Dư âm từ Cuộc thi “Người cao tuổi và HIV-AIDS”
Các Website khác - 17/07/2008
 
Các đội tham gia cuộc thi trung kết nhận cờ lưu niệm

“Chúng tôi đã tham gia nhiều hội thi và cũng đã được mời tham gia ban giám khảo của một số hội thi, nhưng có lẽ đây là hội thi để lại trong chúng tôi ấn tượng sâu sắc nhất và nhiều cảm xúc nhất” –Bác sĩ Đặng Quốc Việt, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi chung kết tiểu phẩm “Người cao tuổi và HIV-AIDS” cho biết.

Mặc dù cuộc thi chung kết tiểu phẩm “Người cao tuổi và HIV-AIDS” giữa các CLB Đồng cảm NCT trong khuôn khổ dự án VIE011 “Các cơ chế cộng đồng nhằm giảm thiểu tác động của HIV/AIDS tại Việt Nam” đã kết thúc, nhưng tính nhân văn và sự lan toả của nó vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi khán giả.

 

Mỗi tiểu phẩm - một mảnh đời

 

Đến với cuộc thi, các thí sinh không chỉ thể hiện tài năng nghệ thuật mà còn tái hiện lại một cách sâu sắc những mảnh đời hiện hữu đâu đó trong xã hội. Đó là những mảnh đời đang phải đối mặt với đại dịch HIV/AIDS. Họ không chỉ là những người đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ, mà còn là những ông, người bà, người cha, người mẹ, là những đứa con bé bỏng, ngây thơ, tội nghiệp…

 

Các tiểu phẩm đều đã thể hiện rõ ảnh hưởng của HIV/AIDS đối với xã hội nói chung và NCT nói riêng. HIV/AIDS đã và đang lấy đi lực lượng lao động chính của xã hội, của mỗi gia đình – những người trẻ tuổi, và dồn gánh nặng trụ cột gia đình lên những đôi vai già nua của NCT. Với cái tuổi “gần đất, xa trời” nhưng NCT vẫn phải đầu tắt mặt tối vì miếng cơm manh áo cho bản thân và con, cháu. Phải hằng ngày chăm sóc cho những đứa con bệnh tật, những đứa cháu mồ côi do AIDS. Phải xoay vần với những khoản chi phí chữa trị, thuốc thang của con, cháu mình. Phải đối mặt với sự tủi nhục, xa lánh, kỳ thị, vô vọng, hận – thương mà những đứa con, đứa cháu mang lại. Phải đương đầu với cái chết của con – cái chết vì AIDS… Những mảnh đời ấy chồng chất những khó khăn, tủi nhục, đau đớn, ê chề thay vì được an nhàn tuổi già; được chăm sóc, lo toan, phục dưỡng; được hãnh diện vì con, cháu.

 

Mỗi công việc, suy nghĩ, trăn trở của NCT đối với con cháu, với cuộc đời thể hiện qua từng tác phẩm là một bài học thức tỉnh những cuộc đời lầm lỡ, có sức lay động mạnh mẽ đối với mỗi tấm lòng, mỗi con người cần sống tốt hơn, hoàn thiện hơn và có trách nhiệm hơn với cộng đồng, gia đình và bản thân. Những hình ảnh NCT chống chọi với bệnh tật, sự già nua để chăm sóc, lo cho con từng miếng cơm, viên thuốc; băng bó vết thương, tắm rửa cho con; chống chọi lại sự kỳ thị, xa lánh, khinh miệt của cộng đồng để bản thân sinh tồn và chăm lo cho con cháu không chỉ để lại trong lòng khán giả sự ngưỡng mộ, kính trọng sâu sắc mà còn để lại những thông điệp có giá trị nhân văn cao cả.

 

Không chỉ lột tả sự đau khổ cùng cực của các mảnh đời bất hạnh, thể hiện vai trò quan và sự đóng góp trọng của NCT trong việc chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV mà mỗi tiểu phẩm còn là một lời cảnh tỉnh đối với mỗi người chúng ta.

 

Những “người thực, việc thực”

Trước sự cực nhọc của thể xác, sự suy sụp về tinh thần - sức khoẻ, sự thất vọng cuộc đời, bế tắc về đời sống kinh tế, họ đã trở thành những tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Ban đầu, họ tham gia vào CLB Đồng cảm NCT để được chia sẻ những đớn đau, mất mát về tinh thần, sức khoẻ, hỗ trợ về đời sống, đồng cảm những lúc vui buồn. Rồi họ đến với CLB để tiếp thu, nâng cao nhận của mình về cách phòng chống, chăm sóc HIV/AIDS cho con cháu mình… Và rồi để được cống hiến sức lực, kinh nghiệm của mình vào sự nghiệp phòng chống, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS.

Mỗi người đến với CLB Đồng cảm NCT với một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều cảm nhận được CLB môi trường an toàn, thuận lợi và phù hợp đối với họ. Bà Đ. (CLB tại Hà Nội) tâm sự: “CLB là nơi tôi được chia sẻ, được dốc bầu tâm sự với những có cùng cảnh ngộ. Ở đây tôi được cảm thông được truyền những kinh nghiệm phòng chống HIV”.Còn với bà L. (CLB tại Hà Nội, có con chết vì AIDS) thì “đến với CLB để được chia sẻ kinh nghiệm phòng chống HIV/AIDS, giáo dục cho các cháu”.

