chỉ bằng một nửa thuỷ điện lớn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp phải tính toán kỹ, có bước đi cụ thể, nhất là vốn và đàm phán giá nếu như họ muốn thành công trong lĩnh vực mới mẻ này. Thanh Tuyền |