(VietNamNet) - Việc quản lý và chăm sóc cho người nhiễm HIV còn rất nhiều nan giải. Các khảo sát cho thấy, chỉ có khoảng 45-60% số người nhiễm HIV được quản lý. Tỷ lệ người nhiễm HIV còn lại khai tên, địa chỉ giả hoặc bỏ đi nơi khác mà không kiểm soát được, làm cho HIV lây lan chóng mặt trong cộng đồng... Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu đã đưa ra những con số báo động trên khi thuyết trình về phòng chống tệ nạn xã hội và hiểm hoạ HIV/AIDS.
![]() |
(Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ) |
Cũng trong bản thuyết trình được trình bày sáng nay (3/5) tại Quốc hội, bà Hoài Thu cho biết, HIV/AIDS đang chực bùng phát ở nước ta. Tính đến hết ngày 31/3 năm nay, tổng số người nhiễm HIV trên toàn quốc lên tới trên 63.000 trường hợp, lan rộng ở tất cả 61 tỉnh thành, gần 70% số huyện và 60% số xã trong cả nuớc...
Kể từ khi dịch HIV bùng phát ở Việt Nam, số người nhiễm HIV tăng lên 5 lần. Thậm chí ở một số địa phương tăng lên từ 8 đến 10 lần. Tỷ lệ nhiễm HIV so với dân số tăng lên 10 lần. Điều đáng lo ngại là số nhiễm HIV đang tăng mạnh trong nhóm dân số trẻ. Nếu như năm 1997, người nhiễm HIV ở nhóm 20-29 tuổi chiếm 29% thì đến năm 2002 nhóm này hiện tăng lên 61%.
Bên cạnh đó, toàn quốc có tới gần 400 cán bộ có nguy cơ nhiễm HIV do rủi ro nghề nghiệp và nhiều nơi vẫn thiếu thuốc điều trị kịp thời. Hầu hết ở các nơi này lượng thuốc dự phòng chỉ đáp ứng được 1/2 nhu cầu cho người đã nhiễm bệnh.
Ngân sách 1 năm chỉ đủ điều trị cho... 30 bệnh nhân
Khảo sát của Uỷ ban Các vấn đề xã hội cho thấy, hiện ngân sách nhà nước dành 2,8 tỷ /năm để đảm bảo thuốc điều trị HIV/AIDS cho cả nước. Nhưng số tiền này chỉ đủ để điều trị cho 30 bệnh nhân AIDS/năm theo giá thuốc nhập khẩu và cho khoảng 210 bệnh nhân theo giá thuốc Việt Nam trong khi theo dự báo, năm 2003 sẽ có thêm 8.000 bệnh nhân AIDS mới.
Một bất cập nữa kìm hãm công tác phòng chống tệ nạn xã hội và HIV/AIDS là ngay bản thân việc phòng chống còn thiếu và chưa được quản lý hiệu quả, trong khi xã hội hoá những hoạt động này còn hạn chế. Bộ máy phòng chống HIV/AIDS và chống tệ nạn xã hội chưa đủ mạnh và thiếu thống nhất. Một số quy định pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc, một số văn bản pháp luật có liên quan cũng cần sửa đổi lại vì không phù hợp.
Ma tuý, mại dâm vừa tăng vừa biến tướng
Số người nghiện ma tuý, mại dâm ngày càng gia tăng trong khi công tác cai nghiện vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tính đến cuối năm 2002, cả nước nắm được 142.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý , tăng 28.098 người so năm 2001, tức khoảng gần 25%. Đáng lo ngại hơn là ma tuý tổng hợp đã xuất hiện tại hầu hết các tỉnh. Chỉ vài năm sau khi thâm nhập Việt Nam, ma tuý tổng hợp đã làm cho số người nghiện ma tuý tăng thêm lên hàng chục lần. Chính vì vậy, bà Hoài Thu khẳng định, ''nếu không có những giải pháp đấu tranh từ Chính phủ, Quốc hội thì chắc chắn số người nghiện sẽ tăng đột biến hơn nữa''.
Hoạt động mại dâm vừa tăng vừa... biến tướng, trá hình dưới nhiều hình thức tinh vi. Tính đến cuối năm 2002, số đối tượng bán dâm ước tính hơn 50 nghìn người. Trong đó, gần 17.000 người mới lập hồ sơ quản lý, tăng 18% so với 2001. Số gái mại dâm ở tuổi vị thành niên ở một số địa phương tăng 10%. Tỷ lệ mại dâm vẫn diễn biến phức tạp và đang lay lan đến các vùng ven đô, các khu công nghiệp, dọc đường giao thông chính... Riêng năm 2002, các cơ quan hữu trách đã khởi tố hơn 800 vụ mới với 1.100 bị can về tội chứa mại dâm, 12 vụ mua dâm trong đó là người chưa thành niên.
Trên cơ sở đưa ra những bằng chứng về sự nguy cấp của các tệ nạn xã hội, bà Hoài Thu đề nghị với Quốc hội, Chính phủ và các địa phương 13 giải pháp cần làm ngay của Uỷ ban Các vấn đề xã hội.
▪ Heroin, AIDS lên web (08/04/2003)
▪ Bom nổ chậm của Châu Á (13/10/2002)
▪ Những đứa trẻ trong vòng vây tội lỗi (18/01/2003)
▪ Báo động lây nhiễm HIV/AIDS (13/01/2003)
▪ AIDS - mối đe dọa lớn cho sự ổn định toàn cầu (28/11/2002)
▪ Thành lập Trung tâm Chăm sóc bệnh nhân AIDS (25/11/2002)
▪ Nỗi xấu hổ của Châu Á (06/10/2002)
▪ Phát hiện cơ chế kháng virus HIV của các bệnh nhân không bị AIDS (03/10/2002)
▪ HIV "treo" đầu làng (25/09/2002)
▪ Giới trẻ Nhật thích "quan hệ bừa bãi" (22/09/2002)