Gia nhập WTO, hàng loạt loại thuế được cắt giảm cho phù hợp với cam kết quốc tế. Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế Phạm Văn Huyến, điều này cũng đồng nghĩa với việc gian lận thương mại tăng lên. Khi ấy, ngành thuế sẽ phải đối mặt với loại tội phạm mới - doanh nghiệp kinh doanh qua mạng.
- Nhiều ý kiến cho rằng, cắt giảm thuế sẽ góp phần làm hạn chế tình trạng buôn lậu và trốn thuế điều này có đúng không thưa ông?Phó tổng cục trưởng Phạm Văn Huyến.
- Thực hiện lộ trình hội nhập AFTA và Hiệp ước GATT..., VN đã cắt giảm thuế cho 21 nhóm mặt hàng từ mức 40-60% xuống còn 0-5%. Việc cắt giảm này, ngoài việc nhà nước thất thu thuế còn dẫn đến một số hậu quả khác như, các doanh nghiệp sản xuất trong nước không có lợi thế cạnh tranh sẽ dẫn đến thua lỗ, phá sản. Tuy họat động buôn lậu giảm song những hành vi gian lận thương mại và trốn thuế khác chắc chắn sẽ có chiều hướng tăng lên.
Bên cạnh hành vi vi phạm và tội phạm về thuế thông thường như thành lập doanh nghiệp "ma", gian lận thương mại trong ký kết các hợp động kinh tế ngoại thương... thì nhiều loại tội phạm mới trong các lĩnh vực khác cũng sẽ xuất hiện. Chẳng hạn như, gian lận hoàn thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ở Khu kinh tế Thương mại tự do, gian lận thuế trong các ngành kinh doanh bảo hiểm, thuế nhà thầu, kinh doanh tư vấn pháp luật, xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là trong kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh Internet.
- Luật giao dịch Điện tử vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, vậy ngành thuế làm cách nào để đối phó với loại tội phạm này?
- Trên thế giới, công nghệ thông tin phát triển mạnh nên các giao dịch trên mạng là một loại hình giao dịch hợp pháp và được công nhận. Từ các văn bản pháp luật cơ bản cho đến các hợp đồng mua bán hay hóa đơn chuyển tiền... đều có thể ứng dụng các phương tiện điện tử và công nghệ thông tin. Hội nhập sắp đến, VN chắc chắn không thể một mình một chợ ôm khư khư các hợp đồng giấy có dấu và chữ ký tay được. Ngành thuế khi ấy sẽ phải đối mặt với loại tội phạm mới không tồn tại ở cuộc sống thực mà tồn tại trong môi trường ảo - tội phạm trên mạng.
Rõ ràng giữa VN và thế giới vẫn còn có khoảng cách khá xa về công nghệ, đòi hỏi ngành thuế phải nâng cao trình độ nghiệp vụ, ứng dụng các công nghệ hiện đại để phát hiện đối tượng trốn thuế. Các doanh nghiệp dễ dàng sử dụng các thủ thuật để thay đổi con số, hoặc xóa trắng những hồ sơ phạm pháp... Nếu không có trình độ, sẽ không kiểm soát được các loại hóa đơn chứng từ lưu trữ trên hệ thống máy tính. Do vậy, luật giao dịch phải sớm ra đời để có quy định rõ ràng đặc biệt phải có cách quản lý phần mềm để ngành thuế tiện theo dõi và có cách đối phó với loại tội phạm mới này.
- Điều ông lo ngại nhất đối với loại tội phạm này là gì?
- Cái khó của ngành thuế hiện nay vẫn là việc xác minh các khoản tiền được giao dịch và thanh toán qua ngân hàng. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện việc thanh toán các hợp đồng, mua bán qua mạng và thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Thậm chí, các hoạt động mua bán trả lương, nhuận bút... cũng được họ hợp thức hóa bằng thẻ tín dụng. Trong khi đó, ở VN, các hoạt động này mới manh nha nhưng chưa có chế tài nên rất khó xác minh tài chính của các doanh nghiệp.
Do vậy, chúng tôi rất mong, ngân hàng giúp đỡ cơ quan thuế trong việc kiểm soát nguồn gốc các hoạt động thanh toán khoản thu chi qua hệ thống của họ. Bên cạnh đó, chúng tôi mong sớm có quy định rõ ràng về các hoạt động này để ngành thuế căn cứ vào đó hoạt động cho hiệu quả.
