"Cơn bão" chính trị Damacus
Các Website khác - 24/10/2005
"Cơn bão" chính trị Damacus

Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất, sau khi LHQ công bố bản báo cáo về mối liên quan giữa Damacus và vụ ám sát cựu Thủ tướng Lebanon R.Hariri. Tuy lớn tiếng cáo buộc bản báo cáo là một âm mưu chính trị, nhưng hôm 22.10, chính quyền Syria tuyên bố sẽ hợp tác với uỷ ban điều tra và có thể cho phép các quan chức cao cấp nước này bị thẩm vấn ở nước ngoài.

Một phụ nữ Lebanon khóc
trước khu mộ cựu Thủ tướng
Hariri, sau khi báo cáo điều
tra của LHQ được công bố.

Công lý hay đòn chính trị?

Trong cuộc họp báo đầu tiên của chính quyền Damacus về bản báo cáo của LHQ hôm 22.10, cố vấn Bộ Ngoại giao Syria là Riyad Dawudi cho hay Chính phủ của Tổng thống Al-Assad sẽ hợp tác trong cuộc điều tra, tất nhiên "trong khuôn khổ cho phép".

Ông Dawudi nhấn mạnh, Tổng thống Al-Assad có thể sẽ đồng ý đưa các quan chức an ninh cấp cao ra nước ngoài để tham gia các cuộc thẩm vấn cần thiết.

Các nhà phân tích cho rằng, động thái trên của Damacus nhằm hai mục tiêu: Hợp tác để làm dịu sức ép của cộng đồng quốc tế, nhưng không nhượng bộ quá mức để gây thêm nguy hiểm cho chính quyền của Tổng thống Al-Assad.

Bản báo cáo - do trưởng nhóm điều tra LHQ Deltlev Mehlis đứng đầu - tuy không trực tiếp nhằm vào Tổng thống Al-Assad, nhưng cho rằng bộ máy an ninh của Syria và cả tình báo Lebanon đã bật đèn xanh cho vụ ám sát. Báo cáo chỉ đích danh các quan chức Syria và Lebanon tình nghi, còn cáo buộc Ngoại trưởng Syria Faruq al-Shara đã nói dối trong một bức thư gửi tới ủy ban điều tra.

Bộ trưởng Thông tin Syria Mehdi Dakhlullah lập tức lên án bản báo cáo của LHQ "mang động cơ chính trị 100%". "Đây là một báo cáo dựa trên lời khai của các nhân chứng bài Syria. Nó khác xa sự thật, và không mang tính chuyên nghiệp". Một số quan chức Syria khác thì cho rằng bản báo cáo thực chất là do những quốc gia phương Tây không ưa Syria giật dây.

Đêm 21.10, hơn 2.000 người ủng hộ cựu Thủ tướng Lebanon Hariri đã biểu tình tại Beirut, lên án Syria và yêu cầu Tổng thống Lebanon Emile Lahoud thoái vị với lý do liên quan tới vụ ám sát. Chính quyền Lebanon đã phải triển khai binh sĩ tại thủ đô Beirut và nhiều thành phố khác, đề phòng bạo lực bùng phát. Cùng thời gian, con trai của cựu Thủ tướng Hariri yêu cầu đưa những kẻ ám sát cha mình ra xét xử trước toà án quốc tế. "Tôi không phải muốn trả thù, mà công lý cần được thực thi" - Saad Hariri tuyên bố.

Syria trước khủng hoảng
Theo thông tin mới nhất, Mỹ và Pháp sẽ đưa vấn đề Syria và bản báo cáo ra trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 25.10 tới đồng thời xem xét lệnh trừng phạt nếu Syria có dấu hiệu không hợp tác.

Dư luận hiện đang phỏng đoán về phản ứng của chính quyền Tổng thống Al-Assad. Số đông tin rằng, Syria sẽ hợp tác và đáp ứng các yêu cầu của Mỹ, như ngừng hậu thuẫn các tay súng Palestine và nhóm Hezbollah của Lebanon, cũng như ngăn chặn các tay súng nước ngoài đột nhập vào Iraq từ biên giới Syria. Nhưng liệu Mỹ có chấp nhận giải pháp trên hay không lại cũng là một vấn đề vì Washington không mấy mặn mà với ông Al-Assad.

Đây được xem là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Tổng thống Syria Al-Assad đối mặt, kể từ khi lên kế nhiệm cha từ 5 năm trước.

Theo các nhà phân tích, ông Al-Assad đã có những nước cờ sai lầm trong thời gian cầm quyền, khi đưa ra nhiều cải cách đi kèm với đàn áp chống đối. Những thất bại của Tổng thống Al-Assad trong công cuộc cải tổ, nhất là cuộc khủng hoảng hiện nay khiến dư luận đặt dấu hỏi về khả năng cầm cự của ông Al-Assad trên cương vị Tổng thống Syria.

A.P (Theo Washington Post, AFP, BBC)