HIV "treo" đầu làng
Các Website khác - 25/09/2002
HIV "treo" đầu làng

Bác sĩ Hồ Sĩ Biên - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ (Quảng Trị) - nói: "Nguy cơ lây lan HIV/AIDS ở vùng Cùa là vô cùng nguy hiểm, không lường trước được hậu quả. Đấy thực sự là một điểm nóng, cần được quan tâm thích đáng của toàn xã hội". Tôi phóng xe đi đến làng xa nhất của Cùa có cái tên hơi lạ: Hoàn Cát. Cơ sở giáo dục Hoàn Cát (trước là trại giam phạm nhân) - nơi có gần 400 con người đã được phát hiện nhiễm HIV toạ lạc tại đây.


Trên những vùng đồi mênh mông thế này,
các chị đi hái củi đã gặp... những trại viên
Hái củi đổi... "chuyện ấy"
Từ khoảng đầu năm 1997, trại giam Hoàn Cát được chuyển thành Cơ sở Giáo dục Hoàn Cát trực thuộc V26 (Bộ Công an). Lúc cao nhất, tại đây có gần 1.500 trại viên, chủ yếu là thanh niên các tỉnh phía bắc được đưa vào trại, không ít trong số đó bị nghiện ngập, dính ma tuý... Là cơ sở giáo dục nên các trại viên vẫn đi lao động sản xuất trong rừng, vẫn giao tiếp với cư dân địa phương ở đó. Đã có nhiều chị em ở các xã Cam Nghĩa, Cam Chính... quan hệ với các phạm nhân (hoặc trại viên) sinh con đẻ cháu đề huề. Ông Trương Công Hai - Trưởng thôn Hoàn Cát - đưa bàn tay lên bấm đốt, rồi quả quyết với tôi: Đến thời điểm này, riêng thôn tui đã có 12 cháu là con của "trại Hoàn Cát", có chị 5 đứa con thì đã có đến 3 đứa là con của trại viên, có chị chừ đã lên chức mệ ngoại, cháu ngoại mà những đứa cháu của họ nghe nói cũng là con của trại viên. Trong khi mệ ngoại mới ngoài 40 vẫn "quan hệ" với trại viên, nhưng may là mới rồi đã vận động được mệ thực hiện đình sản. Bầy tui lo lắm. Chị em đây thì hoặc là goá bụa, hoặc là quá lứa lỡ thì, đời sống kinh tế quá nheo nhóc, khổ cực, sống chủ yếu bằng nghề hái củi ở trong rừng; trong khi đa phần các trại viên đều là thành phần lắm của nhiều tiền nên họ "mua" dễ lắm. Tui nghe kể vào rừng lấy củi, chị em gặp trại viên, họ lấy củi giúp, chị em được nghỉ, sau đó "cho lại" trại viên rồi về... Như rứa là nguy hiểm quá, phải không? Mần răng mà dám chắc những phạm nhân, trại viên đó đều là những người "khoẻ mạnh" trong khi số người bị nhiễm HIV đã được phát hiện ở trại Hoàn Cát lên đến hàng trăm? Còn số người ở "giai đoạn cửa sổ" nữa thì nguy hiểm biết mấy...

Kim tiêm và bột trắng
Phó Trưởng Công an xã Cam Nghĩa, anh Nguyễn Văn Hoán, đưa tôi đi "thực địa" dưới tán rừng caosu sau nhà ông Lâm ngay ngã tư đường vào trại Hoàn Cát. Anh bảo: Ngay tại những gốc caosu này đây, chúng tôi đã nhiều lần phát hiện các trại viên ở Hoàn Cát chích hút, họ bỏ chạy, để lại kim tiêm và những gói bột màu trắng. Theo tài liệu còn lưu giữ tại chính quyền xã Cam Nghĩa thì chỉ mới trong 2 năm gần đây, công an thôn Hoàn Cát và xã Cam Nghĩa đã phát hiện được 6 vụ trại viên Hoàn Cát chích hút dưới rừng caosu sát nhà dân. Riêng năm 2001, người dân và công an địa phương đã phát hiện được 4 vụ với tang chứng hẳn hoi. Anh Hoán kể: Sau khi phát hiện được 12 ống tiêm bên trong có nước màu đen còn sót lại, tôi đã cùng với đồng chí Bông - Phó Trưởng Công an huyện - mang vào tận trại để làm việc với đồng chí Tâm - Phó trại. Rồi những lần sau nữa, không chỉ ống kim tiêm mà còn có cả những tép, gói bột màu trắng mà chúng tôi nghi là heroin. Những lần sau này, chúng tôi mang thẳng về công an huyện để giao nộp, báo cáo chứ không vào trại nữa.

