Nâng cao năng lực truyền thông về HIV/AIDS là tên gọi của khoá tập huấn do Policy (Dự án vận động chính sách cho người có HIV) phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam thực hiện. Khoá tập huấn đã diễn ra trong ba ngày từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 1 năm 2006 vừa qua.
Truyền thông có một vai trò quan trọng trong cuộc chiến với HIV/AIDS. Điều này thể hiện rõ trong nhu cầu duy trì mối quan tâm, tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng về nguyên nhân, thực trạng đại dịch HIV/AIDS cũng như làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người bị ảnh hưởng bới HIV/AIDS.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các nhà hoạch định chính sách, các chính trị gia, các nhà nghiên cứu, các nhân viên y tế, những người hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS và các nhà báo luôn chú trọng duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với nhau để cùng thực hiện công việc mang đầy ý nghĩa xã hội này. Những cá nhân, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS đã biết dựa vào báo chí, thông qua báo chí mà tăng mức độ bao phủ của mình. Trong khi đó, các cơ quan báo chí thông qua việc nhận và đăng tải thường xuyên những thông tin nóng bỏng về đại dịch này do đối tác cung cấp cũng đã hoàn thành tốt mục đích tuyên truyền của mình tới những người sống chung với HIV/AIDS cũng như toàn xã hội.
Tình hình thực tế tại Việt Nam, vấn đề này dường như chưa được quan tâm một cách thoả đáng. Một mặt, những cá nhân, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS chưa thiết lập được mối quan hệ thường xuyên và bền chặt với cơ quan báo chí. Do đó, dù bỏ ra rất nhiều mồ hôi và công sức, nhưng phần nhiều những thành quả lao động, những công trình nghiên cứu dường như vẫn chìm trong sự im lặng, hoặc chỉ có ảnh hưởng trong một phạm vi hẹp chứ chưa có sức lan toả trên diện rộng. Đây không chỉ là một sự lãng phí đối với bản thân cá nhân, đơn vị thực hiện các chương trình này, mà còn là sự thiệt thòi lớn đối với cả cộng đồng. Bởi vì những thông tin về HIV/AIDS dù là xảy ra ở đâu, ở mức độ nào cũng luôn được quan tâm và mang một ý nghĩa đặc biệt.
Mặt khác, các cơ quan báo chí trong nước cũng chưa có một đội ngũ các nhà báo chuyên viết về vấn đề HIV/AIDS. Hầu hết các bài viết về vấn đề này đều được thực hiện dựa trên kinh nghiệm và sự hiểu biết riêng của từng cá nhân. Chính vì vậy mà việc sử dụng thuật ngữ không chính xác, phản ánh sai thực tế trong các bài viết là điều đã từng xảy ra. Thực tế này chẳng những gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của những người có HIV, làm tăng sự kỳ thị và phân biệt đối xử với họ mà còn gây trở ngại cho công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS của cả cộng đồng.
Tại khoá tập huấn này, lần đầu tiên các học viên tham dự, đại diện của nhóm người sống chung với HIV, các tổ chức, cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Hà Nội, có cơ hội được chính thức làm quen với việc viết một thông cáo báo chí, cách thức tiếp cận với báo chí, cách thức trả lời phỏng vấn báo chí và ý nghĩa, tầm quan trọng của truyền thông trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS.
Khoá đào tạo “nâng cao năng lực truyền thông về HIV/AIDS” đã khép lại với nhiều vấn đề được đặt ra, nhiều vấn đề vẫn còn đang tiếp tục tranh luận, nhưng các thành viên tham dự khoá học đều đánh giá rất cao về tính thiết thực của khoá học này và mở ra nhiều ý tưởng mới về sự hợp tác giữa những cá nhân, đơn vị mình với các cơ quan báo chí trong một chiến lược chung nhằm ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS.
Quốc Khánh
▪ Mời thảo luận: Tuổi trẻ với Giới tính và HIV (15/01/2006)
▪ Các văn bản của Đảng, Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam (18/01/2006)
▪ Số người nhiễm HIV ở Hà Nội sẽ giảm (17/01/2006)
▪ "Ma tuý đã làm thay đổi cuộc sống" (14/01/2006)
▪ Quỹ Clinton đạt thỏa thuận về giảm giá thuốc điều trị AIDS (13/01/2006)
▪ Hoa hướng dương và hy vọng điều trị HIV (13/01/2006)
▪ Thành lập Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội (11/01/2006)
▪ Việt Nam sẽ chiến thắng trong cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS (10/01/2006)
▪ Thuốc viên hai trong một điều trị HIV/AIDS (11/01/2006)
▪ HIV/AIDS ở châu Á phụ thuộc vào ngành thương mại tình dục (09/01/2006)