Ám ảnh là những ý nghĩ không phù hợp thực tế, người bệnh biết đó là vô lý nhưng không thể vượt qua được.
Những hành vi lạ
BS Phạm Quỳnh Diệp giải thích có nhiều dạng, ý nghĩ ám ảnh thường gặp là sợ vi trùng, sợ lây bệnh: chỉ cần tiếp xúc một vật gì đó thì sợ bị nhiễm trùng và thường đi kèm hành vi cưỡng bức là phải đi rửa tay, có người rửa hàng trăm lần/ngày, rửa xà phòng rất nhiều và rửa cực kỳ lâu. Còn người sợ lây bệnh thì ý nghĩ hay đến là sợ bị nhiễm HIV/AIDS.
Rồi hành vi cứ lặp đi lặp lại, đóng cửa nhà, đóng cửa tủ lạnh, đậy nắp nồi cơm rồi vẫn kiểm tra rất nhiều lần. Có trẻ kiểm tra đồ dùng học tập rất nhiều lần dẫn đến trễ học. Làm bài kiểm tra thì dù đã làm đúng nhưng vẫn nghi ngờ nên cứ kiểm đi kiểm lại ngay câu đầu tiên, dẫn đến không đủ thời gian làm các câu tiếp theo và bài làm thường tẩy xóa. Đó là những nghi ngờ bệnh lý.
13 tuổi… đòi chết Em trai Ng.M.N., 13 tuổi, đang học lớp 8, được đưa đến phòng khám trong tình trạng khóc lóc, sợ sệt, đòi chết. Khởi phát sau khi sử dụng kềm cắt móng tay cho khách (mẹ là thợ làm móng tay) bị anh trai dọa: “Coi chừng bị nhiễm HIV!”, em rơi vào tình trạng cả đêm không ngủ, sợ sệt, khóc đòi đi khám bệnh, đi xét nghiệm máu..., không dám ngồi ghế, cầm muỗng, ly... mà bắt mẹ ngồi trước hoặc cầm trước, vừa cầm vừa đếm, lúc đầu đếm chỉ vài lần, sau đếm hàng trăm lần.Từ phòng ngủ đi nhà vệ sinh cũng bắt lau trước vài chục lần rồi mẹ đi trước em mới đi sau. Nếu người nhà không làm, em khóc lóc dữ dội... Em được đưa đi khám sau hai tuần ăn ngủ không được, sụt 7kg và đòi chết. Sau thời gian điều trị một tháng, em đã ổn định. Bé gái D. Th. 12 tuổi ở Long An, đang học lớp 7 tự nhiên xuất hiện ý nghĩ phải giết mẹ, mỗi lần như vậy em rất hoảng sợ, khóc kể cho mẹ nghe và rất buồn, không hiểu tại sao lại cứ như vậy. Để chế ngự, em cứ lẩm bẩm: “Không đúng. Không làm...”. Mỗi lần như vậy em không dám nhúc nhích tay chân, sợ hành vi giết mẹ. Ngủ ít , ăn ít... em được đưa đến phòng khám sau hai tuần phát bệnh. |
Bệnh tùy mức độ nhẹ đến nặng mà các suy nghĩ cứ lặp đi lặp lại, chiếm nhiều thời gian trong ngày gây đau khổ, người lớn thì sao lãng công việc, trẻ em bị ảnh hưởng đến học tập.
Trẻ bị bệnh RLAACB trước đây tương đối hiếm nhưng gần đây xuất hiện nhiều. Năm 2005, tính đến tháng chín, khoa khám trẻ em - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đã tiếp nhận trên 50 trường hợp.
Chẩn đoán khó khăn
Có đến 50% trường hợp khởi phát ở trẻ em và thanh thiếu niên, thường tập trung ở hai đỉnh tuổi là đầu tuổi dậy thì (10 - 11 tuổi) và cuối tuổi vị thành niên (17- 18 tuổi), 65% các trường hợp này sẽ tiếp tục cho đến độ tuổi trưởng thành. Khuynh hướng thường tiến triển mãn tính. Tiên lượng sẽ xấu nếu được chẩn đoán và điều trị chậm trễ. Trẻ sợ bị thất bại trong học tập, cô lập về mặt tình cảm, dễ có rối loạn lo âu trầm cảm đi kèm, nghiện ngập, lạm dụng các chất như rượu, heroin… Cần lưu ý là những triệu chứng đó phải đủ nặng để gây đau khổ, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày - lúc đó mới gọi là rối loạn.
Chẩn đoán khó khăn, đặc biệt là đối với trẻ con vì hay nhầm lẫn với các rối loạn khác. Người nhà không nhìn nhận đó là bệnh, còn trẻ thường che giấu những hành vi bất thường vì biết đó là hành vi bất thường. Có đến 2/3 số người bị rối loạn này kèm các rối loạn tâm thần khác...
Chưa rõ nguyên nhân
Nguyên nhân chính chưa biết đích xác nên để phòng ngừa là khó. Có thể do yếu tố di truyền, sinh học; do yếu tố tâm lý xã hội: có nhân cách ám ảnh, có những sang chấn về tâm lý (stress là yếu tố khởi phát hoặc làm tăng nặng các triệu chứng). Cần phòng ngừa viêm nhiễm, đặc biệt là viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết bêta -nhóm A vì gần đây người ta thấy có sự liên kết giữa RLAACB với vi khuẩn này. Tránh những sang chấn về mặt tâm lý để tránh tăng nặng những triệu chứng.
Khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường nên đưa đến BS chuyên khoa tâm thần khám và điều trị càng sớm càng tốt. Cần lưu ý là sau khi kết thúc đợt điều trị 12-18 tháng vẫn có nguy cơ tái phát.
KIM SƠN ghi
▪ Anh thử nghiệm loại kem bôi chống virus HIV tại châu Phi (27/10/2005)
▪ UNICEF triển khai chiến dịch giảm thiểu đại dịch HIV/AIDS ở Zimbabwe (25/10/2005)
▪ HIV/AIDS vẫn là mối nguy sức khoẻ với người da đen (25/10/2005)
▪ Somalia: Thiết lập uỷ ban điều phối HIV/AIDS ở Puntland (24/10/2005)
▪ Mozambique:Tăng 16,2% tỉ lệ nhiễm HIV (24/10/2005)
▪ Chiến lược miễn phí bao cao su: Malaysia học tập kinh nghiệm của Iran (20/10/2005)
▪ WHO cho biết Châu Á đối mặt với hiểm hoạ bệnh lao – HIV tăng nguy cơ lây nhiễm gấp 2 lần (19/10/2005)
▪ Lật ngược những quan niệm về HIV/AIDS (18/10/2005)
▪ Những sự thật về AIDS ở châu Phi (17/10/2005)
▪ WHO: Các bệnh kinh niên có thể gây tử vong cho 400 triệu người tính đến năm 2015 (15/10/2005)