Nguyễn lê Nam - Nam -tuổi: 28 - 164 Tôn Đức Thắng- Hà Nội | | Theo em được biết, một trong những biểu hiện của lao là ho. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp ho không phải do lao. Vậy làm sao để phát hiện người có lao và người không có lao? Nếu chẳng may có lao, cách điều trị như thế nào và có thể đến đâu để điều trị? | | PGS.TS.Nguyễn Chi Lăng: Ho là một trong những triệu chứng của bệnh lao, nhưng không phải tất cả những người bệnh khi ho đều bị lao. Do vậy muốn chẩn đoán phân biệt bệnh lao với bệnh phổi khác cần phải làm xét nghiệm đờm, chụp phim phổi và một số xét nghiệm khác để xác định chẩn đoán lao. Nếu mắc lao bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa lao ở các tuyến quận, huyện, tỉnh, thành phố nơi bạn cư trú để được tư vấn, điều trị, quản lý. Chúc bạn sức khoẻ. | | Thanh - Nữ -tuổi: 54 - Hà Nội | | Tôi vẫn hay nghe nói về tình trạng Lao đa kháng thuốc. Vậy lao đa kháng thuốc là gì? Nếu mắc phải Lao đa kháng thuốc thì điều trị ở đâu? | | BS CK II Nguyễn Xuân Nghiêm: Chào bác Thanh. Lao đa kháng thuốc là người bệnh mắc bệnh Lao mà vi khuẩn lao đã kháng lại Rifapicine và Isoniazide (Rimifon). Hiện nay Chương trình chống Lao đang nghiên cứu tổ chức việc điều trị Lao kháng thuốc ở các bệnh viện trung ương và khu vực. Kế hoạch của Chương trình chống Lao là năm 2008 mới bắt đầu. Như vậy cho đến bây giờ việc điều trị lao kháng thuốc, chương trình chống Lao vẫn còn để ngỏ. Xin bác theo dõi việc thực hiện kế hoạch tổ chức điều trị lao kháng thuốc trong thời gian tới. Xin cảm ơn bác! | | Nguyễn lê Nam - Nam -tuổi: 28 - 164 Tôn Đức Thắng- Hà Nội | | Em thấy tiêu đề của buổi giao lưu này là Lao và Lao HIV/AIDS, vậy đây có phải là 2 loại lao và nếu đúng như vậy thì cách phân biệt 2 loại lao này và cách điều trị cụ thể cho từng loại? | | TS. Phạm Quang Tuệ - Chuyên viên Phòng Chỉ đạo tuyến - BVL&BPTW: Đúng, đây là 2 thể loại bệnh khác nhau. 1) Bệnh lao có nghĩa là người đó chỉ mắc 1 loại bệnh do vi khuẩn lao gây ra. 2) Lao/HIV: người mắc bệnh lao này đồng thời bị nhiễm HIV. Về cách điều trị: Đương nhiên cách điều trị phải khác nhau cho 2 đối tượng bệnh nhân này. Trường hợp 1 (chỉ bị bệnh lao), người bệnh chỉ cần dùng thuốc chống lao theo chỉ định của Bác sỹ chuyên khoa. Trường hợp 2 (Lao/HIV) thì việc điều trị sẽ phức tạp hơn: Ngoài điều trị thuốc chống lao, bệnh nhân còn cần phải điều trị HIV bằng các thuốc kháng virus (Retrovirus). Ngoài ra, bệnh nhân Lao/HIV có thể cần một số các dịch vụ chăm sóc đặc biệt khác cho người HIV/AIDS. | | luuanh - Nữ -tuổi: 35 - Hà Nam | | Lớp học của tôi có một người bị mắc lao, tôi sợ bệnh lao dễ lây nên muốn tìm thuốc dự phòng. Vậy tôi muốn tìm thuốc dự phòng thì phải đến đâu? | | PGS.TS.Nguyễn Chi Lăng: Chào bạn LUUANH, tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau: Uống thuốc dự phòng bệnh lao phải được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt, không được lạm dụng dùng thuốc chống lao để dự phòng. Do vậy, bạn cần đến cơ sở y tế chuyên khoa lao để được tư vấn và hướng dẫn cách điều trị dự phòng một cách khoa học và hợp lý. | | Nguyễn lê Nam - Nam -tuổi: 28 - 164 Tôn Đức Thắng- Hà Nội | | Theo em được biết, người có HIV nếu có lao và muốn dùng thuốc ARV thì phải điều trị khỏi hẳn lao thì mới được dùng ARV. Vậy nếu đang trong quá trình điều trị ARV mà mắc lao thì xử lý như thế nào? | | Ths. Trịnh Thanh Thủy: Chào bạn Nam, tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau. Người nhiễm HIV bị bệnh Lao cần điều trị Lao theo phác đồ của chương trình Lao quốc gia, nếu chưa điều trị ARV thì cần điều trị Lao trước, sau đó tùy theo thể trạng của bệnh nhân và kết quả xn liên quan bác sĩ của bạn sẽ quyết định điều trị ARV trong thời gian từ 2-8 tuần sau khi điều trị Lao nếu bạn đã có chỉ định điều trị hoặc chờ cho đến khi bạn điều trị khỏi Lao rồi đánh giá lại và quyết định điều trị HIV. Điều trị HIV sớm sẽ giúp kết quả điều trị Lao tốt hơn cung như giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân Lao đồng nhiễm HIV. Nếu đang điều trị ARV mà mắc Lao, bác sĩ sẽ xem xét phác đồ điều trị ARV để đưa ra phác đồ điều trị Lao cho hợp lý. Bênh nhân cần được theo dõi chặt chẽ và làm xét nghiệm như xn chức năng gan để có thể điều chỉnh phác đồ điều trị Lao cũng như HIV được phù hợp Huynh Tien Minh - Nam -tuổi: 21 - tphcm | | Kính thưa bác sĩ! Xin cho em hỏi là sau khi đạp phải kim tiêm có HIV 3 tháng thì xét nghiệm cho âm tính có thực sự đúng hay không? Những triệu chứng của thời sơ nhiễm trong bao lâu? Triệu chứng nổi ban đỏ của HIV là như thế nào? | | BS CKII Nguyễn Xuân Nghiêm. Chào bạn Minh! Sau khi đạp phải kim tiêm có HIV 3 tháng xét nghiệm cho âm tính thì cũng đã yên tâm rằng mình không bị phơi nhiễm. Tuy nhiên, để cẩn thận hơn nữa, sau 6 tháng bạn nên kiểm tra lại 1 lần nữa cho chắc chắn. Triệu