Ba Vì đối mặt với đại dịch HIV/AIDS.
Các Website khác - 24/12/2005
Ba Vì là huyện có địa bàn rộng, phức tạp, có 3 dân tộc cùng chung sống và hàng trăm cơ quan, đơn vị quân đội, khu du lịch đóng trên địa bàn. Trên địa bàn huyện, số người thất nghiệp, không có việc làm thường xuyên lên tới trên 1.000 người; tỷ lệ thiếu việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp cao (khoảng 70%). Việc làm vừa thiếu, lại ít; hàng năm số đăng ký tạm vắng tại địa phương lên tới hàng ngàn người để đi làm thuê, buôn bán ngược xuôi khắp mọi nơi, nhiều nhất là các tỉnh phía Bắc. Một số xã Phong Vân, Chu Minh, Minh Châu... có nghề khai thác lâm sản, khoáng sản, cát, sỏi, đào đãi vàng... là nguồn gốc phát sinh tệ nạn nghiện hút ở Ba Vì. Các con nghiện đi làm ăn xa, khi về địa phương vào dịp tết và mùa nước lũ, thường dự trữ thuốc để hút, chích; đồng thời rủ rê, lôi kéo thêm người khác vào con đường nghiện ngập. Khi đã nghiện nặng, thì sức kiệt, tiền hết, các con nghiện trở về địa phương gây ra hầu hết các vụ trộm cắp để lấy tiền hút, chích, tác động xấu tới tình hình an ninh trật tự. Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng, nhưng trong những năm qua, tệ nạn nghiện hút, tiêm chích ma túy ở Ba Vì không những không thuyên giảm, mà tiếp tục gia tăng cả về địa bàn lẫn số đối tượng. Chỉ tính riêng 7 xã trọng điểm đã có tới hơn 200 đối tượng liên quan đến ma túy. Trong khi đó, nguyên nhân chính (chiếm 80%) dẫn đến căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS là từ tiêm, chích ma túy. Có những lần, xã Phong Vân tổ chức xét nghiệm máu của 14 con nghiện, thì 11 mẫu máu có kết quả dương tính.

Với chức năng là cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS, ngay từ tháng 8-2002, Trung tâm Y tế Ba Vì đã thực hiện lấy mẫu máu làm xét nghiệm nhanh HIV/AIDS. Trung tâm lấy mẫu máu của tất cả các đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS cao và tư vấn, vận động các đối tượng khác test nhanh. Kể từ đó đến nay, Trung tâm Y tế Ba Vì đã lấy hàng ngàn mẫu máu để xét nghiệm HIV/AIDS. Riêng 10 tháng đầu năm 2005, Trung tâm đã xét nghiệm được tới hơn 1.300 mẫu máu các loại, thì có 14 trường hợp cho kết quả dương tính. Ngoài ra, Trung tâm Y tế Ba Vì còn tổ chức lấy được 390 mẫu máu của các đối tượng có nguy cơ cao trong chương trình giám sát trọng điểm của tỉnh. Không chỉ lấy máu xét nghiệm, Trung tâm Y tế Ba Vì còn chỉ đạo trạm y tế các xã gặp gỡ các đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS và gia đình tư vấn các biện pháp phòng ngừa, nhằm hạn chế lây. Đồng thời, trực tiếp tư vấn cho hơn 20 đối tượng nghiện ma túy và tăng cường các biện pháp bảo vệ cho cán bộ y tế không bị phơi nhiễm khi tiếp xúc, chăm sóc các đối tượng nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện thường xuyên phát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; đưa tin, bài phản ánh tác hại của đại dịch HIV/AIDS. Tổ chức nhiều buổi giao lưu văn hóa - văn nghệ ở những nơi nhạy cảm, vùng giáp ranh, thu hút đông đảo người dân tới xem, cổ vũ; nhiều tiểu phẩm có tác dụng lớn đối với công tác phòng chống tệ nạn xã hội. Công an huyện đã phối hợp với chính quyền các cấp phát động phong trào “Tự quản về an ninh trật tự” trong các dòng họ. Từ đó đã phát huy được vai trò của dòng họ, lấy tình cảm gia đình, làng xóm để khuyên nhủ con cháu từ bỏ và tránh xa tệ nạn xã hội. Đến nay, đã có trên 200 dòng họ xây dựng được phong trào tự quản. Nhiều dòng họ đã thuyết phục, vận động được con em mình từ bỏ ma túy, tránh được căn bệnh chết người HIV/AIDS. Trên các trục đường chính, khu trung tâm, hàng chục pa-nô, áp-phích có nội dung phòng chống HIV/AIDS được duy trì. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh phát 2500 tờ rơi và mỗi xã có thêm 1 pa-nô tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. 
 
Chính sự  nhiệt tình, đầy trách nhiệm của đội ngũ những người làm công tác phòng chống HIV/AIDS ở Ba Vì, phần nào nâng cao hiểu biết về căn bệnh thế kỷ, làm thay đổi hành vi, thái độ đối với người bị nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Tuy nhiên, để công tác phòng chống tệ nạn xã hội và đại dịch AIDS đạt kết quả cao hơn nữa, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, thực sự của các cấp, các ngành trong toàn huyện.