Nói với Thanh Lam
TT - Tham gia diễn đàn này, trong số hàng trăm ý kiến gửi về báo Tuổi Trẻ, đề tài về sự “phá cách” của ca sĩ Thanh Lam vẫn thu hút sự quan tâm của đa số bạn đọc. Ba người rất trẻ trong số này cũng có cách nhìn riêng của mình...
Nên ghi nhận một nỗ lực trong lao động nghệ thuật
Tôi đã nghe một vài bài trong Ru mãi ngàn năm và Này em có nhớ. Nói thẳng là tôi không thấy thích. Nhưng tôi bất bình với thái độ dè bỉu Thanh Lam cũng như dè bỉu những người bênh vực Thanh Lam. Tôi khâm phục bản lĩnh sáng tạo của Thanh Lam. Cô ấy không muốn đi theo một lối mòn có sẵn. Cô ấy muốn tìm tòi, khám phá chính bản thân mình và nhạc Trịnh. Sự tìm tòi, khám phá ấy có thể có kết quả, có thể không. Và không thể dè bỉu cô ấy khi cô ấy không đạt được hiệu quả như mong muốn. Có thể chúng ta không bỏ tiền ra mua album ấy nữa, nhưng chúng ta nên ghi nhận sự nỗ lực trong lao động nghệ thuật của Thanh Lam.
Trong sáng tạo nghệ thuật (cũng như trong phát minh khoa học), cần phải có sự dũng cảm để tìm một lối đi chưa ai đã từng đi. Nếu có nhiều nghệ sĩ tìm tòi (một cách nghiêm túc) cách thể hiện nhạc Trịnh khác với cách cũ, biết đâu một ngày nào đó chúng ta sẽ được nghe nhạc Trịnh với phong cách mới lạ và hay!
quyhienngoc@...
Đừng lạm dụng kỹ thuật khi hát nhạc Trịnh
Đúng là chị Lam có chất giọng và kỹ thuật rất tốt nhưng hát nhạc Trịnh vẫn không thành công. Tôi cảm nhận thế này: nhạc Trịnh chủ yếu cảm nhận ở cái “hồn”, chứ không phải ở kỹ thuật xử lý giọng. Khi hát Trịnh, ca sĩ nào quá chú ý đến xử lý giọng hát thì rất dễ gây khó chịu cho người nghe. Chị không nên ỷ mình có chất giọng khỏe, kỹ thuật hát tốt mà dùng nó để “đàn áp” nhạc Trịnh thì... tội quá. Nhiều người rất “dị ứng” khi nghe chị Lam hát nhạc Trịnh, là vì chị lạm dụng kỹ thuật quá, làm cái “hồn” trong nhạc Trịnh tiêu tan hết.
Nguyễn Vũ Kim Ngân
Để nhạc Trịnh sống mãi
Thưa các bạn, tôi không phải là một người hâm mộ ca sĩ Thanh Lam, cũng chẳng phải một người yêu thích nhạc Trịnh. Với tôi - một thanh niên 20 tuổi, nhạc Trịnh có lẽ sẽ không là sự chọn lựa khi tôi tìm đến với âm nhạc. Với tôi cũng như thế hệ 8x, đó chỉ là một dòng nhạc xưa cũ thời cha mẹ chúng tôi yêu thích. Chúng tôi luôn xem âm nhạc là liều thuốc kích thích chúng tôi để bắt kịp với nhịp sống hối hả, là thông điệp tình yêu, là cách thể hiện cái tôi của bản thân mình. Vì vậy theo tôi nghĩ, những người yêu nhạc Trịnh nên có cái nhìn thoáng hơn để nhạc Trịnh có thể tiếp cận với thế hệ mới.
Hơn nữa theo tôi, trong cuộc sống luôn có qui luật đào thải, nếu nhạc Trịnh phá cách không thành công xã hội sẽ biến nó thành những âm hưởng của dĩ vãng, nhưng nếu thành công thì đó sẽ là những mầm sống mới cho dòng nhạc được coi là cây cổ thụ của nền âm nhạc VN. Rất mong có nhiều nghệ sĩ hay tìm tòi sáng tạo hơn nữa để nhạc Trịnh sống mãi theo thời gian.
Phạm Xuân Khoa
▪ Kate Moss có thể bị kết án (01/10/2005)
▪ Diễn viên Tea Leoni đến Việt Nam (01/10/2005)
▪ Sốt Harry Potter (01/10/2005)
▪ Britney Spears ‘bán’ con để kiếm 6 triệu USD (29/09/2005)
▪ Jennifer Garner sẽ sinh con gái (29/09/2005)
▪ Mất tiền thật từ thế giới ảo (28/09/2005)
▪ Thị trường tiêu dùng hàng hiệu Trung Quốc sắp bùng nổ (28/09/2005)
▪ Hoa bằng lăng (26/09/2005)
▪ Liên hoan Sân khấu quần chúng TP.HCM lần 16 (28/09/2005)
▪ Đón nắng đoạt HCV tại Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL lần 20 (27/09/2005)