chứng của giai đoạn sơ nhiễm kéo dài khoảng 3 tháng. Ban của nhiễm HIV là những ban đỏ nổi trên da, không ngứa, không có vẩy xuất hiện 1 thời gian ngắn trong thời gian đầu của nhiễm HIV. | | Lê Việt Dũng - Nam -tuổi: 28 - Hà đông - Hà tây | | Thưa bác sỹ, lao có phải là một bệnh truyền nhiễm không ạ? Làm thế nào để biết mình mắc lao và nếu lao là bệnh truyền nhiễm thì làm thế nào để bảo vệ những người xung quanh? Tôi cần chữa trị như thế nào và ở đâu ạ? | | PGS.TS.Nguyễn Chi Lăng: Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao chủ yếu thông qua đường không khí. Khi người bệnh mắc lao (lao phổi) thường có một số dấu hiệu chính : ho kéo dài, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, sút cân, mệt mỏi, thậm chí ho ra máu... Nếu người bệnh có những dấu hiệu như trên cần phải đến cơ sở y tế khám để phát hiện bệnh lao. Để bảo vệ những người xung quanh không bị lây bệnh thì người bệnh mắc lao cần phải đeo khẩu trang (trong giai đoạn điều trị tấn công) khi tiếp xúc cộng đồng, không được khạc nhổ đờm bừa bãi mà phải khạc nhổ đúng nơi qui định (ca, cốc riêng). Nếu bạn mắc lao thì bạn đến các cơ sở y tế chuyên khoa lao từ tuyến quận, huyện trở lên để khám chẩn đoán và hướng dẫn điều trị cụ thể. | | Hoàng Phương - Nam -tuổi: 35 - Từ Liêm Hà Nội | | Tôi bị bệnh lao và đã điều trị khỏi bệnh. Xin hỏi: - Bệnh lao sau khi đã được chữa khỏi có tái phát lại không? - Chế độ sinh hoạt ăn uống cho những người bị bệnh lao đã được chữa khỏi để sau này không bị tái phát là như thế nào. Xin cám ơn./. | | BS CKII Nguyễn Xuân Nghiêm. Bạn Hoàng Phương thân mến! Bệnh lao sau khi được chữa khỏi vẫn có khả tái phát với tỷ lệ thấp. Nếu tiếp tục tiếp xúc với nguồn lây và cơ thể suy giảm sức đề kháng. Người bệnh sau khi chữa khỏi bệnh lao cần có một chế độ sinh hoạt lành mạnh và ăn uống đủ chất. Chúc anh khỏi bệnh vĩnh viễn! | | Tuan anh - Nam -tuổi: 45 - Ha Nam | | Xin bác sĩ cho biết những ảnh hưởng của việc có tiền sử bệnh lao và mang thai? | | ThS.Hoàng Thị Phượng: Chào bạn! Tiền sử mắc lao không ảnh hưởng tới việc mang thai. Tuy nhiên, bệnh lao trước đây của bạn không được điều trị đầy đủ và đúng công thức thì khi mang thai bệnh lao có thể phát triển nặng hơn và ảnh hưởng đến việc sinh con của bạn. | | Trương Hoàng Quý - Nam -tuổi: 33 - 73 Lý Nam Đế - Hà Nội | | Để được nhận thuốc điều trị Lao của chương trình Quốc gia, bệnh nhân phải đủ một số tiêu chí, đặc biệt là xét nghiệm tìm BK dương tính. Tuy nhiên điều này rất khó đối với bệnh nhân AIDS. Vậy ở Việt Nam đã có chính sách hay chương trình nào để ưu tiên điều trị và phòng lao cho những người nhiễm HIV? | | ThS. Trịnh Thanh Thủy - CDC: Đúng như bạn nói, bác sỹ điều trị cho bệnh nhân lao cần tuân theo hướng dẫn của Chương trình Lao quốc gia, mà xét nghiệm tìm BK duơng tính là một trong những tiêu chí để chẩn đoán bệnh lao. Để đáp ứng việc chẩn đoán và điều trị lao cho bệnh nhân HIV, tháng 8/2001 Bộ Y tế đã thông qua Quy trình chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân Lao/HIV. Quy trình này giúp cho việc chẩn đoán Lao trên bệnh nhân HIV được phù hợp hơn, theo đó nhân viên Chương trình chống lao tại tuyến huyện có thể chẩn đoán lao phổi BK(-) và lao ngoài phổi với sự hỗ trợ của bác sỹ chuyên khoa lao tuyến tỉnh. Điều này giúp cho bệnh nhân HIV được chẩn đoán Lao sớm hơn và điều trị sớm hơn, giúp cho kết quả điều trị lao khả quan hơn. Chương trình lao quốc gia đang xem xét dự phòng lao cho bệnh nhân HIV và đang tiến hành thí điểm tại một số tỉnh như An Giang, Hải Phòng ... | | Trần Viết Thịnh - Nữ -tuổi: 24 - Thanh Hoá | | Có chắc chắn người bị mắc HIV thì sẽ bị mắc lao không, thưa bác sĩ? | | ThS. Trịnh Thanh Thủy - CDC: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Người nhiễm HIV bị suy giảm miễn dịch nên nguy cơ mắc bệnh lao cao gấp 5-10 lần so với người không nhiễm HIV. Tại các nước có tỷ lệ nhiễm HIV cao như Châu Phi, 30-50% bệnh nhân HIV bị mắc lao. Ở Việt Nam, tỷ lệ này là khoảng 20-25%. | | Nguyễn Thị Thu - Nữ -tuổi: 27 - | | Nếu người bình thường không may mắc phải virus lao/HIV thì có chữa khỏi được không và các ảnh hưởng qua lại của lao và HIV như thế nào? | | BS CKII Nguyễn Xuân Nghiêm Chị Thu thân mến! Trước tiên xin giải thích cho chị rõ là không có virus Lao/HIV mà chỉ có vi khuẩn Lao và HIV. Bệnh lao hiện nay vẫn là 1 bệnh chữa được còn nhiễm HIV hiện nay còn là 1 bệnh chưa chữa được. Nói Lao/HIV có nghĩa là có sự kết hợp giữa bệnh lao và có HIV. Xin cảm ơn câu hỏi của chị! | | Chấn Hào - Nam -tuổi: 26 - Hà nội | | Xin hỏi hiện nay có bao nhiêu người bị vừa lao vừa có HIV ở Việt Nam? | | TS. Nguyễn Viết Nhung: Con số chính xác thì không thể có. Tuy nhiên, có thể ước tính vào khoảng 5.000 người vừa bị mắc lao vừa đồng nhiễm HIV. | nguyen xuan tuan - Nam -tuổi: 34 - Hà Nội | | Trước đây tôi được bác sĩ ở Bình