Anh Hoán nói: Tôi xin khẳng định là đến thời điểm này, thanh niên địa phương không có ai tham gia chích hút. Do vậy, ống kim tiêm và những gói bột màu trắng trong rừng caosu là của trại viên, chứ không thể chối cãi hoặc đổ cho ai khác. Do không quản lý chặt, thậm chí thả nổi nên tiền bạc, ma tuý mới vào được tận tay trại viên, họ mới chích hút. Nhiều trại viên đã đưa tiền, vàng cho người dân xã tôi nhờ móc nối tìm mua ma tuý. Chúng tôi đang theo dõi để tìm cho được "đường dây" nào đã cung cấp ống kim tiêm, thuốc... cho trại viên. Nói đoạn, anh dừng lại, rồi à lên một tiếng rõ to: Vừa rồi, xã có nhận được một giấy báo nhận bưu phẩm từ Hà Nội gửi vào cho chị Nguyễn Thị T ở làng Hoàn Cát. Vì biết rằng, chị T là một phụ nữ không chồng, nhưng đã có con với trại viên Hoàn Cát nên chúng tôi rất thận trọng. Tôi cùng đại diện của trại và chị T ra bưu điện để công khai nhận bưu phẩm, sợ người ta lợi dụng địa chỉ của bà con địa phương để gửi "hàng trắng". Tại đó, gói hàng chị T đã được nhận sau khi kiểm tra, còn số tiền trên 500 ngàn đồng đã được gửi trả lại cho người gửi (mà chị T cũng chỉ nhớ láng máng)... Tôi biết, có những quán xá tại địa bàn này đã cho các trại viên "mượn đường liên lạc" và có những biểu hiện tiếp tay cho những nhu cầu chích hút, hoặc là quan hệ tình dục... Nhưng do chưa có chứng cứ cụ thể và quả tang nên... chưa làm gì được.

"Đi củi - nhớ mang bao caosu"
Nghe tôi trình bày mối quan tâm của mình về "vấn nạn Hoàn Cát", chị Nguyễn Thị Loan - y sĩ đa khoa, Trưởng trạm Y tế xã Cam Nghĩa - mở nhanh cuốn sổ tay rồi đọc cho tôi toàn những con số mà mới nghe qua thôi đã thấy... HIV ngọ nguậy đâu đó xung quanh: "Kết quả điều tra cộng đồng mới đây nhất, cả xã có 7 chị có con, nhưng không chồng, thừa nhận có quan hệ với trại viên Hoàn Cát, trong số đó đã vận động được 3 chị thực hiện đình sản. Nhưng mà, đình sản cũng chỉ là để thôi đẻ thêm con, còn hiểm nguy bệnh tật lây lan qua đường tình dục thì phải dùng bao caosu mới được. Chúng tôi động viên chị em nhận bao caosu để dùng, nhưng người nhận người không vì sợ xấu hổ, có người nhận rồi nhưng ít hôm sau gặp lại, hỏi đã dùng hết chưa, thì cười ngỏn ngoẻn: Đi củi có nhớ mô mà cầm theo... Đó anh coi, trình độ văn hoá thấp, nhận thức về... "cái chết" một cách lạc hậu như vậy thì sao không hiểm nguy!".

Ông Hồ Sĩ Biên - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ - tỏ ra "rất mất bình tĩnh" khi nói về hiểm nguy lây lan HIV ở Hoàn Cát. Ông nói: Hiện ở Cam Nghĩa và Cam Chính đang được triển khai cùng lúc hai chương trình dự án cấp quốc gia về phòng chống HIV/AIDS. Chúng tôi liên tục tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo ngay tại làng Hoàn Cát. Không có con đường nào tốt hơn là tăng cường truyền thông giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi. Dĩ nhiên, làm thay đổi hành vi của một cộng đồng có nhận thức thấp là rất khó. Đầu năm 2002, các tổ chức chuyên ngành đã tiến hành xét nghiệm máu cho nhiều đối tượng ở vùng Cùa, riêng xã Cam Nghĩa đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho trên 30 đối tượng. Kết quả con số cụ thể thì chưa được công bố, nhưng tôi xin nói một cách thận trọng rằng nguy cơ lây nhiễm HIV ở Hoàn Cát là nhiều khả năng xảy ra và hậu quả là không lường trước được. Tôi hỏi: Thưa bác sĩ, phải làm gì để ngăn chặn mối hiểm nguy đó? - Rất khó. Từ góc độ chuyên môn, chúng tôi cho rằng việc quản lý số trại viên đã có "tên trong danh sách" là tương đối dễ, nguy hiểm nằm ở chỗ những trại viên nghiện ngập, chích hút... nhưng chưa được phát hiện. Tôi đang đề nghị trại Hoàn Cát phải tổ chức khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/ lần cho tất cả trại viên với đầy đủ các loại xét nghiệm theo đúng tinh thần của Nghị định 32/CP ngày 14.4.1997 của Chính phủ và các thông tư liên bộ. Đó cũng là cách để phát hiện, khoanh vùng sớm đối tượng bị nhiễm HIV.

Rời vùng Cùa mênh mông badan của hồ tiêu, caosu tôi không sao quên được giọng nói đầy nước mắt của anh Lê Văn Thanh - Chủ tịch xã Cam Nghĩa: Sau ngày đất nước hoà bình, Cam Nghĩa nổi tiếng thế giới vì hậu quả chất độc da cam với hàng trăm nạn nhân dở sống dở chết, dở người dở ngợm. Nay lại thêm mối đe doạ HIV nữa. Đất đai có chuyện gì đó chăng? Nếu trại Hoàn Cát ở bên cạnh vài, 5 năm thì cũng gắng mà chịu, chứ còn vĩnh viễn thế này e là...