Vị thế của tổ chức CĐ ngày càng bền vững
Các Website khác - 16/01/2006
Quảng Nam:
Vị thế của tổ chức CĐ ngày càng bền vững

Phạm Phú Cường - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam
Quảng Nam là một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, nhưng Đảng bộ và chính quyền các cấp đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh vượt qua những khó khăn, thách thức, để thu được nhiều thành quả đáng khích lệ, tạo ra những bước đi ban đầu vững chắc để xây dựng và phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Đó là công sức của toàn Đảng, toàn dân tỉnh nhà, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ CNLĐ và tổ chức công đoàn.

LĐLĐ Quảng Nam và các cấp công đoàn đã tổ chức vận động CNVC-LĐ tỉnh nhà nỗ lực phấn đấu thực hiện các phong trào hành động cách mạng như: "Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo", phong trào "Liên kết phục vụ nông nghiệp", xây dựng "Cơ quan, đơn vị có đời sống văn hóa tốt", phong trào xây dựng người cán bộ, công chức viên chức: "Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu".v.v... Qua đó đã xuất hiện nhiều đơn vị, cá nhân điển hình tiên tiến có tác dụng thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ mới. Điển hình là phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" đã được các cấp công đoàn đặc biệt quan tâm.

Trong năm 2005 các cấp công đoàn đã phối hợp với chính quyền tổ chức đăng ký giao ước thi đua và đã có 15 công trình, sản phẩm mới được thực hiện với tổng giá trị là 223,140 tỷ đồng/1.300 sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở nhiều lĩnh vực. Trong đó có 49 đề tài được công nhận.

Phong trào sinh hoạt văn hoá
văn nghệ được nữ CN-VC-LĐ
tích cực tham gia
Phong trào thi đua phục vụ nông nghiệp và nông thôn được CNVC-LĐ quan tâm, đã đóng góp tích cực vào việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp-nông thôn. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật là CNVC-LĐ đã trực tiếp tham gia nghiên cứu, ứng dụng các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Bộ mặt nông thôn đã thay đổi đáng kể thông qua các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, bưu điện văn hóa xã, giao thông nông thôn, góp phần cải thiện đời sống nhân nhân, mối quan hệ giữa giai cấp công nhân và nông dân ngày càng được củng cố.

Phong trào "xanh-sạch-đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động" được các cấp công đoàn trong tỉnh hưởng ứng tích cực, được duy trì đều đặn ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển, đã góp phần cải thiện điều kiện làm việc và môi trường lao động, đảm bảo vệ sinh, hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ CNLĐ được tổ chức có nề nếp đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV/AIDS, chống các tệ nạn xã hội.

Phong trào xây dựng "Đơn vị có đời sống văn hóa tốt" đã đi vào nề nếp, được hưởng ứng nhiệt tình, sâu rộng trong CNVC-LĐ và các cấp công đoàn, tạo nên bước chuyển biến quan trọng về tư tưởng, đạo đức và lối sống, góp phần xây dựng đời sống tinh thần cao đẹp.

Phong trào xây dựng công đoàn vững mạnh được chú trọng đặc biệt. Đến năm 2005 đã phát triển được 47.324 đoàn viên công đoàn/70.079 CNVC-LĐ ở 17 LĐLĐ huyện, thị xã và 10 công đoàn ngành với 1.312 công đoàn cơ sở.

Ngoài ra các cấp công đoàn đã hưởng ứng và duy trì phong trào đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động xã hội, từ thiện trong CNVC-LĐ, tổ chức thăm viếng, tặng quà cho gia đình chính sách, thăm mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình neo đơn, người bị tai nạn lao động, CNVC-LĐ gặp hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, CNVC-LĐ trong tỉnh đã ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" trên 3, 810 tỷ đồng, đóng góp xây dựng 338 nhà tình nghĩa với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng, tặng 1.600 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách với số tiền trên 1 tỷ đồng, nhận phụng dưỡng 1.033 mẹ Việt Nam Anh hùng. Phong trào "Xóa nhà tạm" đóng góp trên 1 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động v.v...

Các phong trào do LĐLĐ tỉnh tổ chức và vận động CNVC-LĐ thực hiện đã đi vào chiều sâu, có nề nếp vững chắc. Điều cốt lõi là các cấp công đoàn đã quán triệt được chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, mục tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh và tình hình thực tiễn của phong trào nên đã vận dụng các chức năng của tổ chức công đoàn để tìm ra những nội dung, biện pháp hoạt động thích hợp, chọn những công việc trọng tâm, trọng điểm ở từng thời gian để tổ chức thực hiện. Từng phong trào có kế hoạch cụ thể, có sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời. Cán bộ công đoàn đã trưởng thành, có bề dày kinh nghiệm, luôn sâu sát cơ sở nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Điều quan trọng có tính chất quyết định là có sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp thiết thực với các cấp chính quyền nên phong trào thi đua yêu nước đạt được hiệu quả cao và ngày càng phát triển sâu rộng làm tiền đề cho những năm sắp đến. Trên cơ sở đó, vị thế của tổ chức công đoàn ngày càng khẳng định một cách bền vững.