Nỗi khó xử của người Đức
Các Website khác - 20/09/2005
Nỗi khó xử của người Đức
Lư Phổ Ân (từ Berlin - Đức) viết riêng cho Lao Động

Kết quả bầu cử quốc hội ở Đức công bố sáng 19.9 thật bất ngờ vì khác xa với những thăm dò dư luận: Hai đảng lớn là Đảng Xã hội Dân chủ (SPD) của đương kim Thủ tướng Gerhard Schroeder và Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU/CSU) của bà Angela Merkel đều bị mất phiếu, nhưng vẫn có khả năng cầm quyền nếu liên minh được với nhau hay với đảng khác; các đảng nhỏ (Đảng Xanh, Đảng Dân chủ Tự do - FDP và Đảng Cánh tả) đều tăng phiếu hay chỉ bị mất chút ít, có thể tham gia chính phủ liên hiệp, nhưng đồng thời cũng có thể bị hai đảng lớn loại ra rìa. Chỉ hơn đảng của ông Schroeder có 3 ghế, bà Merkel vẫn chưa cầm chắc chiếc ghế thủ tướng trong tay.

Vẫn chưa rõ ông Schroeder hay bà Merkel
lãnh đạo đất nước.
Đỏ - Xanh hay Đen - Vàng?
Cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn ở Đức ngày 18.9 được coi là định mệnh đối với không ít chính trị gia, thậm chí cả đảng phái chính trị ở đất nước này. Nó quyết định không chỉ số phận của liên minh chính phủ giữa SPD và Đảng Xanh - (được gọi là liên minh Đỏ - Xanh), hay tương lai chính trị của cá nhân Thủ tướng Schroeder, mà còn cả số phận chính trị của bà Merkel trên cương vị Chủ tịch Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), Chủ tịch đảng đoàn CDU/CSU (Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo) và ứng cử viên thủ tướng liên bang và tập hợp lực lượng cánh tả trong Đảng Cánh tả/PDS mới được thành lập.

Nếu như trước cuộc bầu cử, cử tri Đức khó xử vì không biết nên bỏ phiếu cho ai hay ủng hộ đảng nào, vì sự khác biệt về quan điểm chính sách giữa các đảng rất ít, thì bây giờ lá phiếu của họ đã đưa lại tình thế có một không hai trong lịch sử nước Đức: Các đảng sẵn sàng liên minh với nhau thì không giành được đa số, chính phủ Đỏ - Xanh cũ bị phế truất, nhưng phe đối lập (Đen - Vàng) cũng không đủ phiếu bầu để thành lập chính phủ, SPD và CDU/CSU ngang ngửa với nhau và Đảng Cánh tả đàng hoàng hiện diện trong nghị viện.

Có lẽ chỉ có Đảng Cánh tả là đảng thắng duy nhất trong cuộc bầu cử này. Đảng FDP tăng phiếu bầu, nhưng lại không thành công trong việc cùng với CDU/CSU lên cầm quyền. Ông Schroeder và bà Merkel đều thất bại trong việc giữ quyền lực và giành quyền lực.

Không chỉ có tương lai của cuộc cải cách ở nước Đức, không chỉ có vấn đề công ăn việc làm và chính sách thuế, mà trước hết vấn đề uy tín của ứng cử viên thủ tướng chi phối, quyết định cuộc bầu cử này.

Cử tri Đức không muốn tiếp tục chính phủ liên minh Đỏ - Xanh, nhưng dường như lại cho rằng ông Schroeder cầm quyền thì tốt cho nước Đức hơn là bà Merkel; xem ra họ muốn phe đối lập thực hiện đường lối cải cách của chính phủ liên minh. Cái bi kịch trong kết quả cuộc bầu cử này chính ở chỗ đó.

Kết quả cuộc bầu cử khẳng định sự phân rẽ trong xã hội Đức và sự phân cực trên chính trường. Những sai lầm của CDU/CSU và cuộc lội ngược dòng ngoạn mục của SPD ở giai đoạn cuối của cuộc vận động tranh cử đã giúp cho SPD không bị thất bại nặng hơn và khiến cho CDU/CSU không đạt được kết quả như thăm dò dư luận đưa lại và chính đảng này đã tưởng chắc chắn sẽ đạt được.

Bài toán không lời giải
Nước Đức cần một chính phủ ổn định - cả ông Schroeder lẫn bà Merkel đều nhấn mạnh điều đó sau cuộc bầu cử, nhưng trong bối cảnh tình hình hiện tại ở nước Đức và tương quan lực lượng chính trị mà cuộc bầu cử này đưa lại: CDU/CSU 35,1%, SPD 34,2%, FDP 9,9%, Đảng Cánh tả 8,5%, Đảng Xanh 8,1%... thì dù có nhào nặn như thế nào cũng không thể có được một chính phủ liên hiệp ổn định.

Không đảng phái nào muốn liên minh với Đảng Cánh tả; CDU/CSU chưa khi nào liên minh với Đảng Xanh; FDP khăng khăng không liên minh với SPD và Đảng Xanh, còn nếu thành lập ra Đại liên minh giữa CDU/CSU và SPD thì ai sẽ làm thủ tướng. Rất có thể rồi một vài đảng phái trong quốc hội mới của Đức sẽ thoả hiệp thành lập chính phủ liên hiệp, nhưng đó sẽ chỉ là giải pháp tình thế.

Cho dù chính phủ liên hiệp kiểu nào rồi đây sẽ được thành lập ở Đức, thì sự dung hoà quan điểm và lợi ích nội bộ cũng sẽ cản trở rất đáng kể tiến trình cải cách kinh tế và xã hội ở nước Đức. Cử tri Đức đã phế truất một chính phủ liên hiệp, nhưng lại không thể hiện rõ là mong muốn có chính phủ thay thế như thế nào.

Với quyết định tổng tuyển cử trước thời hạn, các đảng phái chính trị muốn cử tri thể hiện quan điểm rõ ràng là ủng hộ ai, mong muốn đường hướng chính sách nào. Bây giờ, cử tri Đức lại sút quả bóng trở lại phía sân chơi của các đảng phái chính trị.

Chính trường nước Đức sau cuộc bầu cử còn phức tạp hơn so với trước cuộc bầu cử. Sự phục hồi của cánh tả và tỉ lệ phiếu bầu cho hai đảng lớn là CDU và SPD ngày càng giảm đang là trào lưu lớn. Bài toán quyền lực ở nước Đức hiện vẫn chưa có lời giải.