* Thưa ông, nhiều nhà đầu tư tỏ ra băn khoăn về quy định phải có 20% tổng số vốn đầu tư dự án mới được thực hiện dự án. Vậy điều này sẽ phải được hiểu như thế nào?
- Mục đích của quy định này là để bảo đảm dự án KĐTM phải được giao cho chủ đầu tư có đủ điều kiện để triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ, kế hoạch đề ra, ngăn chặn hiện tượng các nhà đầu tư không đủ năng lực nhưng cũng xin được đầu tư xây dựng KĐTM rồi không thể triển khai theo tiến độ, để lãng phí đất đai trong nhiều năm, thậm chí có hiện tượng xin làm dự án nhưng không triển khai thực hiện, để đó chờ có cơ hội để chuyển nhượng dư án cho nhà đầu tư khác hòng kiếm lời.
Đây là hiện tượng không lành mạnh, Nhà nước không khuyến khích kiểu làm ăn như vây. So với các nước xung quanh thì quy định mức 20% là thấp. Tuy nhiên, với thực tế ở nước ta, các doanh nghiệp của chúng ta chưa phải đã mạnh về vốn thì quy định như vậy là để khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực này.
* Ông có thể nói rõ hơn về tỷ lệ 20% này?
- Theo Quy chế thì nhà đầu tư phải có mức vốn là 20% của tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên, cần phân biệt sự khác nhau giữa tổng mức đầu tư của dự án KĐTM và tổng mức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng công trình (theo Nghị định 16/2005/NĐ-CP). Tổng mức đầu tư dự án KĐTM chỉ bao gồm: một là tiền sử dụng đất; hai là chi phí để giải phóng mặt bàng; ba là tiền để xây dựng hạ tầng kỹ thuật của KĐTM. Riêng về hạ tầng kỹ thuật của KĐTM cũng không phải nhà đầu tư phải làm toàn bộ mà có khi Nhà nước phải làm, chẳng hạn, đường giao thông chạy qua khu đô thị.
* Tuy nhiên, 20% của ba khoản tiền đó cũng là không nhỏ...?
- Một trong các tính chất đặc thù của dự án KĐTM là thời gian thực hiện khá dài, hàng chục năm. Do vậy, trong nội dung dự án, chủ đầu tư phải phân chia, xác định các giai đoạn thực hiện, triển khai theo kiểu cuốn chiếu, tương đương với mỗi giai đoạn là một dự án thành phần... Như vậy sẽ bảo đảm tính khả thi và khả năng quay vòng vốn, phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp.
* Liệu có xảy ra tình trạng phát sinh cơ chế xin - cho khi xác nhận tỷ lệ vốn này không?
- Trước khi cho phép chủ đầu tư thực hiện dự án KĐTM, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra năng lực tài chính của chủ đầu tư, nếu có nghi ngờ thì có quyền kiểm tra, còn khi đã cấp phép cho nhà đầu tư thì cơ quan cấp phép phải chịu trách nhiệm.
Theo Quy chế thì chính quyền địa phương thực hiện việc cấp phép đầu tư KĐTM. Sau khi cấp phép, chính quyền địa phương còn có trách nhiệm giám sát xem chủ đầu tư có tiến hành theo đúng tiến độ của dự án không, nếu sau 12 tháng mà chủ đầu tư không tiến hành triển khai dự án thì chính quyền địa phương có quyền thu hồi lại đất đã giao hoặc cho thuê.
* Một quy định nữa mà các doanh nghiệp đang rất lo lắng là Quy chế nghiêm cấm việc huy động vốn của người dân. Vì sao lại có quy định cấm này?
- Các doanh nghiệp hoàn toàn được phép huy động vốn của khách hàng, nhưng phải tuân thủ theo quy định cụ thể để tránh các hiện tượng lừa đảo, vi phạm quyền lợi của khách hàng. Quy chế cấm chủ đầu tư dùng dự án chưa triển khai để huy động, chiếm dụng vốn của khách hàng.
* Ông có thể giải thích rõ về quy định thế nào là dự án chưa triển khai?
- Một số quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 02/2006/NĐ-CP sẽ được Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết, trong đó có nội dung về dự án chưa triển khai theo nguyên tắc, chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất, chưa tổ chức giải phóng mặt bằng thì chưa được phép huy động vốn của khách hàng. Chủ đầu tư không được huy động một đợt mà phải huy động làm nhiều đợt, trong đó mỗi đợt không được vượt quá bao nhiêu phần trăm, tổng số huy động cũng không được vượt quá bao nhiêu phần trăm. Ví dụ như theo Luật Nhà ở thì tổng số tiền huy động không được vượt quá 70%.
* Vậy chủ đầu tư có thể huy động tiền đợt 1 là vào thời điểm nào?
- Ngay cả đợt 1 cũng sẽ được quy định rõ thực hiện vào lúc nào. Thí dụ đợt 1 là sau khi chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất rồi, đã tổ chức giải phóng mặt bằng rồi thì có thể huy động vốn để làm hạ tầng. Lý do vì đầu tư xây dựng hạ tầng cũng cần rất nhiều tiền, nhà đầu tư nếu không huy động được những nguồn vốn khác thì không thể triển khai được công trình. Các đợt tiếp theo cũng tương tự như vậy. Điều quan trọng nhất là tỷ lệ huy động vốn sẽ được quy định theo đúng tiến độ xây dựng nhà, công trình thuộc dự án KĐTM.
|