Dương chẩn đoán là lủng phổi do lao, đã chữa lành được hai năm nhưng vùng tổn thương đó vẫn đau không giảm. Bác sĩ cho hỏi là có phải là hang lao còn di sót không? Tôi cần phải làm gì để chữa lành viết thương này? | | ThS. Hoàng Thị Phượng: Xin chào bạn, rất vui nhận được câu hỏi của bạn. Bệnh lao của bạn đã được chữa khỏi cách đây 2 năm, hiện tại bạn còn đau ngực tại vùng tổn thương, đó là di chứng của bệnh lao để lại, tổn thương xơ hóa gây xơ dính vào thành ngực. Để cải thiện được triệu chứng đau bạn cần tập thở, phục hồi chức năng, có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý. Tuy nhiên, nếu đau ngực có kèm theo các triệu chứng: ho khạc đờm, ho ra máu, sốt...bạn cần đến khám tại trung tâm lao địa phương ngay. | | Lê Minh Thái - Nữ -tuổi: 42 - Minh Khai - Hà Nội | | Tôi đã từng chăm sóc bệnh nhân, nhưng không sử dụng một biện pháp phòng bị nào. Tôi rất lo lắng xem không biết mình có bị lây bệnh không. Xin các bác sĩ hay cho biết khả năng lây bệnh của tôi và các triệu chứng dễ nhận biết nhất? | | TS. Phạm Quang Tuệ - Chuyên viên Phòng chỉ đạo tuyến - BVL&BPTW: Trong thực tế, nhiều người bị nhiễm vi khuẩn lao trong khi chưa hề chăm sóc bệnh nhân lao bao giờ do hít phải vi khuẩn lao trong môi trường tự nhiên. Khi bạn chăm sóc bệnh nhân lao, đương nhiên nguy cơ nhiễm bệnh của bạn sẽ cao hơn so với những người khác. Nhưng không phải tất cả những người nhiễm lao đều bị mắc bệnh lao. Trong số những người nhiễm lao có khả năng đáp ứng miễn dịch bình thường, chỉ 5-10% trong số họ có thể bị mắc bệnh lao trong suốt cuộc đời. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao (ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, có thể có sốt nhẹ về chiều, gầy sút cân, tức ngực, v.v.) thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh, xét nghiệm đờm phát hiện bệnh lao. Chúc bạn gặp nhiều may mắn. | | Vũ Tiến Dũng - Nam -tuổi: 35 - Hồ Chí Minh | | Tôi hút thuốc lá từ năm 1993 đến nay đã 15 năm. Thời gian gần đây tôi thường hay bị ho do ở cổ hay bị gai ngứa. Bác sỹ có thể cho tôi biết hiện tượng lao thời kỳ đầu thường có những biểu hiện như thế nào? Xin cảm ơn! | | BS CKII Nguyễn Xuân Nghiêm Anh Dũng thân mến! Khi mắc bệnh lao phổi người bệnh thường có các triệu chứng: ho khạc đờm kéo dài, ho ra máu, sốt về chiều, sút cân, mệt mỏi... Nếu bạn gần đây thường hay bị ho cổ ngứa đó là dấu hiệu của ho kích ứng do hút thuốc lá. Tuy nhiên, rất có thể nhầm lẫn với dấu hiệu của lao phổi để cẩn thận anh nên đi khám để loại trừ. Mong anh hãy bỏ thuốc lá! | | Tâm - Nam -tuổi: 56 - thanh hoa | | Tôi bị lao khớp háng đã được bác sĩ điều trị khỏi nhưng vẫn còn đau và đi lại hạn chế nhiều. Có người khuyên tôi đi thay khớp háng. Điều này tôi đang phân vân. Tôi có nên hay không nên thay khớp, thưa bác sĩ?. Xin chân thành cám ơn. | | PGS.TS.Nguyễn Chi Lăng: Hạn chế đi lại, đau sau khi điều trị khỏi lao khớp háng, đó là những di chứng của bệnh (mặc dù bệnh lao đã khỏi). Để khắc phục những di chứng này bạn cần phải được đi khám và chữa về phục hồi chức năng của khớp háng. Việc thay khớp háng trong bệnh lao khớp háng là một việc rất khó khăn. Do vậy bạn cần đi khám chuyên khoa ngoại về xương khớp để có chỉ định điều trị khoa học và hợp lý. | | Nguyệt Nga - Nữ -tuổi: 21 - Hai Phong | | Tôi đã bị bệnh này gần hai năm, đã điều trị theo đúng phác đồ 8 tháng. Bác sĩ bệnh viện Lao và bệnh Phổi Hà Nội đã cấp giấy khỏi bệnh. Hiện tại tôi đang có thai, không hiểu bệnh này còn ảnh hưởng gì bây giờ và sau này? Trong quá trình dùng thuốc, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy đau ở ngực. Bây giờ cũng thế. Tôi có hỏi bác sĩ thì họ nói là sẽ không hết. Tôi vẫn băn khoăn hay là mình bị bệnh gì khác? | | PGS.TS.Nguyễn Chi Lăng: Bạn bị bệnh lao đã điều trị và được xác định là khỏi, hiện tại bạn đang có thai, bạn nên sinh hoạt điều độ, dinh dưỡng hợp lý để tránh tái phát bệnh trong thời kỳ mang thai hoặc sau khi sinh. Những người mắc bệnh lao phổi sau khi điều trị khỏi bệnh thường có dấu hiệu đau ngực. Chúc 2 mẹ con bạn sức khoẻ và hạnh phúc! | | Thịnh - Nam -tuổi: 33 - Hà nội | | Tôi được biết có loại lao siêu kháng thuốc, vậy thế nào là lao siêu kháng thuốc? Nếu có thì có chữa được không? Xin cảm ơn! | | TS. Phạm Quang Tuệ - Chuyên viên Phòng chỉ đạo tuyến - BVL&BPTW: Bệnh lao siêu kháng thuốc (XDR-TB) là bệnh lao gây ra bởi vi khuẩn lao kháng đa thuốc (MDR-TB) đồng thời kháng thêm với 3 trong các loại thuốc chống lao hàng thứ 2 (trong đó có 1 loại thuốc tiêm). Bệnh lao kháng thuốc có thể chữa được với tỷ lệ khỏi bệnh không quá 60%. Tuy nhiên, việc điều trị cho bệnh nhân XDR-TB là rất khó khăn và tốn kém. Các loại thuốc điều trị có nhiều độc tính đối với người bệnh. | | Trần Thu Minh - Nữ -tuổi: 20 - Hải Phòng | | Bạn trai tôi nghiện ma tuý. Dạo này tôi thấy anh ấy ho nhiều. Tôi khuyên anh ấy