Nga tăng lượng khí đốt cung ứng cho Châu Âu
Các Website khác - 04/01/2006
Nga tăng lượng khí đốt cung ứng cho Châu Âu

Tập đoàn dầu lửa quốc gia Nga Gazprom cam kết sẽ tăng lượng khí đốt để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường Châu Âu - vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc tranh chấp về giá cả khí gas giữa Nga và Ukraina - vào tối 3.1.

Người dân Ukraina chẻ củi làm chất
đốt thay khí gas.
Theo lý giải của Phó Chủ tịch Gazprom - Alexander Medvedev - ngày 2.1, sở dĩ các khách hàng Châu Âu bị sụt giảm lượng cung ứng khí đốt là do Ukraina đã "ăn chặn" 100 triệu mét khối khí gas, trị giá 25 triệu USD, từ đường ống của Nga dẫn sang Châu Âu trong ngày 1.1. Ông Medvedev đề nghị mở một cuộc điều tra của các nhà kiểm toán độc lập, đồng thời khẳng định Nga sẽ tăng lượng khí cung ứng để đáp ứng đủ nhu cầu của các khách hàng Châu Âu vào tối 3.1.

Bộ trưởng Năng lượng Ukraina I.Plachkov đã bác bỏ cáo buộc trên, nhưng cảnh báo Kiev sẽ buộc phải làm như vậy để có đủ nhiên liệu cấp cho người dân, nếu nhiệt độ giảm xuống -4oC. Trước đó, Ukraina tuyên bố được quyền chiết khấu 15% lượng gas mà Nga cung ứng cho Châu Âu, như chi phí cho việc Nga đặt đường ống trung chuyển tại nước này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraina Borys Tarasiuk đã có cuộc điện đàm với Cao uỷ Đối ngoại Châu Âu Javier Solana và các quan chức khác về vụ tranh chấp, và cũng yêu cầu sự can thiệp của các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực năng lượng.

Các khách hàng "ruột" về khí đốt của Nga tại Châu Âu đã cảm nhận rõ rệt tác động mà cuộc căng thẳng giữa Nga và Ukraina gây ra đối với thị trường nhiên liệu. Tối 2.1, Áo, Hungary, Slovakia và Ba Lan cho hay lượng khí đốt họ nhận được từ Nga đã bị giảm 30% - một ngày sau khi Nga ngừng cung cấp khí cho Ukraina. Liên minh Châu Âu đã phải kêu gọi Mátxcơva và Kiev nên nối lại đàm phán và cùng hợp tác để giải quyết vụ tranh chấp một cách sớm nhất. Trong biện pháp cấp thiết, nhiều quốc gia, trong đó có Serbia và Hungary, đã kêu gọi các ngành công nghiệp nội địa chuyển nhiên liệu từ gas sang dầu lửa. Khoảng 1/4 lượng khí đốt của Châu Âu đến từ Nga, trong đó 80% được vận chuyển qua đường ống chạy qua Ukraina. A.P (Theo AFP, BBC)