Nam Phi: Mời thầy lang tham gia chống AIDS
Các Website khác - 11/03/2006

Một nhóm thầy lang ở Nam Phi đang được đào tạo các kỹ năng tuyên truyền nhằm thuyết phục những người đang ở giai đoạn đầu nhiễm HIV/AIDS đi làm xét nghiệm và nhận thuốc điều trị kháng virus. Đây là một trong những nỗ lực nhằm xoá bỏ thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử còn khá nặng nề xung quanh căn bệnh thế kỷ tại đây.

Có tới 4 trên 5 người dân ở Nam Phi phó thác sinh mệnh mình cho những thầy lang hành nghề tự do, đây là những chuyên trách cả hai nhiệm vụ, chẩn đoán bệnh và phát thuốc.

Không loại trừ có những thầy lang kê đơn điều trị bằng những loại thảo dược có khi làm tình hình tồi tệ hơn vì thúc đẩy quá trình phát triển của giai đoạn nhiễm HIV trong cơ thể người bệnh.

Trước tình trạng đại dịch AIDS mỗi ngày cướp đi gần 1,000 sinh mạng trong nước, một nhóm các sangomas hay chính là các thầy lang đã được mời tham gia khoá học sáu tuần tại bệnh viện Tygerberg ở Cape Town để học hỏi những kiến thức liên quan tới HIV.

Philip Kubukele, một sangoma của thị trấn Khayelitsha đã hành nghề hơn 30 năm nay, khi trả lời phỏng vấn của chương trình Outlook của BBC World Service đã cho biết trước khi làm việc với các bác sĩ phương tây ông đã tin rằng, các thuốc mà bác sĩ phương tây kê đơn đã "giết chết người dân của chúng tôi".

"Tôi đã không tin vào thuốc cũng như việc xét nghiệm của họ", ông nói.

Sự kỳ thị

Một vài Sangomas tiếp xúc với hàng trăm người dân mỗi ngày.

Với một số trường hợp, họ chỉ đưa ra lời khuyên, với một số khác thì họ kê đơn thuốc.

Thầy lang Kubukele cho biết, ông đã bảo với những người dân tới chỗ ông chữa bệnh nên tìm tới các bác sĩ ở bệnh viện.

Một trong bệnh nhân của thầy lang Kubukele là David đã được điều trị thuốc kháng virus sau khi nghe lời khuyên của ông tới bệnh viện làm xét nghiệm.

David nói: "Nếu không được khuyên bảo như thế, tôi sẽ chẳng bao giờ đi xét nghiệm.

Trước đây tôi không tin tưởng mấy vào các loại tây dược, tôi thích điều trị bằng thảo dược hơn".

David cũng hiểu rằng, nếu anh cứ sống mãi trong tình trạng không hay biết mình đã nhiễm bệnh, rất có thể anh đã nhiễm thêm các bệnh tật khác thường liên quan đến HIV như lao hay viêm phổi.

Các bác sĩ đứng sau kế hoạch đào tạo nói trên đang rất phấn khởi về những thay đổi đó trong quan niệm của người dân.

Chị Monica Essa, bác sĩ nhi khoa tại bệnh viện Tygerberg nói: "Sự kỳ thị gắn với căn bệnh HIV/AIDS thật khủng khiếp.

Hầu hết mọi người vẫn rất ngại đi làm xét nghiệm, điều đó thật đáng sợ.

Ban đầu, xét nghiệm làm ở các viện y tế ở phía tây, điều này tạo thuận lợi cho người của cả các bang khác tới làm xét nghiệm, nhưng chủ yếu là nhóm dân da đen".

Bước tiến lớn hướng tới theo cô Essa chính là kết hợp được hoạt động của các thầy lang cùng thuốc dân gian với những sản phẩm tây dược, cần phải phá vỡ những rào cản trong quan niệm nghi ngờ của người dân giữa y học truyền thống và y học phương tây.

Động thái mấu chốt sẽ là nhờ các thầy lang tuyên truyền, vận động người dân đi xét nghiệm.

Cô Essa khẳng định, "tôi nghĩ, cách duy nhất cần làm là để mọi người biết được tình hình sức khoẻ của mình, được làm xét nghiệm, được tuyên truyền kiến thức và được tư vấn để biết tự chăm sóc cũng như không lây nhiễm sang người khác.

Trẻ em vẫn đang trong tỉ lệ lây nhiễm nhanh, nhiều qua các bà mẹ nhiễm bệnh mà lại không hay biết mình đã nhiễm bệnh.

Chẳng hạn, nếu chúng ta biết tình trạng bệnh của người mẹ, chúng ta có thể làm được rất nhiều việc. Với các biện pháp phòng ngừa hiệu quả như đã làm ở châu Âu, tỉ lệ lây nhiễm HIV ở trẻ em chắc chắn sẽ giảm".

Đỗ Dương theo http://news.bbc.co.uk