đi khám nhưng không được. Làm thế nào để tôi biết được anh ấy có bị lao hay HIV hay không? Cảm ơn các bác sỹ. | | BS CKII Nguyễn Xuân Nghiêm: Bạn Thu Minh thân mến! Chỉ có đi khám bệnh và xét nghiệm thì mới phát hiện được bệnh lao và nhiễm HIV hay không. Về bệnh lao thì người bệnh phải được chụp phổi, xét nghiệm đờm. Để phát hiện có HIV thì phải làm các phản ứng để xác định bạn nên cố gắng khuyên nhủ bạn trai của bạn đi khám bệnh để được làm các xét nghiệm xác định. Chúc bạn thuyết phục thành công bạn trai! | | Hoàng Thị Xuân Phương - Nữ -tuổi: 38 - Trần Khát Chân - Hà Nội | | Tôi thường xuyên phải ăn cơm bụi ngoài đường. Xin hỏi, với việc mất vệ sinh như hiện nay thì tôi có khả năng bị lây nhiễm bệnh Lao hay không? | | TS. Phạm Quang Tuệ - Chuyên viên phòng chỉ đạo tuyến - BVL&BPTW: Bệnh lao không lây theo đường ăn uống. Bệnh lao lây theo đường không khí. Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể theo đường hô hấp, cho nên người ta thường bị nhiễm lao do hít phải vi khuẩn lao trong không khí, đặc biệt là những người sống trong cùng gia đình với những người mắc bệnh lao phổi hoặc tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi. | | Chấn Hào - Nam -tuổi: 26 - Hà nội | | Tôi bị lao phổi BK+, kèm xơ gan. Xin chương trình cho biết phải điều trị như thế nào? | | ThS. Hoàng Thị Phượng: Chào bạn Hào. Bạn bị lao phổi BK+ kèm bệnh xơ gan được điều trị lao theo phác đồ chung và đồng kết hợp với điều trị bệnh xơ gan. Trong quá trình điều trị, bạn cần được theo dõi chức năng gan bởi một số thuốc lao chuyển hóa qua gan, có thể gây viêm gan do thuốc và làm cho bệnh xơ gan nặng lên. Nếu tình trạng trên xảy ra, bạn sẽ được điều chỉnh công thức điều trị như hạn chế một số thuốc gây viêm gan và có thể kết hợp với nhóm thuốc khác theo chỉ định cụ thể của bác sỹ chuyên khoa lao. | | Tâm - Nam -tuổi: 56 - thanh hoa | | Tôi đọc một số tài liệu thấy tỷ lệ nhiễm lao ở Việt Nam rất cao. Vậy nhiễm lao là bị bệnh lao đúng không? | | BS CKII Nguyễn Xuân Nghiêm: Bác Tâm kính mến! Nhiễm lao không phải là bệnh lao. Nhiễm lao là sự lây nhiễm vi khuẩn lao từ người bệnh, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây nên những biến đổi về giải phẫu bệnh và sinh học của cơ thể. Nhiễm lao được phát hiện bằng phản ứng Tuberculin (Mantoux). Người nhiễm lao có thể không mắc bệnh lao. Bệnh lao chỉ xuất hiện khi nào người nhiễm suy giảm sức chống đỡ. Khi bệnh lao xuất hiện sẽ có các triệu chứng của bệnh và có những tổn thương ở các bộ phận mắc bệnh. Thân ái chào bác! | | Lan Anh - Nữ -tuổi: 41 - Hà tây | | Tôi là Lan Anh ở Hà Tây. Tôi xin hỏi nguy cơ lây nhiễm lao với các y bác sĩ, cán bộ làm trong Bệnh viện lao như thế nào? | | TS. Nguyễn Viết Nhung: Xin chào chị Lan Anh! Nguy cơ nhiễm lao đối với y, bác sĩ trong bệnh viện Lao cao hơn trong cộng đồng và các cơ sở khác. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm lao cũng mắc bệnh lao. Vậy các biện pháp đề phòng theo nguyên tắc là rất cần thiết. Rất may, tỉ lệ mắc lao trong các bác sĩ làm việc trong môi trường này không cao hơn so với các môi trường khác. | | nguyên - Nam -tuổi: 65 - thanh hoá | | Hàng xóm tôi có một người bệnh không rõ là bệnh gì, song có biểu hiện như một người bị nhiễm HIV vì thấy người xanh xao, gầy đét. Chúng tôi vẫn luôn thăm hỏi và động viên họ đi khám bệnh. Xin hỏi bác sỹ, liệu những người như vậy có khả năng bị mắc lao hay không? Chúng tôi có phải phòng bệnh không? | | BS CKII Nguyễn Xuân Nghiêm: Bác Nguyên kính mến! Triệu chứng xanh xao, gầy đét gặp trong rất nhiều bệnh chứ không riêng gì có HIV và Bệnh lao. Việc bác khuyên đi khám bệnh để chẩn đoán bệnh là rất đúng. Dấu hiệu sút cân, xanh xao cũng là 1 trong những dấu hiệu của bệnh lao. Mong rằng người bệnh theo lời khuyên của bác đi khám để được xác định bệnh. Tâm - Nam -tuổi: 56 - thanh hoa | | Tôi đã điều trị lao phổi 2 lần đủ phác đồ, xét nghiệm đờm lần điều trị thứ hai âm tính, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn ho ra máu. Vậy tôi có bị lao kháng thuốc không? Nếu có thì tôi phải điều trị ở đâu và trong bao lâu? Xin cảm ơn các bác sỹ! | | PGS.TS.Nguyễn Chi Lăng: Như bạn trình bày bạn đã điều trị lao 2 lần, đủ công thức, xét nghiệm đờm âm tính. Nhưng bạn thỉnh thoảng vẫn còn ho ra máu. Triệu chứng ho ra máu của bạn là do giãn phế quản di chứng sau lao. Như vậy bạn không bị mắc lao tiến triển và càng không phải mắc lao kháng thuốc. Bạn cần giữ gìn sức khoẻ: lao động nhẹ nhàng, chế độ sinh hoạt điều độ, để tránh ho ra máu và bệnh lao tái phát. Chúc bạn sức khoẻ. | | Minh - Nam -tuổi: 34 - nghe an | | Tôi mới xét nghiệm và phát hiện ra mình nhiễm HIV. Tôi rất hoang mang và cảm thấy sức khoẻ giảm sút. Tôi cảm giác như mình bị nhiễm cả bệnh Lao nữa vì tôi hay bị sốt và ho kéo dài. Xin các bác sỹ chỉ rõ cho tôi bệnh Lao/HIV có những biểu hiện