Vẫn là "tốt ít xấu nhiều"
Thời gian gần đây ở tỉnh Thái Bình rộ lên "phong trào" bà con rủ nhau đi "kinh doanh qua mạng", vừa có máy chữa bệnh lại vừa có "cổ phần" với thu nhập hàng triệu đồng một tháng. Để tìm hiểu thực tế "hiện tượng" trên, chúng tôi đã tham dự một số lớp học tư vấn tại chi nhánh của Công ty cổ phần Việt - Am có trụ sở tại 976 Lý Bôn (TP Thái Bình). Theo "bài giảng" của các chuyên gia tư vấn tại đây thì Công ty này được ủy nhiệm độc quyền phân phối sản phẩm máy chữa bệnh bằng tĩnh điện ion. Các "hợp tác viên" khi tham gia mua mỗi máy giá 2 triệu đồng nếu tiếp tục giới thiệu được người khác mua hàng sẽ được "hoa hồng" 300 nghìn đồng kèm theo rất nhiều quyền lợi khác. Các "giáo viên" tư vấn khẳng định rằng: chi nhánh này đã được cấp giấy phép hoạt động hợp lệ và sản phẩm máy tĩnh điện là "xịn" 100%, có thể chữa rất nhiều bệnh, thậm chí "cả bệnh AIDS"(!)...
Khi chúng tôi tỏ ra nghi ngờ về những lời quảng cáo thái quá trên vì Nghị định 110 quy định các loại dụng cụ y tế không được bán hàng kiểu đa cấp thì bà Nguyễn Thị Sánh, Giám đốc chi nhánh khẳng định rằng: Máy này có tác dụng chữa bệnh "nhưng không phải là dụng cụ y tế" và Công ty đã "thoả thuận" với Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến để "được phép" phân phối. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Đào Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Thương mại - du lịch lại khẳng định chưa hề cấp phép kinh doanh bán hàng đa cấp cho Công ty Việt - Am. Ông còn chưa hề nắm được tinh thần Nghị định 110 về việc các doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp tại Sở Thương mại (theo điều 25) mà cho rằng... đó là trách nhiệm của Sở Kế hoạch Đầu tư(?)
Câu chuyện nói trên chỉ là một thí dụ cho thấy thực trạng tình hình bán hàng đa cấp hiện nay vẫn còn nhiều điểm lộn xộn lúc "tranh tối tranh sáng" khi Nghị định 110 vừa mới ban hành. Chính trong thời điểm này, nhiều nơi các tổ chức bán hàng đa cấp đã lợi dụng để "lừa đảo siêu tốc".
Lợi dụng địa bàn miền núi, trình độ dân trí còn hạn chế, ở Điện Biên, Sơn La thời gian vừa qua liên tục xảy ra các "phi vụ" lừa đảo của Công ty cổ phần Sinh Lợi. Với tên gọi mỹ miều "thành viên của Tập đoàn quốc tế Tất Hoàng" và có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, Sinh Lợi đã tiến hành kinh doanh theo kiểu "rỉ tai mách nước". Muốn trở thành hợp tác viên, mỗi người phải bỏ ra 3.450.000 đồng; trong đó tiền mua hàng là 1 triệu, số còn lại nộp cho Công ty với tên gọi "vốn dự sinh". Mỗi hợp tác viên sẽ được công ty bán cho một cuốn "Sổ tay sự nghiệp" với 8 cấp đề bạt, cấp cao nhất thu nhập tới... 150 triệu đồng/tháng. Thứ "bánh vẽ" này ngay lập tức đã khiến nhiều bà con cả tin bán cả trâu bò, vay lãi ngân hàng đi mua những thứ xa xỉ như: máy ozon, áo ngực na-no, bếp điện... về bỏ xó hoặc đành phải "đẩy" cho người khác...
Theo báo cáo của Công an tỉnh Sơn La, chỉ trong 6 tháng qua, dù chưa hề được phép kinh doanh nhưng mạng lưới của Sinh Lợi đã "loang" ra 11 huyện, thị. Còn tại Điện Biên, đã có hơn 200 người tham gia mua hàng bị lừa và UBND tỉnh mới đây đã phải ra công văn số 320 đình chỉ hoạt động của Công ty cổ phần Sinh Lợi.
Không chỉ lừa người dân vùng sâu, vùng xa, ngay ở Hà Nội, tại thời điểm Nghị định 110 vừa ban hành sau một tháng, vẫn có nhiều doanh nghiệp ngang nhiên kinh doanh bất chính. Điển hình phải kể đến Công ty TNHH Khang Phú Đạt bất chấp quy định cấm "yêu cầu người tham gia phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng; cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp" vẫn dụ dỗ khách hàng "đặt cọc" 2.090.000 đồng để gia nhập mạng lưới phân phối "máy tuần hoàn máu" sẽ có hoa hồng 5-26%.
Cần sớm được chấn chỉnh
Cho tới thời điểm này, theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại, đã có khoảng 20 doanh nghiệp áp dụng phương thức kinh doanh nói trên. Theo Thượng tá Nguyễn Đức Long, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (Công an Hà Nội), trong năm 2004, lực lượng cảnh sát kinh tế ở Hà Nội đã điều tra khám phá 531 vụ án kinh tế, trong đó có nhiều vụ lợi dụng kinh doanh đa cấp, "kinh doanh mạng" theo phương thức truyền tiêu sản phẩm các mặt hàng: thực phẩm bổ dưỡng, thiết bị từ trường chăm sóc sức khỏe, vật tư nông nghiệp... và núp bóng các hoạt động kinh tế làm đại lý nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm để lừa đảo chiếm đoạt hàng hóa, tài sản của đối tác và doanh nghiệp... Tại thị trường Việt Nam đã xảy ra vụ Công ty Thế giới mới lừa đảo chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng của gần 200 người tham gia mạng lưới. Mặc dù hiện nay kinh doanh đa cấp không còn bị "cấm đoán" nhưng những diễn biến của thị trường bán hàng đa cấp thời gian qua vẫn trong tình trạng "lành ít dữ nhiều" rất đáng lo ngại và cần xiết chặt quản lý. Chính Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Thương mại Trương Quang Hoài Nam cũng từng cho rằng "Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, họ không cấm bán hàng đa cấp, song đều có những quy chế quản lý rất chặt. Ở Thái-lan họ có cả một Ủy ban riêng để theo dõi loại hình kinh doanh đa cấp".
Theo Nghị định 110, doanh nghiệp chỉ được tổ chức bán hàng đa cấp sau khi được cấp giấy đăng ký. Nghị định cũng quy định rõ hai nhóm mặt hàng không được kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp. Đó là các hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm lưu thông, danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng giả, hàng nhập lậu; thuốc phòng chữa bệnh cho người; các loại vaccine, sinh phẩm; trang thiết bị y tế và dụng cụ y tế; các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh; các loại hóa chất độc hại và sản phẩm có hóa chất độc hại... Tuy nhiên, thực tiễn thời điểm "tranh tối tranh sáng" vừa qua cho thấy nhiều doanh nghiệp chưa có giấy phép vẫn bán hàng phi pháp; nhiều sản phẩm vẫn mập mờ giữa "thiết bị y tế" và "hỗ trợ sức khỏe"; nhiều Sở Thương mại vẫn "ngơ ngác" chưa rà soát, quản lý các doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo tinh thần của nghị định. Để Nghị định 110 thực sự phát huy hiệu quả, đã đến lúc các đơn vị như: Sở Y tế, quản lý thị trường, Sở Thương mại... ở các địa phương phải thật sự vào cuộc.
|