Quyền lực của Tổng thống Nga và thủ tướng sẽ thay đổi?
Các Website khác - 24/04/2008
 





Ông Dmitry Medvedev và ông Putin.
Giới quan sát cho rằng, với tuyên bố đảm trách cương vị Chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất, ông Putin sẽ đưa ra một thông điệp sắp xếp lại trật tự chính trị ở Nga. Đương nhiên, nếu quyền lực của thủ tướng được tăng lên thì quyền lực của Tổng thống sẽ phải giảm đi tương ứng.

Việc Tổng thống sắp mãn nhiệm Putin được bầu làm Chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất không nằm ngoài dự đoán của giới bình luận và phân tích chính trị bởi điều này đã và đang được tiến hành theo đúng lộ trình.

Dư luận cho rằng, đây là thuận lợi để ông Putin trên cương vị thủ tướng kể từ sau ngày 7/5 (vì đảng Nước Nga thống nhất chiếm tới hơn 2/3 số ghế (315/450) tại Duma, tức Hạ viện (Quốc hội)) tiếp tục đóng góp trí tuệ cho đất nước.

Từ cuộc chuyển giao trước thời hạn...

Mặc dù 7/5 mới là ngày chính thức Tổng thống Putin chuyển giao quyền lực cho ông Dmitry Medvedev, nhưng trước đó việc này đã gần như hoàn tất. Được biết, ông Dmitry Medvedev đã chuyển vào điện Kremlin 8 tuần trước khi chính thức nhậm chức để bắt đầu nhận bàn giao công việc từ Tổng thống sắp mãn nhiệm Putin.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho ông Putin trên cương vị mới, đảng Nước Nga thống nhất đã sửa đổi điều lệ đảng và chia sẻ quyền lực giữa Chủ tịch đảng với Chủ tịch Hội đồng tối cao.

Được biết, mọi quyền lực hiện đều do một mình ông Boris Gryszlov, người giữ 2 chức vụ (Chủ tịch Hội đồng tối cao và Chủ tịch Duma quốc gia) đảm trách suốt từ tháng 12/2002 đến nay.

Theo điều lệ sửa đổi, ông Putin, một người không đảng phái hoàn toàn đủ tư cách để trở thành người lãnh đạo đảng Nước Nga thống nhất bởi Chủ tịch không nhất thiết phải là thành viên của đảng này.

Cùng với những thay đổi trong điều lệ, Chủ tịch còn có những quyền lực không giới hạn khác như có quyền đề xuất bất cứ người nào vào cương vị lãnh đạo ở cả trung ương và địa phương.

Chủ tịch đảng còn có quyền phế truất quyền hạn của bất cứ lãnh đạo nào, cũng như chấm dứt hiệu lực của những quyết định do các cơ quan lãnh đạo của đảng đưa ra, trừ quyết định của đại hội đảng Nước Nga thống nhất. Nếu muốn bãi nhiệm chức Chủ tịch, đảng Nước Nga thống nhất phải tiến hành đại hội và phải thu được 2/3 số phiếu tán thành thì quyết định đó mới có hiệu lực.

Điều đáng nói là quyết định của đảng Nước Nga thống nhất đã được các đảng đối lập ủng hộ.

Giới phân tích nhận định, việc Tổng thống Putin làm Chủ tịch sẽ giúp đảng Nước Nga thống nhất ngày càng tạo thêm thế vững chắc trên chính trường, cũng như trong đời sống xã hội.

Phát biểu tại Đại hội đảng lần thứ 9 (mới bế mạc chiều 15/4/2008), ông Putin đã đề nghị phải cải cách đảng Nước Nga thống nhất.

Theo đó, đảng cần cởi mở hơn, quan tâm hơn đến ý kiến của người dân, phải xóa bỏ tính quan liêu, loại bỏ tất cả những ai chỉ lo cho lợi ích cá nhân và chỉ muốn đạt được mục đích của riêng mình. Ngoài ra, đảng còn phải phối hợp tích cực hơn với giới trẻ, giới trí thức, giới chủ, công nhân và nông dân.

Tổng thống Putin cho rằng, nhiệm vụ trước mắt của đảng Nước Nga thống nhất là vừa tiến hành đổi mới, vừa cần công khai thảo luận về giải pháp xây dựng đất nước phát triển.

Vì chi phối Duma quốc gia nên 8 phương hướng cụ thể mà đảng Nước Nga thống nhất thảo luận tại Đại hội đảng lần thứ 9 cũng chính là con đường mà nước Nga sẽ đi trong thời gian tới.

...Đến việc tăng thêm quyền lực của Thủ tướng

Nhiều người dự báo, sau ngày ông Dmitry Medvedev tuyên thệ nhậm chức (7/5), nước Nga sẽ có một thủ tướng nhiều quyền lực trong việc thực thi các chính sách và một tổng thống với quyền lực có thể giảm bớt so với trước.

Giới quan sát cho rằng, với tuyên bố đảm trách cương vị Chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất, ông Putin sẽ đưa ra một thông điệp sắp xếp lại trật tự chính trị ở Nga. Đương nhiên, nếu quyền lực của thủ tướng được tăng lên thì quyền lực của Tổng thống sẽ phải giảm đi tương ứng.

Theo luật của Nga, Tổng thống có quyền đề cử và sa thải Thủ tướng, nhưng cần sự chấp thuận của Duma quốc gia và đảng chiếm đa số trong Quốc hội cũng có thể luận tội Tổng thống và sửa đổi Hiến pháp.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin từng nhiều lần khẳng định, ông và Tổng thống mới đắc cử Dmitry Medvedev không có mâu thuẫn nào, hơn nữa ông có mối quan hệ cá nhân và sự tin tưởng gần như tuyệt đối với người kế nhiệm.

Giới chuyên môn nhận định, cương vị mới của ông Putin sẽ giúp ông kiểm soát chính phủ để thực hiện kế hoạch đến năm 2020 của mình. Nhiều người cho rằng, với việc giữ chức Chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất, lần đầu tiên ở Nga một người vừa là Thủ tướng vừa là người đứng đầu đảng chiếm đa số trong Duma quốc gia.

Đây chính là mô hình “chính phủ của đảng chiếm đa số” sẽ giúp tạo nên một lực lượng chính trị thực sự mạnh mẽ và có vai trò đoàn kết, tập hợp toàn thể xã hội Nga trong thời gian tới.

Dự kiến quyền lực của Thủ tướng sẽ được gia tăng khi 7 đặc phái viên của Tổng thống tại các khu vực trên toàn liên bang sẽ thuộc quyền quản lý của Chính phủ kể từ sau ngày 7/5. Được biết, 7 đặc phái viên của Tổng thống chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế và phải chịu trách nhiệm trước chính phủ.

Theo giới truyền thông, điều quan tâm nhất hiện nay của cả ông Putin và ông Dmitry Medvedev là có sự cải thiện trong việc phối hợp giữa Chính phủ với Quốc hội trong nhiệm kỳ sắp tới nhằm nâng cao mức sống cho người dân, tăng lương hưu, tăng tỉ lệ sinh đẻ và củng cố quân đội...

Người dân nước Nga đang hy vọng Tổng thống và Thủ tướng mới sẽ góp phần cùng Chính phủ đưa đất nước tiếp tục phát triển vững mạnh