Người Mỹ sống trong... sự lộn xộn
Các Website khác - 10/11/2005
Đồ chơi và quần áo ngập sàn phòng ngủ cô bé Elphey, 12 tuổi
Các nhà tâm lý ước đoán rằng khoảng 3 triệu người Mỹ chưa bao giờ vứt bỏ thứ gì-kể cả báo cũ và hộp đựng sữa chua-do bị giằng xé giữa sự cầu toàn và nỗi lo lắng. Điều này tạo ra tình trạng lộn xộn trong cuộc sống của họ

Nhà của cô Lowe là cả một đống lộn xộn do tật hay tích trữ đủ mọi thứ trong khi đáng lẽ kỹ sư phần mềm này phải sống ngăn nắp gọn gàng. Lowe luôn sống trong nỗi sợ hãi ai đó sẽ đến thăm nhà mình. Chưa hết, cô con gái Elphey, 12 tuổi, của Lowe cũng bắt đầu có thói quen cẩu thả của mẹ. Quá xấu hổ, cuối cùng cô thuê các chuyên gia tư vấn giúp môi trường sống của cô thoát khỏi sự bừa bãi này. Việc chữa trị bao gồm 3 tuần liên tiếp trong tháng 8 giúp Lowe sắp xếp lại nhà kho và đồ đạc chất đống trong nhà. Cả một buổi chiều được dành riêng cho việc sắp xếp lại phòng của Elphey. Elphey sở hữu cả đống búp bê và quần áo thời trang hip-hop cao đến tận đầu gối trải khắp ra sàn nhà. Các hộp hồ sơ giấy tờ được lưu lại dưới dạng kỹ thuật số và tủ đựng hồ sơ cùng chiếc bàn giấy bị vứt ra con hẻm gần nhà. Việc nấu nướng đem lại quá nhiều ngăn tủ đựng đủ loại dụng cụ làm bếp: cùng một lúc có cả dụng cụ lấy lõi cà chua và dụng cụ xắt lát cà chua!

Vào tháng 9, căn hộ của Lowe đã trở nên gọn gàng. Ghế sofa được thay nệm mới. Thay vì một cái bàn giấy lộn xộn, bây giờ trong phòng ăn có một cái bàn gỗ vàng bên dưới chùm đèn. Bé Elphey đã đem quyên góp 3 bao tải quần áo. Tủ áo bây giờ treo đầy áo khoác thẳng thớm. Giày đi tuyết thì xếp gọn gàng trên kệ, sẵn sàng cho mùa đông.

Trường hợp của cô đem đến hy vọng cho hàng chục ngàn người Mỹ, giống như cô, sống trong sự hỗn độn của những của cải của họ.

Đối với nhiều người, tình trạng nhà cửa lộn xộn phản ánh lối sống của một gia đình hiện đại: Quá nhiều trách nhiệm, bị xáo trộn và bị ép buộc. Đối với những người khác, tình hình lộn xộn này là một biểu tượng cho nền văn hóa tham lam do dư tiền, nợ nần và tiêu thụ quá nhiều tài nguyên thế giới mà không xem xét đến hậu quả.

“Nhà cửa thể hiện cách sống của con người”- nhà tâm lý học và cố vấn về sự tổ chức Peter Walsh nói - “Không phải tình cờ mà người Mỹ gặp vấn đề thừa cân. Nhà cửa lộn xộn cũng thể hiện việc tiêu thụ vô độ”.

Khi mà tiêu dùng cá nhân là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế Mỹ phát triển thì hậu quả của tình trạng bừa bộn do mua sắm là hiển nhiên. Dựa trên thuyết tiến hóa, một số nhà nghiên cứu ước đoán lý do của hiện tượng này: Loài người hiện đại phát triển từ những người săn bắt và hái lượm, sinh sống chủ yếu ở những điều kiện khắc nghiệt. Tuy ngày nay chúng ta bị bao phủ bởi sự dư thừa nhưng cơ thể chúng ta vẫn còn được “lập trình” để ăn bất cứ thứ gì trong tầm mắt nhằm tích trữ năng lượng để sống qua mùa đông, nạn hạn hán hay nạn đói. Theo một số chuyên gia về dinh dưỡng, đó là lý do chủ yếu làm 2/3 dân Mỹ thừa cân. Tương tự như thế, các bậc tiền bối của chúng ta đã giữ lại tất cả những gì có thể sử dụng lại sau này vì họ phải tạo ra mọi thứ từ hai bàn tay trắng. Tình trạng nhà cửa lộn xộn xuất hiện đồng thời với sự chuyên môn hóa trong công nghiệp và sản xuất hàng loạt vào thế kỷ 19. Và đó là lúc nhu cầu sinh học “phải lưu giữ mọi thứ” biến thành lòng thèm muốn sở hữu.

Đối với một số người, tình trạng nhà cửa lộn xộn không chỉ là kết quả của việc mua sắm vô độ mà còn có thể biểu hiện sự bất mãn xã hội. “Người ta nhất quyết lưu trữ đồ đạc kiểu như quần áo cũ của con cái như một cách cố bám lấy quá khứ. Hay là họ lưu trữ những gì họ nghĩ một ngày kia có thể đem ra sử dụng để điều khiển tương lai”.

Góp phần tạo nên sự lộn xộn nhà cửa là 2 thủ phạm chủ yếu: dư tiền và công nghệ cao. Người Mỹ tiêu 1,2 tỉ USD tiền tín dụng và nợ trung bình 8.562 USD tín dụng. Về công nghệ, cứ hãy thử nghĩ đến việc ngành công nghiệp giải trí đã xoay từ máy quay đĩa sang đĩa 8 rãnh, băng cassette, CD, VCD, DVD và bây giờ là việc tải nhạc kỹ thuật số!

Hải Nguyên (Theo CNN)