như thế nào? | | ThS. Trịnh Thanh Thủy - CDC: Chào bạn Nam. Tôi hiểu rằng bạn đang trong giai đọan khó khăn, tôi hy vọng rằng với sự hỗ trợ của người thân và cán bộ y tế bạn sẽ dần chấp nhận tình trạng nhiễm HIV của mình để tiếp tục làm việc bình thường và hòa nhập cộng đồng. Các biểu hiện của bạn gợi ý đến bệnh Lao, tuy nhiên bạn cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định và điều trị sớm. Bệnh Lao có biểu hiện như bạn nói và có thể có thêm các biểu hiện khác như gày sút, ra mồ hôi trộm và có thể ho ra máu. Bên cạnh đó người bệnh Lao/HIV sẽ có các biểu hiện của nhiễm HIV tùy theo giai đọan của bệnh. Khi đã mắc Lao bệnh nhân HIV thường có thêm các nhiễm trùng cơ hội khác như nấm da, nấm họng, tiêu chảy. Đến giai đọan muộn hơn các tình trạng này sẽ nặng nề hơn, ảnh hưởng đến khả năng sinh họat và lao động của người bệnh. Tôi khuyên bạn nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị Lao và các nhiễm trùng cơ hội khác kịp thời. Chúc bạn nhanh chóng khỏe và vui vẻ hơn. | | Nguyễn Văn Lương - Nam -tuổi: 40 - Cao Bằng | | Tôi xin hỏi các bác sĩ, con trai tôi năm nay 9 tuổi, vừa rồi đi khám ở Viện Lao Hà Nội thì phát hiện là bị lao hạch. Tôi xin hỏi lao hạch là gì, có nguy hiểm không và có chữa được không? Cảm ơn bác sĩ. | | BS CKII Nguyễn Xuân Nghiêm: Anh Lương thân mến, Lao hạch là viêm hạch do vi khuẩn lao. Bệnh không có mức độ nguy hiểm cao tuỳ thuộc nhóm hạch bị tổn thương là ở ngoại biên hay là ở trong nội tạng và việc điều trị có kịp thời, đúng nguyên tắc hay không. Bệnh lao hiện nay vẫn là một bệnh chữa được nếu tuân thủ đúng nguyên tắc điều trị. Chúc con anh mau khỏi bệnh! | | Nguyễn Thị Hiền - Nữ -tuổi: 24 - TP HCM | | Tôi lấy chồng đã 2 năm nhưng không có con. Tôi đi khám tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, xét nghiệm có nhiễm lao chích ở tay dương tính. Các bác sỹ ở đó khuyên tôi đi khám và điều trị lao nhưng tôi thấy mình hoàn toàn khoẻ mạnh, vậy tôi có phải đi khám không? | | ThS.Hoàng Thị Phượng: Bạn lấy chống đã hai năm nhưng chưa có con. Khi đi khám tại BV Phụ sản TW có kết quả xét nghiệm nhiễm lao (phản ứng Mantoux)dương tính. Bạn nên đến các phòng khám chuyên khoa lao để xác chẩn bệnh lao của bạn, bởi lao sinh dục là một trong những nguyên nhân gây vô sinh. Chúc bạn sớm có em bé! | | Nguyễn thu Trang - Nữ -tuổi: 26 - Cầu giấy - Hà nội | | Nếu bệnh nhân vừa điều trị lao vừa điều trị ARV thì có tai biến gì xảy ra không? Hướng điều trị phải như thế nào? Thuốc ARV có tương tác với thuốc điều trị lao không và ngược lại? | | PGS.TS.Nguyễn Chi Lăng: Một số thuốc điều trị lao và thuốc điều trị ARV đều có ảnh hưởng đến gan và thận. Do vậy phối hợp điều trị lao và ARV thì nguy cơ xảy ra những ảnh hưởng đến gan, thận (đặc biệt là gan). Một số thuốc điều trị ARV và thuốc chống lao nếu cùng được dùng cho người bệnh thì sẽ có tương tác : làm giảm tác dụng và tăng độc tính của 2 loại thuốc này. Do vậy khi phối hợp điều trị 2 loại thuốc, người bệnh cần phải được tư vấn và theo dõi điều trị tại cơ sở chuyên khoa một cách cụ thể chi tiết. | | Long - Nam -tuổi: 67 - Hai Phong | | Tôi xin hỏi TS Nguyễn Viết Nhung, bệnh COPD là bệnh gì, có liên quan gì đến bệnh lao không. Xin cảm ơn TS. | | TS. Nguyễn Viết Nhung: Bệnh COPD là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chủ yếu do thuốc lá hoặc khí độc gây nên. Bệnh biểu hiện là ho khạc đờm kéo dài, khó thở. Mối liên quan giữa lao và COPD đang được nghiên cứu tại Việt Nam | Tâm - Nam -tuổi: 56 - thanh hoa | | Những biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh lao ở người nhiễm HIV có khác gì với người mắc lao không nhiễm HIV không, thưa bác sĩ? | | ThS. Trịnh Thanh Thủy - CDC: Biểu hiện nghi ngờ mắc lao ở người nhiễm HIV tùy thuộc vào tình trạng miễn dịch. Nếu tình trạng miễn dịch của người này còn tốt (CD4>200), các biểu hiện nghi lao cũng giống như trên người không nhiễm HIV. Tuy nhiên, khi miễn dịch đã suy giảm nặng nề, bệnh nhân có thể không có các biểu hiện nghi lao nhưng khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng có liên quan như chụp X-quang phổi, cấy đờm, bác sỹ vẫn có thể phát hiện lao trên các bệnh nhân này. Bộ Y tế đã khuyến cáo người nhiễm HIV nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm các bệnh nhiễm trùng cơ hội, trong đó có lao. | | Tâm - Nam -tuổi: 56 - thanh hoa | | Bạn tôi ho hai tháng nay, thỉnh thoảng có khạc ra ít máu, nhưng đi khám tại bệnh viện huyện có chụp Xquang và thử đờm thì không có vi khuẩn, nhưng tôi vẫn sợ bạn tôi bị lao. Tôi có thể đưa bạn tôi đi khám ở đâu nữa? | | ThS.Hoàng Thị Phượng: Chào bạn! Nếu bạn bị ho hai tháng, thỉnh thoảng có khạc ra ít máu, khi khám tại bệnh viện huyện có chụp xquang và thử đờm không có vi khuẩn. Để yên tâm, bạn có thể đi khám tại các phòng khám của bệnh viện lao tuyến tỉnh, trung ương làm