Không nên quá tin kết quả chẩn bệnh bằng que thử nhanh
Các Website khác - 18/06/2003

Trên thị trường hiện có rất nhiều loại que thử có chức năng chẩn đoán bệnh chỉ trong vài phút (như que thử phát hiện bệnh tiểu đường, nhiễm HIV, nghiện ma túy...). Tuy nhiên, những dụng cụ này không phải bao giờ cũng cho kết quả chính xác.

Giáo sư Mai Thế Trạch (Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM) cho biết, hiện phương pháp đoán tiểu đường bằng que thử nước tiểu ít được các bác sĩ áp dụng, trừ trường hợp bệnh nhân cần được theo dõi đường huyết thường xuyên, bệnh nhân là người già hoặc không có khả năng đo đường huyết. Nếu phải thử bằng nước tiểu, để đảm bảo chính xác, bệnh nhân phải lấy thử vào lúc sáng sớm, khi bụng đói. Nếu không, kết quả sẽ không đảm bảo sự chính xác.

Về que thử HIV/AIDS, tiến sĩ Trương Xuân Liêm, Trưởng khoa Xét nghiệm Viện Pasteur TP HCM, cho biết, Viện từng khuyến cáo bệnh nhân không nên tự chẩn đoán HIV/AIDS bằng các dụng cụ này vì chúng có thể cho kết quả không đúng. Một người chỉ được khẳng định là nhiễm HIV khi có kết quả dương tính trong cả 3 lần xét nghiệm với 3 loại sinh phẩm khác nhau. Những phép thử này phải được thực hiện tại một cơ sở y tế có phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn.

Còn để xác định một người có dùng ma túy hay không, theo thạc sĩ Huỳnh Tấn Sơn, chuyên viên về ma túy thuộc Sở Y tế TP HCM, không nên chỉ căn cứ vào kết quả thử bằng que mà phải dựa vào cả lối sống và sự biến đổi cơ thể của người đó nữa. Hiện nay, phương pháp chẩn đoán nghiện ma túy chính xác nhất là xét nghiệm tìm morphine trong máu.