Bệnh bò điên (BSE), virus Tây sông Nile và bây giờ là bệnh SARS, không chỉ là những căn bệnh của từng vùng, từng địa phương nữa. Chúng đang tạo nên lịch sử. Đây là sản phẩm của thế hệ chúng ta, một thế hệ của toàn cầu hóa, của công nghiệp hoá đến từng lối sống và của ô nhiễm toàn cầu. Chẳng ai biết được, các căn bệnh đó có phải là tất cả, hay mới chỉ là một phần nổi của một tảng băng trôi. Liệu trong tương lai gần, 5 năm, 10 năm, hoặc chỉ là năm sau, hiểm hoạ nào lại xuất hiện để thử thách lòng can đảm của con người?
Tạo vật được cưng chiều nhất của Thượng Đế
![]() |
Theo Kinh thánh, con người vốn được tạo ra sau muôn loài. Thế nhưng, loài động vật bậc cao này lại được Chúa ưu đãi nhất. Trải qua hàng nghìn năm, thiên nhiên cũng ưu đãi con người không kém. Mọi chuyện bắt đầu khác đi vào đầu thế kỷ 19, khi mà con quái vật công nghiệp nặng bắt đầu vung vẩy chiếc vòi bạch tuộc gớm ghiếc của nó vào rừng sâu, chọc giận Tự nhiên.
Con người hiện đại đang đẩy hệ sinh thái học đến giới hạn cuối cùng của nó. Chính chúng ta làm dịch chuyển tự nhiên, thay đổi môi trường sống của các loài động vật. Đưa chúng từ rừng về vườn thú. Cho động vật ăn cỏ dùng món thịt băm. Cùng dùng bữa với một con vật nuôi kì quặc nhập từ nước ngoài. Và cuối cùng, chúng ta xới tung cả trái đất lên để tìm kiếm nhiên liệu cho xe hơi, tàu thuỷ và máy bay.
Con người có mặt ở mọi nơi và ''nhúng mũi'' vào mọi thứ. Hậu quả, các căn bệnh từ trước chỉ có ở trên động vật, thì bây giờ quay sang chọn con người làm mục tiêu chính.
Hãy thử dõi theo SARS, một căn bệnh đang là thời sự của thế giới. Theo nghiên cứu mới nhất, SARS có khởi nguồn từ con cầy hương, một món ăn rất được ưa chuộng tại Trung Quốc. Như một quy luật nhân - quả, đất nước này cũng là nơi phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Có người nói, Thượng Đế đã nổi giận khi thấy tạo vật được cưng chiều nhất của Người đang phá huỷ thế giới.
![]() |
Châu Phi, nơi căn bệnh AIDS hoành hành dữ dội nhất. |
Thế nhưng, SARS mới chỉ đưa khoảng chừng trên 770 sinh mạng sang bên kia thế giới. Con số này còn kém xa so với danh sách nạn nhân của một đại dịch khác, HIV-AIDS. Gần 20 triệu con người đã chết vì loại virus có khởi nguồn từ con tinh tinh. Thật đau buồn khi hầu hết các nạn nhân của đại dịch này lại là những người thuộc lục địa đen, nơi nghèo nhất thế giới. Có lẽ cái nghèo cũng là nguyên nhân khiến cho chính phủ các nước châu Phi bất lực trong việc kiểm soát căn bệnh này. Theo tính toán, trong 17 năm tới, sẽ có khoảng 55 triệu người châu Phi chết vì AIDS.
Có lẽ Thượng đế đã chưa muốn dừng bàn tay trừng phạt của Người lại ở đó. Căn bệnh cúm gà bùng phát từ Hà Lan, mang theo gần 100 người bị nghi ngờ là có liên quan. 18 triệu con gà ''kiểu dáng'' công nghiệp của đất nước hoa Tu-lip lập tức được tiêu diệt để trừ hậu hoạ cho con người.
''Không có gì tự nhiên sinh ra. Không có gì tự nhiên mất đi''.
Câu nói này có lẽ đúng với tất cả các chủng loại virus. Chúng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác phức tạp hơn để ''hù doạ'' con người. Không một ai biết virus Tây sông Nile có phải là sản phẩm của Thượng Đế hay không. Chỉ biết rằng số nạn nhân đã tử vong của nó tại Mỹ là 284 người và hàng nghìn người bị lây nhiễm khác. Cũng không biết vì lý do gì mà chỉ có Mỹ và một vài tỉnh của Canada mới bị ảnh hưởng bởi virus Tây sông Nile.
