HIV có chiều hướng chững lại
Theo báo cáo của Cục phòng chống HIV/AIDS Việt Nam, tính đến hết ngày 31/10/2008, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện đang còn sống được báo cáo trên toàn quốc là 135.171, trong đó có 29.134 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Từ năm 1990 đến nay có 41.418 bệnh nhân tử vong do AIDS được báo cáo. Nhiễm HIV ở nước ta vẫn tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 20-39 tuổi (chiếm 83,44%) trong tổng số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện. Tỷ lệ nhiễm HIV phân theo giới ít thay đổi qua các năm, tính đến hết tháng 10/2008, tỷ lệ nhiễm HIV được phát hiện là nam giới chiếm 82,17% và nữ giới là 17,81%. Tuy nhiên theo dự báo trong tương lai tỷ lệ người nhiễm HIV là nữ giới có xu hướng tăng lên.
![]() |
Hình thái lây nhiễm HIV ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dịch tập trung. Tỷ lệ nhiễm HIV rất cao trong nhóm nghiện chích ma túy, cao trong nhóm gái mại dâm và thấp ở các quần thể khác. Dịch HIV có xu hướng chững lại và không tăng nhanh như những năm trước đây, nhưng về cơ bản chúng ta vẫn chưa khống chế được dịch, vẫn tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ làm bùng nổ dịch nếu không triển khai các biện pháp can thiệp một cách hiệu quả.
Các thành tựu đạt được
Về mặt xã hội, có sự cam kết chính trị mạnh mẽ trong công cuộc phòng chống AIDS của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước được thể hiện qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo và văn bản quy phạm pháp luật, như Chỉ thị 54-CT/TW về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”; Luật Phòng, chống HIV/AIDS (tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta trong điều kiện mới, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hợp tác, giúp đỡ dưới mọi hình thức trong phòng, chống HIV/AIDS); Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng chống HIV/AIDS và phù hợp với xu hướng hội nhập của hệ thống pháp luật quốc gia trong phòng, chống HIV/AIDS với pháp luật quốc tế. Đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành và sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức quần chúng, nhân dân kể cả cộng đồng dễ bị tổn thương, những người chung sống với HIV/AIDS. Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi về phòng, chống HIV/AIDS góp phần làm giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và gia đình.
Về chuyên môn, giữ vững và đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn kỹ thuật như tăng cường hệ thống giám sát quốc gia, nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS; thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật trong an toàn truyền máu và chế phẩm máu, sàng lọc HIV 100% đơn vị máu và chế phẩm máu trước khi truyền; tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, tư vấn và điều trị người nhiễm HIV.
Đến nay đã có 203 điểm điều trị bằng thuốc đặc hiệu kháng vi rút (ARV) tại 63 tỉnh, thành phố. Theo báo cáo của 63 tỉnh/thành phố, số lượng người nhiễm HIV đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị ngày một tăng, lũy tích số bệnh nhân AIDS điều trị ARV là 24.691 bệnh nhân.
Và những khó khăn
Thực tế cho thấy các hoạt động truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS chưa triển khai một cách sâu rộng và đồng bộ tới cộng đồng, nhất là ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ thường xuyên giữa công tác phòng, chống HIV/AIDS với các phong trào, các cuộc vận động quần chúng. Sự tham gia của các ngành, các cấp và quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS vẫn tồn tại. Về can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV: độ bao phủ chương trình còn thấp, thiếu sự đồng thuận của các cấp, đặc biệt là chương trình phân phát bơm kim tiêm sạch. Nhận thức của người dân còn hạn chế, nguồn kinh phí thực hiện chủ yếu từ các chương trình dự án. Trong lĩnh vực chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS còn phức tạp vì có một số lượng lớn người nhiễm HIV đang sinh sống tại các trung tâm nhưng cơ sở vật chất còn nghèo nàn, chưa cung cấp được thuốc điều trị đặc hiệu cho các cơ sở này. Cơ chế chuyển tiếp những bệnh nhân đã được tiếp cận điều trị ARV từ cộng đồng vào các trung tâm và từ trung tâm ra cộng đồng sẽ rất khó khăn trong việc tuân thủ điều trị. Kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế mới chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu của công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay.
- Triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS trên toàn quốc (Chỉ thị 54/CT-TW của Ban Bí thư; Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Nghị định số 108/2007/NĐ-CP của Chính phủ; Chiến lược quốc gia và các Chương trình hành động của Chiến lược).
- Đẩy mạnh hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông (TT-GD-TT) thay đổi hành vi, chú trọng truyền thông trực tiếp tập trung cho đối tượng có hành vi nguy cơ cao, nhóm dân di biến động, thanh niên, phụ nữ nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.
- Giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm có hành vi nguy cơ cao và từ nhóm có hành vi nguy cơ cao ra cộng đồng.
- Tổ chức tốt công tác quản lý, chăm sóc và tư vấn, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc đặc hiệu kháng HIV (ARV).
- Tăng cường công tác giám sát, tư vấn xét nghiệm tự nguyện (VCT), đảm bảo an toàn truyền máu và các chế phẩm máu; thực hiện đúng quy định về vô khuẩn, sát khuẩn phòng lây nhiễm HIV/AIDS trong các cơ sở y tế.
- Tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS, tiếp tục kiện toàn hệ thống quản lý, theo dõi, giám sát và đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS trên cơ sở bộ chỉ số Quốc gia về HIV/AIDS; Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống HIV/AIDS.
Xuân Thủy
Theo Sức khỏe đời sống
▪ Khám phá bí mật yêu của Adam và Eva (02/12/2008)
▪ Lợi dụng lễ hội cosplay để ăn mặc “quái đản” (02/12/2008)
▪ Chùm ảnh thế giới kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (01/12/2008)
▪ Hàng triệu người dân tham gia mít tinh phòng chống HIV/AIDS (01/12/2008)
▪ Lần đầu tiên, Việt Nam tổ chức mít tinh vì HIV/AIDS (16/11/2008)
▪ Hợp nhất Diễn đàn và HAVAG thành Liên minh Xã hội Dân sự Việt Nam Phòng chống AIDS (10/11/2008)
▪ Trăn trở của người làm công tác cai nghiện (06/11/2008)
▪ Lễ ký kết Kế hoạch liên tịch phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” đến năm 2012 (14/10/2008)
▪ 20 tỉnh và thành phố triển khai dự án Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS (03/10/2008)
▪ APEC tăng cường hợp tác ngăn ngừa lây lan HIV đối với người di cư (19/09/2008)