Xe khách phục vụ Tết thi nhau tăng giá
Các Website khác - 07/12/2005
Xe khách phục vụ Tết Bính Tuất tại TP.Hồ Chí Minh:
Thi nhau tăng giá
Trần Phan

Chuẩn bị phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Bính Tuất (dự kiến tăng 10-15% so với năm trước), hiện nay, các bến xe (BX) khách liên tỉnh, các DN vận tải hành khách tại TPHCM đã lên kế hoạch tăng giá cước vào những ngày cao điểm áp Tết.

Hành khách đón xe tại bến xe
Miền Tây.
Giá cước tăng 20-60%
BX Miền Đông sau khi hiệp thương với các đơn vị vận tải đã thống nhất điều chỉnh phụ thu thêm 20-60% giá cước vận tải hành khách đối với tất cả tuyến đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung, miền Bắc, bắt đầu từ ngày 19.1.2006 (20.12 âm lịch) đến ngày mùng 3 Tết - tuỳ từng tuyến, thời gian phụ thu cụ thể sớm - muộn khác nhau.

Đối với tuyến chạy từ TPHCM đi các tỉnh ĐBSCL, theo Ban giám đốc BX Miền Tây, giá vé vận chuyển hành khách trong những ngày 25.1.2006 (26.12 âm lịch) đến ngày mùng 2 Tết chắc chắn sẽ được điều chỉnh. Riêng những đơn vị vận tải hành khách không hoạt động tại các BX cũng đang lăm le tăng giá vé vào mùa Tết.

Liệu việc tăng giá này có trái với tinh thần văn bản số 7128/BGTVT-VT của Bộ GTVT ngày 14.11 về việc kiềm chế tăng giá cước vận tải hành khách trong dịp Tết Bính Tuất?

Theo các DN vận tải, giá cước vận tải do DN trên tuyến xây dựng, thống nhất qua các kỳ hiệp thương, hơn nữa, đây chỉ là phụ thu giá cước trong những ngày cao điểm chứ không phải tuỳ tiện tăng giá cước (!?).

Ông Nguyễn Nam Sơn - GĐ BX Miền Đông giải thích: Vào dịp Tết, số lượng hành khách từ TPHCM đi về các tỉnh rất đông và cần tăng cường lượng xe quay đầu kịp thời về bến nhằm giải toả lượng khách. Trong khi đó, chiều ngược lại (từ các tỉnh về TPHCM) hầu như không có khách, do đó phải phụ thu thêm 20-60% giá vé để bù đắp.

Ông Phạm Quốc Tài - Phó TGĐ Tổng Cty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn cho rằng, giá nhiên liệu tăng cao, xe chạy chiều rỗng vắng khách, nếu không điều chỉnh tăng giá cước trong dịp Tết sẽ khó có thể huy động phương tiện từ các DN vận tải vào bến phục vụ người dân. Nhiều đơn vị vận tải cũng thừa nhận, đưa xe vào bến phục vụ hành khách, mà không cho tăng giá vé, thì "xách xe" ra ngoài chạy hợp đồng khoẻ hơn, bởi nhu cầu người dân rất lớn.

Liệu có "tát nước theo mưa"?
Việc lý giải điều chỉnh tăng giá vé của BX, DN vận tải xem ra vẫn chưa thuyết phục người dân. Chị Trần Thị Lan (quê Hà Nam, công nhân may tại huyện Hóc Môn) cho biết, đối với những tuyến thường xuyên như TPHCM - Hà Nội, TPHCM - Nam Định, TPHCM - Hải Phòng..., mỗi ngày, bình thường BX đã có khá nhiều chuyến xe chạy trên tuyến này, giá vé vẫn không tăng, nhưng dịp Tết lại tăng giá vé là điều vô lý.
Hơn thế, chiều chạy từ các tỉnh về TPHCM vẫn có hành khách chứ không hẳn vắng khách.

Theo nhiều người dân, các BX chỉ nên tăng giá vé đối với những chuyến xe tăng cường, còn số lượng chuyến xe hoạt động bình thường như thường lệ không nên tăng giá vé.

Một vấn đề khác chưa thể hiện tính sòng phẳng đối với hành khách đó là hiệp thương giá vé. Hiệp thương giá cước hiện nay là sự thoả thuận giữa người bán và người mua, tuy nhiên trên thực tế, hiệp thương thường chỉ diễn ra giữa DN vận tải với các BX, còn hành khách là bên mua lại không được tham dự.

Một năm chỉ có vài ngày Tết, những người dân đi làm xa cũng mong muốn về quê đoàn tụ, sum họp gia đình. Do vậy nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biết và chủ yếu tập trung vào khoảng 10 ngày trước và sau Tết, trong khi số lượng phương tiện lại khủng hoảng, nên người dân đành bấm bụng chịu đựng việc tăng giá cước, còn các đơn vị vận tải thì tranh thủ dịp này liệu có phải "tát nước theo mưa"?