10 nhân vật thế giới năm 2005
Các Website khác - 28/12/2005
10 nhân vật thế giới năm 2005

1. Giám đốc Mohammed ElBaradei của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cùng tổ chức này đoạt giải Nobel Hoà bình 2005. Ông ElBaradei, luật sư 63 tuổi - người Ai Cập, đã có công lãnh đạo IAEA thực hiện những nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới, đồng thời sử dụng thành công kênh ngoại giao để giải quyết căng thẳng hạt nhân với Iran và CHDCND Triều Tiên. Suốt nhiều năm qua, ông ElBaradei đã cùng IAEA theo sát các cuộc điều tra về thị trường hạt nhân ngầm và nhận được nhiều lời ca ngợi rằng IAEA đã đóng một vai trò quan trọng nhằm đảm bảo rằng nguyên liệu hạt nhân không được dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Ông ElBaradei trở thành người Ai Cập thứ tư đoạt giải Nobel và là người thứ hai nhận được vinh dự này trong 6 năm qua.

2. Giáo hoàng Benedict XVI. Vào lúc 6 giờ chiều ngày 19.4 tại Roma, Hồng y người Đức 78 tuổi Joseph Ratzinger, niên trưởng Hồng y đoàn, đã được bầu làm Giáo hoàng mới của Vatican, trở thành giáo hoàng thứ 265 của Giáo hội Thiên chúa giáo, lấy tên hiệu là Benedict XVI và tự gọi mình là một "người lao động khiêm tốn và giản dị". Ngài trở thành giáo hoàng đầu tiên của thiên niên kỷ mới sau ba vòng bỏ phiếu - một trong những cuộc bầu chọn giáo hoàng nhanh nhất trong vòng 100 năm qua và là vị giáo hoàng người Đức đầu tiên kể từ thế kỷ thứ 11 và cũng là vị hồng y cao niên nhất được bầu làm giáo hoàng. Giáo hoàng Benedict XVI là một người có tài viết, phong cách thẳng thắn và có ngôn ngữ hình tượng.

3. Bà Angela Merkel trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Đức, sau chiến thắng sít sao trước ông Gerhard Schroeder trong cuộc bầu cử ngày 18.9. Angela Merkel sinh năm 1954 tại Hamburg, sau đó theo cha sang thành phố nhỏ Templin ở Đông Đức. Năm 1978, bà lấy bằng tiến sĩ vật lý, nhưng lại làm nhà hoá học trong một học viện ở CHDC Đức. Bà gia nhập Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) ngay trước khi nước Đức thống nhất năm 1990 và chỉ 3 tháng sau đã được chỉ định vào nội các của Thủ tướng Helmut Kohl với chức Bộ trưởng phụ trách phụ nữ và thanh niên. Đến năm 1994, bà chuyển sang làm Bộ trưởng Môi trường. Một số tờ báo từng gọi bà là "Margaret Thatcher của Đức".

4. Huyền thoại nhạc rock Bono được Tạp chí Time của Mỹ bình chọn là một trong các nhân vật của năm 2005. Là thủ lĩnh ban nhạc Ireland U2 nổi tiếng, Bono từng giành 14 giải Grammy, từng được đề cử giải Nobel Hoà bình và còn là người đồng sáng lập của DATA (viết tắt từ debt - nợ nần; AIDS; trade - thương mại, Africa - Châu Phi) - một tổ chức chuyên đấu tranh chống nạn đói nghèo và bệnh HIV/AIDS trong thế giới các nước đang phát triển. Từ năm 1999, với tư cách là "chuyên gia vận động hành lang" cho những mục tiêu xoá đói nghèo và chống AIDS, Bono đã thuyết phục giới lãnh đạo và chính trị gia của Mỹ chi hàng triệu USD giúp các bệnh nhân AIDS, xoá đói nghèo ở Châu Phi và xoá nợ cho các nước thuộc thế giới thứ ba. Mục tiêu này tiếp tục được Bono thúc đẩy khi đứng ra đồng tổ chức những buổi hoà nhạc quy mô lớn Live 8 trong năm nay ở 9 thành phố trên thế giới. Kết quả là tại Hội nghị thượng đỉnh G8, các nguyên thủ các nước phát triển đã đồng ý tăng gấp đôi viện trợ cho Châu Phi lên 50 tỉ USD vào năm 2010, và xoá 40 tỉ USD tiền nợ cho các nước nghèo nhất.

5. Người phụ nữ da đen đầu tiên được bầu làm tổng thống. Giành nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử tổng thống hồi đầu tháng 11 vừa qua - cuộc bầu cử đầu tiên ở Liberia sau 14 năm nội chiến, bà Ellen Johnson-Sirleaf (67 tuổi), trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Châu Phi. Lên nắm quyền, bà Johnson-Sirleaf mới đối mặt với hàng loạt thách thức: Đoàn kết dân tộc, ổn định chính trị xã hội, cam kết chống tham nhũng, nghèo đói, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường quyền lợi của phụ nữ. Tuy nhiên, bà Johnson-Sirleaf từng là nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới. Thuận lợi lớn nhất của bà chính là sự ủng hộ của dư luận cả bên trong và bên ngoài, khi bà được đánh giá là sự lựa chọn tốt nhất vào vị trí lãnh đạo đất nước.

