Nhà nhiếp ảnh tình nguyện
Các Website khác - 25/09/2003


Việt Văn
Chụp ảnh ma tuý là một đề tài đầy khó khăn, và nguy hiểm. Nhưng nhà nhiếp ảnh Quang Phùng dù tuổi cao, vẫn thể hiện một bản lĩnh nghề nghiệp, lòng kiên trì và trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ qua những tác phẩm vừa giàu tính báo chí, vừa có chất tạo hình cao.

Hai trong số hơn 200 bức ảnh chọn
lọc về chống ma tuý của Quang Phùng
"Là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp nhưng tôi cũng là người tình nguyện". Tình nguyện dấn thân, lăn vào những đề tài mà bản thân nhà nhiếp ảnh Quang Phùng thấy có hiệu quả xã hội, dù ảnh ông chụp ngày một dày thêm, chất đống mà "đầu ra" lại quá eo hẹp. Giải nhất cuộc thi ảnh về phòng chống ma tuý mà Bộ VHTT mới trao cho ông trung tuần tháng 9 chỉ là sự tưởng thưởng nhất thời cho 20 bức trong tổng số trên 200 bức ảnh đã chọn lọc từ hàng trăm cuốn phim đã chụp suốt ba năm qua của ông.

Quang Phùng có những cuốn sổ tay ghi chép tỉ mỉ, chi tiết về những con số, sự kiện trong đời sống chính trị - xã hội nước ta. Đó không chỉ là bản tính của một người từng nhiều năm làm công tác ngoại giao, mà nó còn giúp ông gợi mở để chụp ảnh. "Phải nhận thức vấn đề, có ý thức rồi mới đến lòng nhiệt tình. Tôi đọc trên báo và sửng sốt khi biết: Năm 1990, VN có một trường hợp nhiễm HIV được phát hiện, thì nay đầu năm 2003 đã trên 70.000 người. TPHCM năm 1999 có 5.000 người nghiện thì nay là 30.000 người, còn Hà Nội hiện có khoảng 15.000 người nghiện, trong số đó có trên 7.000 nhiễm HIV. Trong đó, trên 70% dưới 30 tuổi- đáng ra phải là lực lượng lao động chủ yếu".

Và Quang Phùng bắt tay vào thực hiện dự án chụp ma tuý cho mình. "Tôi có những nguyên tắc cơ bản: Không được bày ra chụp, phải tôn trọng sự thật, nhưng không xúc phạm đối tượng". Mong muốn của ông: Nêu lên thực trạng, nếu có thể nêu lên được giải pháp, nhưng quan trọng hơn là ghi lại số phận của những con người.

Ông có sự kiên nhẫn rất cao. Biết con nghiện hay nóng, cần không khí mát mẻ, ông đã lần tìm ra tụ điểm của họ ở ven các hồ ở HN... Ngày nắng, ngày mưa cũng đi chụp, thành ra có những bức ảnh của ông làm người xem phải giật mình: Những bát hương vỡ còn nguyên chân hương đang trôi vật vờ bên những mũi kim tiêm đẫm máu ở ven hồ Thiền Quang.

Những con nghiện hiện lên trong ảnh ông như có câu chuyện, có số phận hẳn hoi. Cảnh tiêm chích, cảnh ngủ ngày, cảnh đói ăn mò ốc nuôi em... và qua ống kính của ông, ta thấy người nghệ sĩ cố phát hiện ra cái nguyên nhân đằng sau bi kịch kia. Có những cô gái trẻ sa vào con đường ma tuý và khi Quang Phùng đặt họ bên cạnh ảnh những cô nữ sinh phơi phới đến trường - thì ấn tượng về sự tương phản là rõ rệt. Sự cảnh báo về cái chết hiện lên ở bức ảnh một con nghiện đang vật vã trên ghế và ngay dưới chân anh ta là bát hương còn vương khói của một con nghiện vừa chết... "Nhưng tôi không bao giờ chụp ảnh người chết, dù ba năm tôi đã chứng kiến sự kết thúc cuộc đời của một số con nghiện". Đó cũng là sự khác biệt của ông với một số nhà nhiếp ảnh quốc tế muốn đi đến tận cùng của sự việc như trong triển lãm của nhiếp ảnh đương đại Đức tháng 6 năm nay tại HN.

Chụp thực trạng xong, và giờ là Quang Phùng đi vào mảng "giải pháp". "Tôi phấn khởi với dự án TPHCM dành đến 5.000 tỉ đồng để nâng cấp 18 trung tâm cai nghiện đủ sức chứa 29.000 người. Cũng như nhiều dự án cai nghiện khác đã mở rộng cho đối tượng không chỉ 1 mà tới 3 năm".