10 sự kiện Đông Nam Á 2005 1. Bước khởi động mới cho liên kết Đông Á. Hội nghị cấp cao Đông Á (ảnh) lần đầu tiên đã diễn ra ngày 14.12 tại Kuala Lumpur (Malaysia), với sự tham dự của 10 nước ASEAN và 6 nước ngoài ASEAN là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Cấp cao Đông Á được lập ra để tạo diễn đàn cho các nước tham gia đối thoại và hợp tác về các vấn đề lớn cùng quan tâm, nhằm mục tiêu chung là hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Đông Á. Tại đây, các vị lãnh đạo các nước tham gia đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur về Cấp cao Đông Á trong đó xác định rõ những vấn đề cơ bản, bao gồm cả việc xác định Cấp cao Đông Á sẽ là một tiến trình mở, thu nạp, minh bạch và hướng ra bên ngoài, với ASEAN giữ vai trò chủ đạo. 2. Hội nghị cấp cao Á - Phi. Từ 22 đến 24.4, lãnh đạo của hơn 100 quốc gia và tổ chức đã họp tại Jakarta (Indonesia) để vạch ra "Quan hệ đối tác chiến lược Á - Phi mới" (NAASP) nhằm đối phó với những thách thức của thế kỷ 21. Đây cũng là dịp kỷ niệm 50 năm ngày tổ chức Hội nghị Bandung (18-24.4.1955) với sự tham dự của lãnh đạo 29 quốc gia độc lập Châu Á và Châu Phi - tiền thân của Phong trào Không Liên kết. Phát huy tinh thần đấu tranh cho quyền tự quyết của các dân tộc, các nước Á-Phi giờ đây tập trung nâng cao hợp tác giữa hai châu lục và phối hợp hành động tăng cường tiếng nói của các nước đang phát triển trên trường quốc tế. 3. Indonesia ký Hiệp ước hoà bình Aceh, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 29 năm qua. Lễ ký kết chính thức văn kiện lịch sử này diễn ra ngày 15.8 tại thủ đô Helsinki của Phần Lan, giữa đại diện Chính phủ Indonesia với lực lượng chiến binh đòi ly khai Phong trào Aceh Tự do (GAM). Đây là kết quả đạt được qua 5 vòng đàm phán, dưới sự trung gian của cựu Tổng thống Phần Lan Maarti Ahtisaari. Theo đó, GAM từ bỏ tham vọng đòi độc lập cho Aceh, chấp nhận lập một chính quyền tự trị và quyền được lập một chính đảng. Còn theo các điều khoản về ân xá, Jakarta sẽ thả các tù chính trị và giao đất canh tác cho những cựu phiến quân để giúp họ tái hoà nhập với cuộc sống. Giới phân tích cho rằng chính thảm hoạ sóng thần là tác nhân đưa GAM và Jakarta trở lại bàn đàm phán, dù phía trước vẫn còn nhiều trở ngại. 4. Việt Nam - Campuchia (VN - CPC) đạt được thoả thuận về biên giới trên đất liền. "Hiệp ước giữa nước CHXHCN VN và Vương quốc CPC bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985" được Thủ tướng VN Phan Văn Khải và Thủ tướng CPC Hun Sen ký chính thức tại Hà Nội ngày 10.10, sau đó được quốc hội hai bên phê chuẩn và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6.12. Hiệp ước này nhằm bổ sung cho "Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia VN - CPC" được hai bên ký kết ngày 27.12.1985, vốn được coi như những điều ước quốc tế đầu tiên về biên giới giữa hai nước, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hai nước xây dựng đường biên giới chung hòa bình, hữu nghị và ổn định lâu dài. Đường biên giới trên đất liền giữa VN - CPC dài 1.137km, được hình thành qua quá trình lịch sử, hiện tiếp giáp với 10 tỉnh của VN và 9 tỉnh của CPC. Theo kế hoạch, hai bên sẽ triển khai phân giới cắm mốc trên thực địa từ tháng 9.2006. 5. Myanmar quyết định không giữ vai trò Chủ tịch ASEAN. Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN diễn ra ở Vientiane (Lào) ngày 26.7, Ngoại trưởng Myanmar U Nyan Win tuyên bố Rangoon quyết định không giữ vai trò chủ tịch luân phiên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm tới, vì muốn "tập trung nỗ lực cho việc hoà giải và thực thi tiến trình dân chủ trong nước vào thời kỳ quyết định năm 2006". Ngoại trưởng Malaysia Syed Hamid Albar lập tức hoan nghênh: "Quyết định này là rất tích cực, cho thấy tinh thần làm việc cùng nhau, hiểu biết lẫn nhau và tầm quan trọng của sự đoàn kết trong khối ASEAN". 