6. Tổng thống Kyrgyzstan Bakiyev. Bắt đầu từ cuộc bầu cử quốc hội bị cáo buộc là gian lận, bạo lực đã nổ ra ở Kyrgyzstan cuối tháng 3.2005, chính quyền của Tổng thống A. Akayev bị lật đổ một cách chóng vánh, lãnh tụ đối lập Bakiyev được phương Tây hậu thuẫn đã lên nắm quyền tạm thời ở đất nước Trung AÁ Kyrgyzstan. Tuy nhiên, Tổng thống lâm thời Bakiyev đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố đề nghị Nga giúp đỡ ổn định tình hình và mong muốn tăng cường quan hệ với Nga, cố gắng duy trì mối cân bằng trong quan hệ với Nga và Mỹ. Cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào đầu tháng bảy đã diễn ra một cách yên ổn đến bất ngờ và ông Bakiyev được đông đảo cử tri ủng hộ, chính thức giữ ghế tổng thống. Ông Bakiyev đã đặt ưu tiên xoá đói giảm nghèo và chống tham nhũng lên hàng đầu, đem lại hy vọng bình ổn chính trị xã hội ở Kyrgyzstan.

7. Người nông dân trở thành tổng thống. Ông Evo Morales - một nông dân người da đỏ trồng cây coca - người đứng đầu phong trào đấu tranh vì sự tồn tại và thị trường truyền thống của cây coca ở đất nước Trung Mỹ này đã chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tháng 12. Cây coca được người Bolivia sử dụng như loại cây chống nghèo đói và thuốc chữa bệnh, nhưng cũng khiến Bolivia trở thành nước đứng thứ ba về cung cấp cocaine vào Mỹ sau Colombia và Peru. Lãnh đạo phong trào chống lại việc xoá sổ cây coca do Mỹ chủ xướng đã giúp ông Morales có được một mặt trận chính trị rộng lớn phấn đấu vì mục tiêu xoá đói giảm nghèo trong 8,5 triệu người da đỏ ở Bolivia. Ông chủ trương phấn đấu vì một nước Bolivia "không cocaine, không buôn lậu ma tuý, nhưng không thể không coca". Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại 180 năm, Bolivia mới có vị tổng thống da đỏ của mình.

8. Sayako - công chúa Nhật Bản lấy chồng bình dân. Năm nay 36 tuổi, Công chúa Sayako đã quyết định kết hôn với Yoshiki Kuroda - một công chức của chính quyền thành phố Tokyo. Hai người biết nhau từ nhỏ và học cùng lớp đại học, nhưng mới chỉ hẹn hò nhau từ cuối năm 2004. Để chuẩn bị cho cuộc sống bình thường, công chúa đã tập lái xe, tập nấu ăn, tập đi siêu thị. Sau khi lấy chồng, công chúa đã thôi việc là nhà nghiên cứu điểu học để ở nhà làm nội trợ. Hoàng gia Nhật đã tặng cô 1,3 triệu USD hồi môn. Phần lớn người dân Nhật đã ủng hộ sự lựa chọn của công chúa.

9. Tổng thống Iran Ahmadinejad. Thị trưởng Tehran M. Ahmadinejad - vốn nổi tiếng là người bảo thủ, cứng rắn, đã đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống ở Iran cuối tháng sáu, khiến chương trình cải cách vốn đã rất sóng gió ở Iran 8 năm qua sẽ đi vào ngõ cụt, các nhóm bảo thủ chống phương Tây sẽ chiếm ưu thế. Điều đó đã được chứng minh ngay lập tức: Ông tuyên bố xây dựng một nhà nước Hồi giáo hiện đại, không vội vã trong quan hệ với Mỹ, đe doạ cắt đứt đàm phán hạt nhân với EU, dỡ bỏ niêm phong của LHQ tại một nhà máy hạt nhân, thậm chí tuyên bố "xoá Israel khỏi bản đồ thế giới", nghi ngờ vụ phátxít Đức thảm sát người Do Thái trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất liệu có thật hay không, đòi chuyển Israel sang Châu Âu... Những tuyên bố này đã khiến các nước phương Tây lo ngại về động cơ và vấn đề vũ khí hạt nhân của Iran và khiến quan hệ giữa hai bên trở nên phức tạp hơn.

10. Nữ bệnh nhân Terry Schiavo. Năm 1990, Schiavo - một phụ nữ Mỹ (26 tuổi) đã bị tai nạn và bị tổn thương não nặng. Schiavo sống đời sống thực vật trên giường bệnh suốt gần 15 năm. Chồng Schiavo đề nghị toà án cho phép rút ống nuôi ăn ra khỏi vợ mình, chấm dứt những đau khổ kéo dài cho chị. Nhưng bố mẹ Schiavo lại muốn tiếp tục nuôi dưỡng với hy vọng một ngày nào đó con gái họ sẽ tỉnh lại. Cuộc chiến pháp lý giữa hai bên kéo dài suốt 7 năm trời, gây ra tranh cãi mạnh mẽ ở nước Mỹ về quyền được sống và quyền được chết. Ngày 16.3.2005, một toà án ở bang Florida đã cho phép rút ống nuôi ăn cho Schiavo. Bố mẹ Schiavo kháng án, nhưng không có kết quả. 13 ngày sau, Schiavo qua đời.

Ban Quốc tế Báo Lao Động bình chọn