- Thời gian qua, ngành thuế đã thực hiện nhiều biện pháp để chống lại các hành vi gian lận trốn thuế, tuy nhiên, số các vụ vi phạm vẫn đang có chiều hướng tăng lên, ông giải thích sao?
- Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương thì đúng là số các hành vi vi phạm đang có chiều hướng tăng lên. Chẳng hạn, trên địa bàn Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã có tới tới 453 doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa điểm đăng ký kinh doanh, mang theo hơn 9.000 bộ hóa đơn. Con số này trong năm 2004 tương ứng là 499 doanh nghiệp và 46.000 bộ hóa đơn và năm 2003 là 240 doanh nghiệp và 39.000 bộ hóa đơn... Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó việc VN liên tục cắt giảm các loại thuế cho phù hợp với cam kết quốc tế khi gia nhập WTO cũng là một yếu tố. Tất nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn có một số hạn chế là, số doanh nghiệp vi phạm tương đối nhiều mà lại liên quan đến nhiều doanh nghiệp khác trên phạm vi cả nước.
- Quy chế về phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan công an trong việc đấu tranh, ngăn ngừa doanh nghiệp “ma” đã có cách đây 2 năm, nhưng dường như vẫn chưa có hiệu quả cao, ông nghĩ sao về điều này?
- Quy chế phối hợp hiện đang được cơ quan thuế và công an thực hiện khá tốt. Qua 2 năm, chúng tôi đã khám phá và xử lý 1.259 vụ với 1.79 đối tượng vi phạm. Trong đó, đã kết thúc điều tra 1.013 vụ với 1.338 đối tượng và xử lý hình sự 133 vụ với 149 đối tượng... với số thuế try thu lên đến trên 100 tỷ đồng. Còn lại 159 vụ với 140 đối tượng vẫn đang được chúng tôi tiếp tục điều tra. Ngoài ra, 2 lực lượng còn phối hợp xử lý 4.873 vụ vi phạm về thuế vận tải, thuế tài nguyên, thuế trên khâu lưu thông... với số tiến gần 13 tỷ đồng.
Trong đó, những vụ điển hình như Công ty Dược phẩm (Công ty dược liệu trung ương 2, Xí nghiệp liên hiệp dược Hậu Giang) với hành vi gian lận thuế qua hoạt động đại lý tiêu thụ hàng hóa cho Công ty nước ngoài. Số thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu là 3.132 triệu đồng. Ngoài ra, Công an Hà Nội và Phòng thanh tra 1 Cục thuế Hà Nội điều tra xác minh và khởi tố vụ án 6 công ty TNHH thành lập ra để bán hóa đơn, thu hồi 595 triệu đồng tiền thu lợi bất chính...
Tổng cục Thuế cũng đang tiến hành tổng hợp, nghiên cứu báo cáo của các cục thuế địa phương về tình hình doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa bàn và mua bán hóa đơn bất hợp pháp để có thể đưa ra sửa đổi, bổ sung về cơ chế quản lý thu thuế, hóa đơn... và kiến nghị những giải pháp xử lý có hiệu quả nhất.
Minh Khuyên thực hiện
▪ Lâm Đồng: Trên 1.600 tỉ đồng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi (27/10/2005)
▪ 10 tháng: Cấp phép cho 659 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (27/10/2005)
▪ Xuất khẩu cả năm 2005 có thể đạt 32 tỉ USD (27/10/2005)
▪ Dominica mua tiếp 40 xe bus của VN (27/10/2005)
▪ Nhiêu khê thủ tục đổi sim VinaPhone (27/10/2005)
▪ Núp bóng tập huấn, khảo sát nước ngoài để tiêu tiền Nhà nước (27/10/2005)
▪ Đấu giá nhà ở TPHCM: Có dấu hiệu được sắp xếp trước (27/10/2005)
▪ Sửa sai, lại... sai! (27/10/2005)
▪ Tiếp tục ép dân để thu hồi đất (27/10/2005)
▪ Cung cấp đường ADSL: Dùng tiểu xảo dẫn dụ người tiêu dùng (27/10/2005)