Lốc đến từ đâu?
Các Website khác - 18/06/2006
BÌNH LUẬN
Lốc đến từ đâu?


>> Chuyên trang World Cup 2006

Nguyễn Nguyên


Lốc không đến từ đội bóng giành chiến thắng trong một trận đấu mà họ nín thở chờ tiếng còi chung cuộc. Lốc cũng không tái hiện như 32 năm trước thế hệ Cruyff, Neeken... của Hà Lan mở ra một trang sử mới cho bóng đá thế giới. Tôi không muốn bênh vực những đội yếu thế nhưng rất tiếc cho một cơn lốc đã không đi đến đích trong một trận cầu sinh tử với người Hà Lan: "Lốc đen" Bờ Biển Ngà.

Đại biểu kiên cường nhất của Châu Phi đã gục ngã trong một trận đấu của họ, dù người đến đích lại chính là kẻ bị họ bầm dập đến tới tả chứ không phải những đôi chân hồn nhiên đến từ Châu Phi hoang dã. Cái hơn về đẳng cấp giúp người Hà Lan sớm tìm bàn thắng rồi sớm lo bảo vệ tỉ số; nhưng cái cách thua của Bờ Biển Ngà lại khiến cả thế giới nể phục cộng một chút kinh ngạc. Một thứ bóng đá không sống nhờ thương hiệu (như Hà Lan hôm nay) nhưng lại là thứ bóng đá mang hơi thở của nhiệt tình không toan tính.
Xem Bờ Biển Ngà thi đấu dễ cảm nhận được hình như họ không có điểm dừng. Họ vắt cạn tất cả những gì mình có và chơi bóng một cách say mê, bất chấp chưa thua hay đã thua. Lốc đến từ đấy - từ chính cái cách mà 32 năm trước người Hà Lan đã mang đến cho cả thế giới một thứ bóng đá tổng lực.

Đêm 16.6, cả thế giới đã được chứng kiến một thứ bóng đá tổng lực đè nén trên các cầu thủ đến từ quê hương của bóng đá tổng lực. Nhưng oái oăm thay thứ bóng đá tổng lực hồn nhiên và say mê với những đôi chân luôn lao lên tuyến trên một lần nữa lại được chứng minh là không thể đến đích.

Các cầu thủ Bờ Biển Ngà đã làm được tất cả trừ một phép tính thực dụng hơn đối phương một bàn thắng.

32 năm sau những trận chung kết tồi tệ, người Hà Lan mới thuộc bài và 32 năm sau, những đôi chân đến từ xứ sở Châu Phi lại đi đúng vào vết xe ấy của Hà Lan.

Viết đến đây tôi bỗng thiển nghĩ theo cảm xúc của riêng mình: Giá mà người Bờ Biển Ngà cứ như thế và giá mà những đại biểu đến từ "thế giới thứ ba" mãi mãi không thuộc bài.

Cái suy nghĩ ích kỷ ấy có thể sẽ không tồn tại trong đầu các HLV và trong đầu mỗi cầu thủ, nhưng cái đích của hai chữ "giá mà" ấy cuối cùng chỉ phục vụ cho thứ bóng đá cống hiến.

Chả lẽ thứ bóng đá cống hiến không thể tồn tại?