Bệnh lao gắn liền với sự phát triển của xã hội loài người từ hàng nghìn năm nay. Trên thế giới chưa bao giờ và không có quốc gia nào, một khu vực nào, một dân tộc nào không có người mắc bệnh lao và chết do lao. Hiện nay trên thế giới có khoảng 2,2 tỷ người đã nhiễm lao (chiếm một phần ba dân số thế giới). Theo số liệu công bố của WHO, ước tính năm 2003 có thêm khoảng chín triệu người mắc lao mới và hai triệu người chết do lao. Khoảng 80% số người mắc bệnh lao trên toàn thế giới thuộc 22 nước có bệnh lao cao; 75% số người mắc bệnh lao đang ở độ tuổi lao động. Tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao trên toàn thế giới đã đạt 82%, nhưng tỷ lệ phát hiện mới chỉ đạt khoảng 37%, cho nên còn nhiều người bệnh chưa được phát hiện đang tiếp tục lây bệnh cho cộng đồng. Ước tính của WHO cho thấy mỗi năm có thêm 1% số dân trên thế giới nhiễm lao (khoảng 65 triệu người). Bệnh lao là bệnh của người nghèo, lây lan nhanh chóng trong cộng đồng có điều kiện sống chật chội, thiếu vệ sinh, thông khí và dinh dưỡng kém, khoảng 95% số người bệnh lao và 98% số người chết do lao ở các nước có thu nhập vừa và thấp.
Theo thống kê của WHO, Việt Nam là nước đứng thứ 13 trong 22 nước có số người mắc bệnh lao cao trên thế giới; là nước có nhiều người mắc bệnh lao đứng thứ ba ở khu vực Tây Thái Bình Dương (sau Trung Quốc và Philippines). Qua kết quả điều tra về nguy cơ lây nhiễm lao hằng năm của CTCL và WHO tính nguy cơ nhiễm lao hằng năm ở Việt Nam trung bình là 1,7%. Như vậy, hằng năm Việt Nam có thêm khoảng 145 nghìn người mắc bệnh lao các thể, trong đó có 65 nghìn người mắc lao phổi ho khạc ra vi khuẩn, là nguồn lây trong cộng đồng. 70% người bệnh lao ở nước ta đang ở độ tuổi lao động; tỷ lệ chết do bệnh lao cũng khá cao: 26 người/100 nghìn dân, tương đương với 20 nghìn người chết do lao mỗi năm. Như vậy, ở Việt Nam cứ mỗi ngày có gần 400 người mắc bệnh lao, trong đó có 55 người chết vì bệnh lao. Năm 1995, trước những biến động xấu của tình hình dịch tễ bệnh lao toàn cầu, công tác chống lao đối mặt những thách thức mới, Nhà nước, Bộ Y tế quyết định đưa CTCL thành một trong những chương trình y tế quốc gia trọng điểm. Ðến năm 1999, chiến lược DOST (điều trị bằng hóa trị ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp) được triển khai ở tất cả các huyện trong cả nước. Với những nỗ lực đó, CTCLQG đã phát hiện số người mắc bệnh lao là 82% (mục tiêu của WHO là 70%) và điều trị khỏi đạt tỷ lệ 92%. Với những kết quả đạt được trong chỉ tiêu phát hiện là điều trị, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á đạt mục tiêu của WHO. Nhân Ngày thế giới phòng, chống lao (24-3) vừa qua, tại diễn đàn các đối tác chống bệnh lao lần hai hai do WHO tổ chức tại New Delhi (Ấn Ðộ), CTCL Việt Nam là một trong sáu nước trên thế giới và là nước duy nhất trong 22 nước có gánh nặng bệnh lao cao được nhận giải thưởng của WHO về thành tích trong công tác phòng, chống bệnh lao. WHO cũng coi đó là những đóng góp quý báu của CTCLQG Việt Nam trong sự nghiệp toàn cầu nhằm ngăn chặn bệnh lao.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống bệnh lao ở Việt Nam đang phải đối mặt những thách thức mới: duy trì lâu dài những thành công đã đạt được; nâng cao chất lượng của CTCLQG, nhất là tại các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và đặc biệt phải đối mặt vấn đề lao kháng thuốc và bệnh lao kết hợp HIV/AIDS. Hiện nay bệnh lao kháng thuốc đã trở thành vấn đề toàn cầu và đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng kháng đa thuốc. Ðiều tra tình hình kháng thuốc năm 2001 và 2002, kết quả sơ bộ cho thấy 3% người bệnh mới và 23,5% người bệnh cũ đã kháng đa thuốc. Bệnh lao kháng thuốc khi có vi khuẩn lao kháng với một hoặc nhiều loại thuốc chống bệnh lao. Nguyên nhân chủ yếu là người bệnh không hợp tác, không tuân thủ đúng nguyên tắc điều trị được quy định của CTCL; thầy thuốc kê đơn không đúng do không phối hợp đầy đủ các nguồn thuốc chống lao, liều lượng thuốc không đủ, hướng dẫn người bệnh không đúng cách, điều trị không đủ thời gian... Kết quả điều trị với người bệnh kháng thuốc thường không cao, nhất là đối với người bệnh kháng đa thuốc. Chi phí điều trị người bệnh lao kháng đa thuốc tăng lên 100 lần so với người bệnh lao không kháng thuốc và thậm chí không điều trị được ở một số trường hợp.
HIV là yếu tố nguy cơ làm cho người nhiễm lao phát triển thành người bệnh lao, nguy cơ đó cao gấp 30 lần so với người không nhiễm HIV. Ðại dịch HIV/AIDS đã làm tăng ít nhất 30% số người mắc bệnh lao trên toàn cầu; bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong cho một phần ba số người bệnh HIV trên toàn thế giới. Theo số liệu giám sát trọng điểm của chương trình phòng, chống HIV/AIDS cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong số người mắc bệnh lao năm 2002 trên cả nước khoảng 3,2%, trong đó có mười tỉnh hơn 3% (TP Hồ Chí Minh 9,4%; An Giang 4,8%...). WHO và nhiều đối tác đang kêu gọi tăng cường sự hợp tác và liên kết giữa CTCLQG và chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Chuyên gia của WHO cho biết: Khi CTCL quốc gia đạt được hai mục tiêu: phát hiện hơn 70% số người mắc bệnh lao phổi là nguồn lây xuất hiện hằng năm trong cộng đồng và điều trị khỏi hơn 85% số người bệnh trên thì gánh nặng bệnh lao sẽ giảm dần và tình hình dịch tễ bệnh lao sẽ giảm một phần hai trong vòng 15 năm. Thế nhưng trong tình hình hiện nay CTCLQG Việt Nam không chủ quan, vẫn tiếp tục duy trì các kết quả đạt được bằng tăng cường năng lực quản lý chương trình chống lao; nâng cao chất lượng điều trị bằng DOST, nhất là tại vùng sâu, vùng xa. Mở rộng mạng lưới xét nghiệm lao tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực, củng cố hệ thống xét nghiệm tuyến tỉnh, huyện, bảo đảm chất lượng và an toàn xét nghiệm. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong toàn dân, từng bước xã hội hóa công tác chống bệnh lao; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, lượng giá tình hình dịch tễ bệnh lao; kết hợp các hoạt động chống bệnh lao với các chương trình y tế quốc gia khác như HIV/AIDS, phong, sốt rét... |