6. Làn sóng bạo lực tại miền nam Thái Lan, trong đó tiêu điểm là một loạt vụ tấn công nhằm vào 60 mục tiêu khác nhau khiến 7 người dân thiệt mạng hồi tháng 4, khiến chính quyền nước này đã phải thông qua "Luật quyền lực khẩn cấp". Theo đó, Thủ tướng Thaksin Shinawatra có thể cho sử dụng quyền lực khẩn cấp như nghe lén điện thoại, kiểm duyệt báo chí và bắt giữ người không cần buộc tội để giải quyết tình trạng bạo động tại các tỉnh miền nam. Các vụ bắn giết và đánh bom tại ba tỉnh miền nam Thái Lan kể từ năm 2004 đến nay đã khiến hơn 800 người thiệt mạng. Nội các Thái Lan cũng đã thông qua khoản ngân sách quốc phòng đặc biệt trị giá 66,3 triệu USD trong 3 năm, để mua vũ khí các loại, đối phó với tình hình an ninh ngày càng bất ổn ở miền nam (ảnh). 7. Bali bị đánh bom lần thứ hai. "Tan hoang thiên đường" là tít đề đã được báo chí giật lên để miêu tả vụ đánh bom khủng bố lần thứ hai vào khu nghỉ mát Bali hồi tháng 10 (ảnh), làm 25 người chết, 102 người bị thương. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 3 năm, hòn đảo du lịch nổi tiếng tại Indonesia - điểm đến được ưa chuộng của du khách phương Tây - trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố. Cảnh sát đã công bố băng ghi hình vụ đánh bom do một du khách tình cờ ghi lại, cho thấy có ít nhất 6 thủ phạm tham gia vụ đánh bom. Vụ đánh bom "Bali 2" có thể do nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah gây ra nhằm phá hoại những nỗ lực ổn định hoá tình hình của Chính phủ Indonesia. 8. Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo bắt đầu năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới với nhiều thách thức, sau chiến thắng gây tranh cãi trong cuộc bầu cử tháng 5.2004. Bên cạnh sức ép đòi cải thiện tình hình kinh tế, một trở ngại nữa rất lớn mà bà Arroyo luôn phải đối mặt là thái độ chống phá mạnh mẽ của phe đối lập vốn rất có "kinh nghiệm đảo chính". Nhờ cách xử trí khéo léo, uyển chuyển, bà Arroyo đã lần lượt vượt qua hết thử thách này tới thử thách khác, từ làn sóng biểu tình phản đối, mưu sát tới đánh vào uy tín gia đình, yêu cầu luận tội tổng thống gian lận trong bầu cử... Một mặt kiên trì kêu gọi phe đối lập hoà giải vì lợi ích của dân tộc, mặt khác bà Arroyo cũng tiếp tục các nỗ lực thu phục nhân tâm, đặc biệt là đi tiên phong trong nhiều hoạt động từ thiện (ảnh, trái). 9. Malaysia quyết tâm giải quyết lao động nhập cư bất hợp pháp. Từ đầu tháng 3, Chính phủ Malaysia thực thi chiến dịch truy quét khoảng 200 nghìn lao động nước ngoài bất hợp pháp, sau 4 tháng gia hạn ân xá nhằm thực hiện kế hoạch giảm sự lệ thuộc vào công nhân nước ngoài (ảnh) được chính phủ thông qua từ tháng 9.2004. Ước tính, số lượng lao động bất hợp pháp đã lên tới từ 1,3 - 1,5 triệu người, chiếm 12% lực lượng lao động cả nước. Tránh gây căng thẳng trong quan hệ với các nước láng giềng có nhiều lao động làm việc tại Malaysia, giới chức Malaysia đã thận trọng hơn bằng cách tạo điều kiện cho các lao động nhập cư bất hợp pháp chủ động về nước trước khi chiến dịch bắt đầu. Những người không tự giác bị xử lý nghiêm khắc, như bị tạm giam, thậm chí bị bỏ tù trước khi bị trục xuất. 10. Đông Nam Á tiếp tục đối phó với dịch cúm gia cầm. Ban Quốc tế báo Lao Động bình chọn |
▪ Thế giới tưởng niệm 1 năm thảm hoạ sóng thần (27/12/2005)
▪ Làn sóng hy vọng (26/12/2005)
▪ Hoà bình ở Aceh, bạo lực ở Sri Lanka (26/12/2005)
▪ Triển khai hệ thống cảnh báo sớm thiên tai (26/12/2005)
▪ Mừng bé Tsunami tròn 1 tuổi (26/12/2005)
▪ Việt Nam từng hứng chịu thảm hoạ sóng thần? (26/12/2005)
▪ 10 sự kiện thế giới 2005 (26/12/2005)
▪ 95,2% số doanh nghiệp Hàn Quốc kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam (24/12/2005)
▪ Bóc trần sự thật về nghiên cứu tế bào gốc (24/12/2005)
▪ Mỹ lại siết chặt an ninh trước Noel (24/12/2005)