Ai để lộ tin mật cho báo chí Mỹ?
Các Website khác - 10/11/2005
Ai để lộ tin mật cho báo chí Mỹ?

Thu Thảo
Ngày 8.11, ban lãnh đạo Đảng Cộng hoà trong Quốc hội - Chủ tịch Hạ viện Denny Hastert và Chủ tịch Thượng viện Bill Frist - chính thức đề nghị Uỷ ban Tình báo của hai viện tiến hành điều tra về những thông tin đăng tải trên tờ báo hàng đầu của nước Mỹ Washington Post.

Trong số ra ngày 2.11, Washington Post đăng tin chấn động về việc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có một số trung tâm "ngầm" tra tấn tù nhân tại tám nước Đông Âu. Nữ nhà báo Dana Priest (ảnh) đã dẫn nguồn tin của các chuyên gia tình báo và nhà ngoại giao từ ba châu lục. Bài báo không đưa ra danh sách cụ thể của tám nước có liên quan, với lý do sợ ảnh hưởng đến những nỗ lực hợp tác về chống khủng bố.

Tuy nhiên, trường hợp này không giống với việc Chưởng lý Patrick Fitzgerald truy tố Lewis "Scooter" Libby - cánh tay phải của Phó Tổng thống Cheney. Điều khiến dư luận lưu ý là: Quốc hội Mỹ không yêu cầu Uỷ ban Tình báo của thượng viện và hạ viện điều tra những thông tin rò rỉ là có thực hay không, và hậu quả gây ra là gì - như vụ ngược đãi tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib và Guantanamo; thay vào đó, quốc hội chỉ yêu cầu điều tra về việc tờ Washington Post cho đăng tải tin mật có ảnh hưởng thế nào đối với nước Mỹ.

Có lẽ hai vị này không nhận ra rằng, việc yêu cầu điều tra như nói trên ám chỉ thông tin đăng trên tờ Washington Post là có thật, mặc dù vào thời điểm này Tổng thống Bush vẫn khẳng định không có chuyện Hoa Kỳ tiến hành tra tấn tù nhân ở các nhà tù rải rác ở một số nước Châu Âu, hay ở bất cứ một nước nào khác. Một chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho biết: "Họ đưa Tổng thống Bush vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, hoặc phải công nhận việc tra tấn tù nhân, hoặc phải công nhận đã ký vào một chỉ thị mà không hiểu nội dung của chỉ thị. Việc xác minh được người để rò rỉ tin này, nếu tiến hành điều tra kỹ lưỡng, sẽ làm cộng đồng quốc tế chú ý đến nội dung một số hiệp định giữa Hoa Kỳ ký kết với các quốc gia thân Mỹ, mà bản thân các quốc gia này không muốn bị đem ra công khai".

Liệu Uỷ ban Tình báo của thượng viện và hạ viện có tiến hành điều tra vụ này đến nơi đến chốn? Câu trả lời có lẽ là "không", bởi việc làm lộ thông tin ảnh hưởng đến quốc gia khác, cũng như tiết lộ nội dung văn bản do Tổng thống Hoa Kỳ uỷ quyền - nếu điều đó là có thực - đương nhiên đặt ra câu hỏi: Như vậy, các vị chủ tịch của hai uỷ ban tình báo đã thực hiện sát sao vai trò giám sát của uỷ ban chức năng của quốc hội đối với các hoạt động của chính quyền hay chưa?