thêm một số các xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh lao. | | Hoà - Nam -tuổi: 29 - Hà Nội | | Trong cộng đồng nguy cơ mắc lao của một người bình thường có cao không? Nếu gia đình có người mắc lao thì tôi có nên đi khám để phát hiện lao không? | | TS. Phạm Quang Tuệ - Chuyên viên Phòng chỉ đạo tuyến - BVL&BPTW: Trong cộng đồng, nguy cơ mắc lao của một người phụ thuộc vào nhiều yếu tố: mức độ lưu hành nguồn lây lao trong cộng đồng đó, điều kiện sống, môi trường sống và làm việc. Nguy cơ nhiễm lao hàng năm ở Việt nam trung bình là 1,7%, và tỷ lệ nhiễm lao trong dân số ở Việt Nam là 44%. Nếu trong gia đình đã có người mắc bệnh lao, thì những người khác cần phải có ý thức giữ gìn sức khoẻ và đi khám xem mình có bị mắc bệnh lao hay không khi có các dấu hiệu (ho khạc kéo dài trên 2 tuần, có thể có sốt nhẹ về chiều, gầy sút cân, có thể tức ngực, v.v.). | | Trương Hoàng Quý - Nam -tuổi: 33 - 73 Lý Nam Đế - Hà Nội | | Chương trình phòng chống Lao của Việt Nam có những kế hoạch hoặc chiến lược mới cho giai đoạn tiếp theo hay không? | | TS Nguyễn Viết Nhung: Điều trị Lao được miễn phí thuốc chống lao cho tất cả những người mắc bệnh lao. Để có được chế độ miễn phí, bạn cần được chẩn đoán và đăng ký trong hệ thống chống lao. Nếu có triệu chứng nghi lao, cần đến trung tâm y tế huyện để được xét nghiệm chẩn đoán và đăng ký điều trị miễn phí. | | Nguyễn Phương Vy - Nữ -tuổi: 30 - Hồ Chí Minh | | Chồng tôi là kiến trúc sư, 30 tuổi, thường xuyên hút thuốc và phải sử dụng máy tính. Dạo này, anh ấy hay kêu đau đầu và đau phần mạng sườn, có ho khan, miêng khô. Xin các bác sỹ cho biết những triệu chứng đó có liên quan gì đến bệnh lao phổi? | | BS CKII Nguyễn Xuân Nghiêm: Chị Phương Vy thân mến! Bệnh lao phổi có các triệu chứng như sau: Ho khạc đờm kéo dài, ho ra máu, đau ngực, sút cân, sốt về chiều, mệt mỏi ... Chồng chị thường xuyên hút thuốc lá dạo này anh ấy kêu đau đầu, đau phần mạn sườn có ho khan ... Trước tiên hãy xem xét có phải do hút thuốc lá hay không. | | Phạm Thùy Dung - Nữ -tuổi: 20 - Tây Hồ - Hà nội | | Có phải con trai dễ mắc lao hơn con gái phải không ạ? Vì con trai hút thuốc, uống rượu bia nhiều nên nguy cơ mắc lao cao hơn con gái? | | TS. Phạm Quang Tuệ - Chuyên viên Phòng chỉ đạo tuyến - BVL&BPTW: Về di truyền học cũng như về cơ địa theo giới thì chưa thấy có bằng chứng nào cho thấy nam giới dễ bị mắc bệnh lao hơn nữ giới. Tuy nhiên, do đặc điểm về giới, nam giới có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh lao hơn, ví dụ như hút thuốc, uống rươu, bia nhiều hơn, môi trường làm việc đôi khi độc hại hơn, sinh hoạt cũng không điều độ được bằng nữ giới... Trong thực tế, trong tổng số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm, số nam giới nhiều hơn nữ giới. Có thể nguyên nhân là vì phụ nữ có nhiều khó khăn để tiếp cận với các dịch vụ y tế, nên có một tỷ lệ phụ nữ bị mắc lao nhưng chưa được phát hiện. | | tuan Nam - Nam -tuổi: 37 - TP.HCM | | Bác sĩ cho cháu hỏi, tổn thương do di chứng lao phổi sau điều trị có hồi phục được không? Cháu xin cảm ơn. | | ThS.Hoàng Thị Phượng: Tổn thương do di chứng lao phổi sau điều trị có thể phục hồi được với điều kiện cháu phải có chế độ sinh hoạt, luyện tập và dinh dưỡng hợp lý. | | Nguyễn Văn Hay - Nam -tuổi: 34 - Hưng yên | | Tôi nghe nói thuốc lao được chương trình lao quốc gia cấp miễn phí, nhưng người nhà tôi bị bệnh lao đi bệnh viện lao Hưng Yên và Bệnh viện lao Trung ương vẫn phải mua thuốc. Như vậy là thế nào? | | PGS.TS.Nguyễn Chi Lăng: Đúng như bạn hiểu: thuốc chống lao được Chương trình chống lao quốc gia cấp miễn phí cho những bệnh nhân điều trị lao tại các tuyến trên toàn quốc. Do việc quản lý và điều trị người bệnh, tránh quá tải cho các tuyến trên, nên những bệnh nhân tự vượt tuyến lên các bệnh vịên tuyến trên điều trị lao thì phải mất tiền vì các thuốc điều trị lao cho những bệnh nhân vượt tuyến không thuộc thuốc của chương trình chống lao quốc gia. | | ngọc minh Thoa - Nam -tuổi: 68 - Daklak | | Tôi xin hỏi: Lao và HIV là 2 bệnh nhưng có thể cùng xảy ra ở 1 người. Khi chữa thì có được miễn phí cả 2 bệnh không? | | ThS. Trịnh Thanh Thủy - CDC: Người vừa bị bệnh Lao vừa nhiễm HIV thì cần được điều trị cả 2 bệnh. Điều trị Lao là miễn phí theo qui định của chương trình Lao quốc gia. Điều trị HIV đang ngày càng phổ biến tại Việt nam. Hiện nay Chương trình mục tiêu quốc gia, quĩ toàn cầu, PEPFAR và các tổ chức quốc tế khác đang hỗ trợ thuốc điều trị miễn phí cho bệnh nhân HIV. Người nhiễm cần liên hệ với trung tâm phòng chống HIV để được hướng dẫn cách đăng ký vào chương trình điều trị HIV miễn phí tại địa phương. | | Bac Thong - Nam -tuổi: 57 - TP.HCM | | Tôi có một người bạn bị lao và HIV, rất tích cưc chạy chữa và rất đúng hướng dẫn. Các xét nghiệm về HIV cho thấy rất khả quan. Song các biểu hiện lao lại