Luật Công chứng đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2006. Theo tinh thần Dự thảo, việc công chứng phải do Công chứng viên thực hiện, còn hoạt động chứng thực mang tính thị thực hành chính (sao y giấy tờ) do UBND thực hiện. Hoạt động chứng thực sẽ phải được quy định trong một đạo luật khác.
Bóc tách công chứng, chứng thực!
Việc xác định khái niệm công chứng, phân định với chứng thực là vấn đề quan trọng để xây dựng khung pháp lý cho hoạt động công chứng. Cách đây 15 năm, Nghị định số 45/HĐBT ngày 27-2-1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động Công chứng Nhà nước định nghĩa: Công chứng Nhà nước là việc chứng nhận tính xác thực các hợp đồng và giấy tờ theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội (sau đây gọi chung là các tổ chức), góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Các hợp đồng và giấy tờ đã được công chứng có giá trị chứng cứ. Nghị định này cũng quy định: Công chứng viên chứng nhận bản sao giấy tờ, tài liệu từ bản chính. Ở các huyện, thị xã nơi chưa có phòng công chứng Nhà nước UBND huyện, thị xã được quyền thực hiện các việc công chứng. Cụ thể là: Chứng nhận hợp đồng dân sự; chứng nhận giấy ủy quyền; chứng nhận di chúc; chứng nhận bản sao giấy tờ, tài liệu tiếng Việt.
Nghị định số 31/CP ngày 18-5-1996 về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước cũng định nghĩa về công chứng như Nghị định 45/HĐBT và quy định UBND quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh có thẩm quyền chứng thực một số việc và chứng thực bản sao giấy tờ từ bản chính. UBND xã phòng, thị trấn chứng thực việc từ chối nhận di sản, chứng thực di chúc và các việc khác do pháp luật quy định. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp bản chính giấy tờ như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ khác cũng có quyền cấp bản sao các giấy tờ đó cho đương sự. Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8-12-2000 về công chứng, chứng thực bước đầu phân định công chứng và chứng thực. Theo Nghị định này, công chứng là việc phòng công chứng chứng nhận tính xác thực của hợp đồng được giao kết hoặc giao dịch khác được xác lập trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ xã hội khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) và thực hiện các việc khác.
Chứng thực là việc UBND cấp huyện, cấp xã xác nhận sao y giấy tờ, hợp đồng, giao dịch và chữ ký của cá nhân trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch của họ. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực ở trong nước được quy định chung trong một điều luật bao gồm: Phòng công chứng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Ở ngoài nước là Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Bóc tách công chứng và chứng thực, Điều 2 Dự thảo Luật Công chứng định nghĩa: Công chứng là việc công chứng viên xác nhận tính xác thực của hợp đồng, giao dịch được xác lập trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ xã hội khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc pháp luật không quy định phải công chứng nhưng cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên trong các hợp đồng, giao dịch đó và phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật.
Tiến tới xã hội hóa hoạt động công chứng!
Từng bước xã hội hóa công chứng là chủ trương đúng đắn được đề cập trong nhiều văn kiện, văn bản. Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng đặt ra yêu cầu là hoàn thiện chế độ pháp luật về công chứng, xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp, có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này.
Dự án Luật Công chứng đã đưa ra nội dung thể hiện tinh thần xã hội hóa hoạt động công chứng bằng việc quy định hai hình thức tổ chức hành nghề công chứng là Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng. Các Phòng Công chứng đã được thành lập vẫn tiếp tục hoạt động. Đối với những nơi chưa có Văn phòng Công chứng để đáp ứng nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức thì Nhà nước sẽ thành lập phòng công chứng. Các phòng công chứng sẽ vận dụng theo chế độ tài chính của đơn vị sự nghiệp có thu.
Văn phòng Công chứng là một hình thức mới của tổ chức hành nghề công chứng do một công chứng viên hoặc các công chứng viên thành lập. Việc thành lập Văn phòng Công chứng phải được phép của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Các Văn phòng Công chứng này hoạt động theo chế độ tự chủ về tài chính.
Công chứng viên là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt được Bộ trưởng Tư pháp bổ nhiệm để thực hiện công chứng nếu có đủ tiêu chuẩn: Có trình độ đại học luật; có thời gian công tác pháp luật liên tục ở các cơ quan, tổ chức từ 5 năm trở lên kể từ khi có bằng tốt nghiệp đại học luật hoặc là luật sư đã hành nghề từ hai năm trở lên đối với những người đã có thời gian công tác pháp luật liên tục tại một tổ chức hành nghề công chứng từ 5 năm trở lên trước khi có bằng tốt nghiệp đại học luật thì thời gian công tác pháp luật sau khi có bằng tốt nghiệp đại học luật ít nhất là hai năm liên tục; đã được đào tạo nghề công chứng.
|