Ban hành đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện luật
Để Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) đi vào cuộc sống ngay sau khi có hiệu lực, cùng với hệ thống các văn bản pháp luật đã được ban hành và phải thực hiện nghiêm chỉnh, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về THTK, CLP. Theo đó có hai Nghị định phải khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành đó là Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật THTK, CLP và Nghị định của Chính phủ quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính trong THTK, CLP.
Hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Trong hệ thống các quy định pháp luật về THTK, CLP, định mức, tiêu chuẩn, chế độ được xác định là cơ sở để thực hiện, là chuẩn mực về quản lý, kiểm tra và là căn cứ để cơ sở thực hiện, để giám sát, đánh giá việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tại Điều 5 của Luật THTK, CLP đã quy định về nguyên tắc ban hành các định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở cho việc THTK, CLP. Việc cần phải làm ngay là phải tiến hành công tác rà soát các định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các lĩnh vực đặc biệt tập trung vào lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, công trình phúc lợi công cộng và tài sản công khác; khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Yêu cầu đặt ra là không để xảy ra tình trạng không có định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc định mức, tiêu chuẩn, chế độ có nhưng lại quá lạc hậu không phù hợp với thực tế. Việc sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn chế độ, định mức kinh tế - kỹ thuật trong các lĩnh vực còn phải bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế, tiến bộ khoa học công nghệ và khả năng của ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ.
Thực hiện công khai tạo điều kiện kiểm tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tại điều 6 của Luật THTK,CLP đã quy định rõ các lĩnh vực phải thực hiện công khai và các hình thức công khai để tạo điều kiện cho việc kiểm tra, giám sát Luật THTK, CLP. Để triển khai các nội dung này của Luật, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có biện pháp, kế hoạch tập trung chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện các quy định về công khai để tạo điều kiện cho việc kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đưa công tác công khai về Luật THTK, CLP thành nền nếp trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức Nhà nước...
Theo đó, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức Nhà nước phải thực hiện công khai theo đúng quy định của pháp luật, trước hết tập trung thực hiện công khai việc sử dụng ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính được giao (nếu có); công khai mua sắm, sử dụng trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại; công khai quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, công trình phúc lợi công cộng và các tài sản khác trong cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm quy định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Kiểm tra, thanh tra THTK, CLP là một trong những nội dung hết sức quan trọng trong công tác thanh tra, kiểm tra nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra hành chính và thanh tra chuyên ngành nói riêng. Cần xác định kiểm tra THTK, CLP là công việc thường xuyên của từng cơ quan, đơn vị; của cơ quan quản lý cấp trên đối với cấp dưới; Thanh tra THTK, CLP phải đưa thành nội dung kế hoạch thanh tra các cấp, các ngành nhằm phát hiện, ngăn ngừa kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về THTK, CLP.
Trong kiểm tra, thanh tra cần tập trung vào một số lĩnh vực có nhiều bức xúc như quản lý sử dụng đất đai, quản lý sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách Nhà nước; quản lý sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng kinh phí chương trình, dự án... Các vi phạm THTK, CLP qua thanh tra phát hiện phải được công khai và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực
Luật THTK, CLP điều chỉnh 7 lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cụ thể là quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc; nhà công vụ; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; đào tạo, quản lý sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực Nhà nước; quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại công ty Nhà nước; trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Trong từng lĩnh vực cần phải có kế hoạch, biện pháp triển khai cụ thể, trong đó chọn lựa các nội dung trọng tâm, trọng điểm có yêu cầu phải làm ngay và phải có chuyển biến ngay trong năm 2006. Có những nội dung thuộc về dài hạn cần phải nghiên cứu để thực hiện có hiệu lực. Yêu cầu xuyên suốt đó là nhằm đạt được mục tiêu THTK, CLP cả trước mắt lẫn dài hạn ở mọi nơi, mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản, tiền của ngân sách Nhà nước; lao động, thời gian lao động cũng như tài nguyên thiên nhiên.
Cuối cùng là việc không thể không làm và rất quan trọng đó là việc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Luật THTK, CLP trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, để đưa Luật THTK, CLP đi vào cuộc sống và rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện biện pháp THTK, CLP năm 1998. Chương trình hành động của Chính phủ, chương trình THTK, CLP của mỗi cấp mỗi ngành và từng cơ quan, đơn vị đến từng cán bộ, công chức, viên chức, hội viên thuộc phạm vi quản lý nhằm tăng cường hiểu biết pháp luật, nâng cao nhận thức, có những hành động, việc làm cụ thể tạo chuyển biến thực sự trong lề lối làm việc, cải cách hành chính và THTK, CLP là hết sức cần thiết.
|