có vẻ nặng hơn. Cho tôi hỏi vì sao vậy? | | BS CKII Nguyễn Xuân Nghiêm: Bác Thông kính mến, Bạn của bác có khả quan về việc chạy chữa HIV là rất đáng mừng. Xong các biểu hiện của lao lại có vẻ nặng hơn không biết là bạn của bác mắc bệnh lao gì: lao phổi, lao hạch hay lao màng não ... Thường thì những người có HIV mắc nhiều bệnh lao cùng một lúc. Thêm nữa, có thể mắc lao kháng thuốc. Chính vậy mà bệnh lao nặng hơn. Chúc bạn của bác bệnh lao cũng thuyên giảm và khỏi! | | nhung - Nam -tuổi: 56 - Hà Nội | | Bác sĩ cho tôi hỏi: Làm thế nào để cải thiện các vết sẹo co kéo sau khi điều trị lao? | | PGS.TS.Nguyễn Chi Lăng: Câu hỏi của bạn đặt không rõ bạn bị sẹo ở đâu? Nếu sẹo do lao ở da thì có thể chỉnh hình tại chuyên khoa chỉnh hỉnh. Còn nếu sẹo co kéo ở phổi là một di chứng khó ngăn ngừa và khó giải quyết di chứng này. Bạn nên khám chuyên khoa lao để tư vấn cho bạn cụ thể. Chúc bạn sức khoẻ! | | Hà Nhung - Nữ -tuổi: 34 - | | Bác sĩ cho tôi hỏi là nếu bị lây bệnh lao từ người đã kháng thuốc thì người đó cũng chắc chắn bị lao kháng thuốc, đúng không ạ? Nếu kháng từ 1 đến 2 thuốc mà điều trị theo phác đồ thông thường 8 tháng thì có đúng không? | | ThS.Hoàng Thị Phượng: Chào Nhung! Nếu bị lây từ người đã kháng thuốc (nguồn lây nguy hiểm) thì người đó chắc chắn bị bệnh lao kháng thuốc. Nếu bị kháng từ 1 đến 2 thuốc thì việc điều trị lao theo phác đồ thông thường 8 tháng sẽ không có hiệu quả, mà phải dựa vào kết quả nuôi cấy kháng sinh đồ để điều trị. | | Hà Nhung - Nữ -tuổi: 34 - | | Bệnh lao có di truyền không, thưa các bác sĩ? | | TS. Phạm Quang Tuệ - chuyên viên Phòng chỉ đạo tuyến - BVL&BPTW: Bệnh lao không di truyền. Bệnh lao là một bệnh nhiễm trùng do vi trùng lao gây ra. Giống như cảm cúm, bệnh lao lây truyền theo đường không khí và vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp do hít thở phải vi khuẩn lao trong không khí. | | Huynh Tien Minh - Nam -tuổi: 21 - tphcm | | Thưa bác sĩ, làm sao phân biệt giữa ban đỏ HIV và vết đỏ do muỗi cắn? Em bị nổi những vết đỏ này chỉ thỉnh thoảng trong vòng một tháng nay. Mỗi lần xuất hiện 5 đến 8 nốt. Rm không biết đó có phải ban đỏ do HIV không vậy bác sĩ? | | BS CKII nguyễn Xuân Nghiêm: Bạn Minh thân mến, Viết muỗi cắn là những nốt tròn kích thước từ 1 - 2 mm màu đỏ, thường ở những vùng da hở còn ban HIV là những nốt rộng hơn và toàn thân. Những vết đỏ của em ko nói rõ nó thuộc dạng gì và ở vùng nào. Nếu quá lo lắng em nên đi khám để được xác định. | | Nguyễn Phương Vy - Nữ -tuổi: 30 - Hồ Chí Minh | | Tôi mới sinh con đầu lòng được hai tháng. Trong lịch tiêm chủng của bé bắt buộc phải tiêm mũi phòng lao sớm nhất? Tại sao lại phải tiêm? Tiêm khi nào là hợp lý và sử dụng loại thuốc gì? Bao lâu phải tiêm nhắc lại? Xin cảm ơn! | | TS. Phạm Quang Tuệ - Chuyên viên Phòng chỉ đạo tuyến - BVL&BPTW: Tiêm phòng bệnh lao cho trẻ em bằng vác-xin BCG tốt nhất vào thời kỳ sơ sinh để chủ động gây miễn dịch chống lại vi khuẩn lao khi đứa trẻ chưa bị nhiễm lao, giúp cho trẻ có thể phòng được một số thể lao nặng như lao kê, lao màng não. Đối với tiêm phòng bệnh lao thì không cần phải tiêm nhắc lại. Việc tiêm nhắc lại chỉ thực hiện khi mũi tiêm đầu tiên không đạt yêu cầu (không tạo được sẹo ở nơi tiêm) khi đứa trẻ còn dưới 1 tuổi. | | Thanh Hien - Nữ -tuổi: 28 - Thanh Xuan, Ha noi | | Con em (7 tháng tuổi) bị lao hạch do tiêm vắc xin lao. Bác sỹ nói phải uống thuốc 6 tháng. Khi uống được gần 2 tháng, bác sỹ đã chích để bóp dịch ra. Hiện nay cháu đã uống được 3 tháng, cái hạch đã nhỏ đi nhiều nhưng vẫn còn nhân. Xin hỏi bác sỹ liệu cái nhân đó của cháu có tan hết không ạ và chỉ có cách điều trị là phải uống thuốc 6 tháng thôi ạ vì cháu còn nhỏ phải uống thuốc nhiều lần/ngày gây ra chán ăn, lên cân chậm. Và những trường hợp như con em có được hưởng chế độ gì không? | | PGS.TS.Nguyễn Chi Lăng: Thông thường viêm hạch lao do tiêm vacxin BCG thì không cần điều trị thuốc lao. Trong trường hợp cụ thể con của chị đã được chích hạch và điều trị lao 3 tháng. Nếu sức khoẻ của cháu tốt và dung nạp thuốc tốt thì nên tiếp tục điều trị thuốc lao cho đến hết 6 tháng. Còn "nhân" như chị trình bày sẽ hết sau nhiều tháng tới. Nếu cháu điều trị lao đúng tuyến thì thuốc lao sẽ được miễn phí. Chúc 2 mẹ con sức khoẻ! | | Phạm Thanh Trang - Nữ -tuổi: 35 - | | Tiêm BCG là gì? Tại sao mọi người nói mũi tiêm BCG tấy đỏ là tốt? Con trai tôi có tiêm phòng lao, mũi tiêm tấy đỏ, mưng mủ, bé sút cân, tôi phải làm sao? Mong bác sỹ giúp tôi với! | | BCG là vắc xin phòng chống lao. Cơ thể phản ứng với vắc xin có biểu hiện là tấy đỏ tại chỗ tiêm, có thể mưng mủ rồi để lại sẹo. Đó là biểu hiện bình thường. Trường hợp của cháu cũng không có gì đáng lo ngại. Chỉ có một số cháu phản ứng quá mức thì cần phải đến bác sĩ khám xem có cần phải xử lý gì không. | | Nguyễn Văn Lương - Nam -tuổi: 40 - Cao Bằng | | Xin hỏi ở Việt Nam mỗi năm có bao nhiêu người mắc lao, tỉ lệ chữa khỏi là bao nhiêu và bao nhiêu người chết vì lao. Xin cảm ơn. | | TS. Phạm Quang Tuệ - Chuyên viên Phòng Chỉ đạo tuyến - BVL&BPTW: Tỷ lệ mắc lao hàng năm (các thể) ở Việt nam là 173/100.000 dân. Tỷ lệ bệnh nhân lao lưu hành là 225/100.000 người. Tỷ lệ tử vong do lao hàng năm là 23/100.000 dân. Tỷ lệ điều trị khỏi cho bệnh nhân lao phổi mới có vi khuẩn lao trong đờm là trên 90%. | | Hoàng Thị Hoa - Nữ -tuổi: 24 - Hà Nội | | Em là sinh viên trường ĐH Y Hà Nội. Em được biết Việt Nam là nước có tỷ lệ lao cao, bệnh nhân HIV dễ mắc lao. Vậy có điều trị dự phòng lao cho những người nhiễm HIV không? Xin cảm ơn các bác sĩ. | | PGS.TS.Nguyễn Chi Lăng: Điều trị dự phòng lao cho những người mắc HIV ở Việt Nam hiện nay là điều cần thiết, nhưng việc triển khai điều trị dự phòng lao cho những người nhiễm HIV phải được theo dõi quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng kháng thuốc lao. | | Nguyễn thu Trang - Nữ -tuổi: 26 - Cầu giấy - Hà nội | | Hịên nay, vấn đề phân biệt đối xử, kỳ thị với người có HIV vẫn còn nhiều. Vậy nếu như người bệnh có thêm bệnh lao nữa thì chắc chắn mọi người sẽ xa lánh họ nhiều hơn. Vậy, xã hội đã, đang và sẽ làm gì để giảm kỳ thị cho nhóm đối tượng này? | | TS. Phạm Quang Tuệ - Chuyên viên Phòng chỉ đạo tuyến - BVL&BPTW: Xa lánh và kỳ thị với những người mắc lao cũng như những người đồng nhiễm lao/HIV là thái độ chưa đúng và phần nào còn thể hiện sự thiếu hiểu biết về hai căn bệnh này. Như bạn đã thấy, trên các phương tiện thông tin đại chúng đang kêu gọi cộng đồng chìa bàn tay nhân ái để giúp đỡ những người mắc bệnh lao cũng như những người đồng nhiễm Lao/HIV để họ có điều kiện tốt nhất chữa khỏi bệnh. Làm điều đó cũng là để bảo vệ chính bạn va những người khoẻ mạnh trong cộng đồng. | | tran lan huong - Nữ -tuổi: 25 - Thanh hoá | | Tôi rất quan tâm và muốn tham gia các hoạt động của ngày thế giới phòng chống lao. Xin cho tôi biết thời gian diễn ra lễ mit tinh nhân ngày thế giới phòng chống lao? Các hoạt động khác hưởng ứng ngày này? Xin cảm ơn! | | TS. Phạm Quang Tuệ - Chuyên viên Phòng Chỉ đạo tuyến - BVL&BPTW: Cảm ơn bạn đã quan đến các hoạt động hưởng ứng ngày Chống lao thế giới 24/3. Lễ mít-ting hưởng ứng ngày Chống lao thế giới diễn ra ở 64 tỉnh/thành phố, ngoài ra các Bộ/ngành và các tổ chức xã hội khác cũng tổ chức lễ mít-tinh. Tuy nhiên về thời gian tổ chức thì khác nhau tuỳ theo sự sắp xếp của các đơn vị, chủ yếu tập trung vào ngày 24/3. Nếu bạn muốn tham gia, bạn có thể liên hệ với Đơn vị chống lao ở tỉnh mình để biết thông tin cụ thể. Các hoạt động khác: Chương trình chống lao Quốc gia tổ chức nhiều hoạt động khác nhau để hưởng ứng ngày ngày nhằm kêu gọi sự quan tâm và đầu tư của Chính Phủ, sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng vào công tác phòng chống bệnh lao. Và một mục đích quan trọng khác là nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân về bệnh lao, giảm sự kỳ thị xã hội đối với căn bệnh này. Ví dụ: - Giao lưu trực tuyến; - Cầu truyền hình trực tiếp về bệnh lao và hoạt động phòng chống lao ở Việt Nam trên VTV2 vào lúc 16h ngày 23/3/2008; - Các phóng sự liên quan đến hoạt động phòng chống lao phát trên đài truyền hình Việt nam; - Thông tin quảng cáo phòng chống lao phát trên các kênh VTV trong tháng 3 và tháng 4; - Các tuyên truyền trên báo và tạp chí khác;... | | Truong Hoang Mai - Nữ -tuổi: 30 - 73 Ly Nam Đế | | Chào chị Thủy, với tư cách là chuyên gia của CDC, chị nhận xét chương trình lao quốc gia tại Việt Nam có những hạn chế gì? CDC đã và sẽ có kế hoạch gì giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề đó? Cám ơn chị | | Ths. Trinh Thanh Thuy-CDC: Xin cảm ơn câu hỏi của quí đồng nghiệp. CDC rất hân hạnh được phối hợp với các đối tác khác hỗ trợ cho chương trình Lao quốc gia Việt Nam. Chương trình Lao quốc gia đã được TCYTTG và các tổ chức khác công nhận là một trong những chương trình họat động có hiệu quả nhất trên thế giới. Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, cũng như các chương trình chăm sóc sức khỏe khác của Việt Nam, chương trình Lao quốc gia cũng gặp các khó khăn về nguồn lực đặc biệt là nguồn nhân lực. CDC đã phối hợp rất chặt chẽ với chương trình Lao quốc gia để nâng cao năng lực cho nhân viên của chương trình thông qua các khóa tập huấn, hỗ trợ về kỹ thuật và cung ứng thiết yếu cho việc triến khai các dự án Lao/HIV tại Việt nam. Cùng với TCYTTG, CDC đã hỗ trợ chương trình Lao quốc gia phát triển qui trình quốc gia về quản lý Lao/HIV tại Việt Nam tạo điều kiện cho việc quản lý Lao/HIV tại Việt Nam hiệu quả hơn. CDC sẽ tiếp tục hợp tác với chương trình Lao quốc gia để cùng đáp úng được nhu cầu kiểm soát Lao và Lao/HIV tại Việt Nam. VTCNews phối hợp với BV Lao và Bệnh phổi TƯ thực hiện. | | | |