Các chuyên gia cho rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu có lẽ là nguyên nhân chính thúc đẩy loại virus này phát triển một cách rầm rộ đến như vậy.
Hantavirus, ebola và một vài dạng virus khác cũng chỉ là số ít những căn bệnh ''bị'' hy vọng sẽ tấn công con người trong một tương lai chẳng xa xôi gì. Trên thực tế, trong vòng có 30 năm trở lại đây, đã có hơn 35 loại virus gây bệnh được phát hiện. Số nạn nhân chết vì virus hiện đại ở nước Mỹ cũng đã tăng gấp đôi so với thời điểm năm 1980. Thật lạ lùng, 3 phần 4 trong số các loại virus hiện đại đó có khởi nguồn từ động vật.
![]() |
Bệnh bò điên đang làm Châu Âu chao đảo. |
Chúng ta đang phải trả giá cho chính hành động của chúng ta. Nói cách khác, con người đang là nạn nhân của con người. Các chuyên gia môi trường cho rằng chúng ta đang sống trong thời điểm khủng hoảng nhất của bệnh dịch. Mỗi khi con người tiến sâu hơn vào rừng già, đẩy muôn loài đến lằn ranh của diệt chủng, thì một căn bệnh mới lại xuất hiện. Chúng cứ như vũ khí bí mật của hệ sinh thái, tiêu diệt kẻ xâm lấn, bảo vệ ''chính nghĩa rừng già''. Mỗi khi con người thay thế hoang mạc tự nhiên bằng những dẫy chuồng trại san sát, thì cũng là lúc Tự nhiên cau mày nổi giận, trả lời bằng thiên tai, đại dịch.
Thuyết nhân - quả và những điều chúng ta có thể thay đổi
Không nghi ngờ gì về các giá trị đích thực mà con người đã tạo ra cho chính họ. Tiến trình phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá của con người luôn cần vật hy sinh. Không thể hy sinh chính mình, con người đành đưa Tự nhiên ra làm vật tế thần, mặc dù như thế chẳng khác nào việc đánh bom tự sát của mấy tay khủng bố cuồng tín.
Thế nhưng, giống như lời một người đốt rừng: ''Ô nhiễm thì có thể 10 năm tôi mới chết. Nhưng không có thức ăn thì các con tôi sẽ chết ngay ngày mai''.
Có một số điều chúng ta thay đổi được. Nhưng có một số điều khác chúng ta không thể thay đổi. Người theo thuyết nhân-quả thì luôn cố gắng làm nguôi cơn giận của Tự nhiên bằng mọi cách có thể: ngăn chặn việc buôn bán động vật hoang dã, phòng chống cháy rừng triệt để, bảo vệ thiên nhiên... và vô số hoạt động khác.
Người có chút đức tin thì chỉ biết cầu cho trái đất thoát khỏi sự trừng phạt của Thượng đế một cách an lành. Biết đâu, giống như Đức Phật có dạy rằng: ''Từ bi hỷ xả'', có một ngày con người sẽ trở lại với vị trí là một tín đồ ngoan ngoãn của Tự nhiên.
(Mạnh Trường - Theo ENN)
▪ Heroin, AIDS lên web (08/04/2003)
▪ Bom nổ chậm của Châu Á (13/10/2002)
▪ Những đứa trẻ trong vòng vây tội lỗi (18/01/2003)
▪ Báo động lây nhiễm HIV/AIDS (13/01/2003)
▪ AIDS - mối đe dọa lớn cho sự ổn định toàn cầu (28/11/2002)
▪ Thành lập Trung tâm Chăm sóc bệnh nhân AIDS (25/11/2002)
▪ Nỗi xấu hổ của Châu Á (06/10/2002)
▪ Phát hiện cơ chế kháng virus HIV của các bệnh nhân không bị AIDS (03/10/2002)
▪ HIV "treo" đầu làng (25/09/2002)
▪ Giới trẻ Nhật thích "quan hệ bừa bãi" (22/09/2002)