Nhiều thành viên CLB đã trở thành những hộ lý, y tá chăm sóc cho con cái họ. Một thành viên CLB tại Tiền Giang tâm sự: “Bây giờ thì mẹ phải chăm sóc cho là chính, tôi phải đi mua thuốc nấm họng, thuốc viêm phổi, các loại thuốc bổ cho em. Rồi cũng tìm tài liệu, các bác trong CLB có tài liệu gì là cũng cho, rồi tôi xem tivi để tự học cách chăm sóc cho em. Hàng ngày tắm rửa sạch sẽ bằng nước chín, nóng. Lúc em nó khoẻ thì đun nước để em nó tự tắm, nhưng bây giờ nó sang giai đoạn cuối thì mình phải chăm sóc nó”.

Tham gia hội thi mới thấy giá trị nhân văn mà các hội viên các CLB đồng cảm NCT mang lại. Các tiểu phẩm đều hết sức đời thực, gần gũi. Nội dung, ngôn ngữ mộc mạc như chính họ diễn tả lại các công việc, cuộc đời của bản thân họ vậy. Họ đã đến với hội thi như một cơ hội được giãi bày, sẻ chia, trao đổi và học hỏi.

 

Hiệu quả truyền thông và sự lan toả của hội thi

Cuộc thi đã thành công ngoài sựmong đợi của Ban tổ chức bởi tính nhân văn và sự lan toả của nó. Ngài Eamonn Murphy, Giám đốc quốc gia Chương trình UNAIDS đã thốt lên rằng: “Tôi thật sự không biết xuất phát điểm những tài năng về âm nhạc và nghệ thuật diễn các tiểu phẩm này của các cụ trong cuộc thi này từ đâu, nhưng tôi thực sự ngạc nhiên và khâm phục”. Còn Bác sỹ Đặng Quốc Việt, Trưởng ban Giám khảo đã nhận xét: “Nhiều tác phẩm đã làm cho không chỉ Ban giám khảo, mà tôi chắc rằng nhiều người tại hội trường này phải nhiều lần nghẹn ngào, ngấn lệ”.

Đánh giá kết quả Hội thi, Ban giám khảo đã thống nhất kết luận rằng các tiết mục đã thể hiện được 3 nội dung chính của cuộc thi, đó là: tác động của đại dịch HIV/AIDS với cộng đồng, xã hội, trong đó có NCT; vai trò của cộng đồng, xã hội, trong đó có NCT trong việc chia sẻ, giúp đỡ những gia đình và cá nhân không may bị nhiễm HIV/AIDS; đưa ra được các giải pháp mang tính khả thi, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, phù hợp với vai trò của cơ quan đoàn thể, trong đó có CLB Đồng cảm NCT tại địa phương.

Cuộc thi đã thể phát huy được tính xã hội hoá của hoạt động phòng chống và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS bằng việc thể hiện đa dạng hoá chủ đề, diễn viên, cổ động viên; Nhiều tiểu phẩm được đầu tư có chiều sâu từ kịch bản đến diễn xuất, từ trang phục đến đạo cụ, thực sự truyền cảm cho khán giả và thuyết phục Ban giám khảo.

Cuộc thi có ý nghĩa lớn trong việc đưa ra thông điệp truyền thông về phòng chống, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng bởi đây là cách truyền thông gắn với hoạt động văn hoá, nghệ thuật dân gian. Các tiểu phẩm đã thể hiện sinh động niềm tin, khát vọng sống của mỗi con người trước đại dịch. Đồng thời, Hội thi đã thể hiện sự quyết tâm vượt qua mặc cảm, vượt lên chính mình của mỗi tác giả để giảm thiểu tác động của đại dịch đối với cộng đồng, gia đình và cá nhân.

Đối với khán giả, thành công của cuộc thi có lẽ là sự lắng đọng sâu xa của những vẻ đẹp tâm hồn NCT mang lại. Chính ngài Eamonn Murphy đã khẳng định đó là “những bản tính tốt đẹp ẩn sâu trong cái cốt lõi bên trong mà các cụ đã và đang giành cho những người xung quanh, đó là tình yêu thương các cụ đã dâng hiến cho gia đình, cho bà con lối xóm và cũng chính bản tính tốt đẹp đó đã làm ánh lên những vẻ đẹp rất đặc biệt và đầy cao quý”

Cuộc thi đã mang lại nhiều ý nghĩa to lớn. Không chỉ có tác dụng trong việc tuyên truyền những vấn đề xung quanh đại dịch AIDS đối với NCT, hội thi còn đưa ra những khuyến nghị và kêu gọi tất cả chúng ta hãy chung tay góp sức nhằm hiện thực hoá những khuyến nghị đó. Quan trọng hơn, Hội thi còn là cơ hội giúp mỗi chúng ta nhậnthấy rõ hơn vẻ đẹp tự trong cốt tuỷ của những NCT Việt Nam - những con người luôn sẵn sàng cống hiến và hy sinh, lay động tâm hồn chúng ta về nghĩa vụ với cộng đồng chống lại đại dịch thế kỷ này.

“Hi vọng rằng mô hình này sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương khác để góp phần có hiệu quả vào công cuộc đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cả cộng đồng”. Niềm hy vọng của bác sĩ Đặng Quốc Việt cũng chính là niềm hy vọng của tất cả chúng ta./.

Theo http://www.hoilhpn.org.vn