Hiện cả nước có khoảng 4 triệu người mắc bệnh hen, 11% trong số đó là học sinh dưới 15 tuổi. Giáo sư Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội Hen, Dị ứng đã cho biết như vậy trong cuộc họp về bệnh hen ngày 25/4.
Ông An cũng cho biết, TP HCM mỗi năm tiêu tốn trung bình 108 triệu USD cho điều trị hen. Địa phương này cũng bị tổn thất 300.000 ngày công lao động/năm do điều trị kém hiệu quả. Tại Hà Nội, chi phí điều trị cho mỗi bệnh nhân hen là 800 USD/năm. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những thiệt hại do hen gây ra còn lớn hơn mức phí tổn của các bệnh HIV/AIDS và lao cộng lại.
Hen là một trong những căn bệnh phổ biến nhất trên thế giới, tỷ lệ tử vong cao. Theo thống kê của WHO, số bệnh nhân hen chiếm 4-12% dân số mỗi nước; cả thế giới hiện có khoảng 160 triệu người mắc bệnh này (trong đó, 10-12% là trẻ dưới 15 tuổi). Tại một số nước như Mỹ, Anh, Pháp, tỷ lệ tử vong do hen là 40-60/1 triệu dân.
Khó khăn lớn nhất trong điều trị hen là người dân còn thiếu nhiều thông tin về bệnh và không đến khám tại các cơ sở y tế. Bệnh nhân, gia đình và xã hội cũng chưa quan tâm đúng mức đến các biện phòng chống bệnh, xem nhẹ hậu quả và nguy cơ của bệnh.
Để hưởng ứng ngày Hen toàn cầu 6/5, Chương trình Chống hen Thế giới (GINA) đã đề ra phác đồ 4 bậc để điều trị căn bệnh này. Trong đó, quan trọng nhất là giáo dục người bệnh, tiếp đến là đào tạo thầy thuốc, điều dưỡng viên; xây dựng mạng lưới phòng chống hen các cấp; lồng ghép việc chống hen với các chương trình phòng chống lao và nhiễm trùng đường hô hấp cấp. Về dùng thuốc, hiện thuốc chống viêm dạng hít becotide, pulmicort được coi là dược phẩm điều trị dự phòng có hiệu quả nhất. Thuốc giãn phế quản (ventolin, bricanyl) chỉ có tác dụng cắt cơn hen.
GINA cũng khẳng định có thể kiểm soát và điều trị hoàn toàn bệnh hen nếu đạt được 6 tiêu chuẩn:
- Không có biểu hiện của bệnh.
- Không phải nhập viện.
- Hầu như không phải dùng thuốc cắt cơn.
- Làm việc bình thường.
- Chức năng hô hấp gần như bình thường.
- Không có tác dụng phụ do thuốc.
▪ Heroin, AIDS lên web (08/04/2003)
▪ Bom nổ chậm của Châu Á (13/10/2002)
▪ Những đứa trẻ trong vòng vây tội lỗi (18/01/2003)
▪ Báo động lây nhiễm HIV/AIDS (13/01/2003)
▪ AIDS - mối đe dọa lớn cho sự ổn định toàn cầu (28/11/2002)
▪ Thành lập Trung tâm Chăm sóc bệnh nhân AIDS (25/11/2002)
▪ Nỗi xấu hổ của Châu Á (06/10/2002)
▪ Phát hiện cơ chế kháng virus HIV của các bệnh nhân không bị AIDS (03/10/2002)
▪ HIV "treo" đầu làng (25/09/2002)
▪ Giới trẻ Nhật thích "quan hệ bừa bãi" (22/09/2002)