(Vietnam Net) - Tại buổi làm việc sáng nay 27/5 với Ban VHXH-HĐND TP.HCM về tình hình các Trung tâm Bảo trợ Xã hội (BTXH), bà Võ Bạch Tuyết - Giám đốc Sở LĐTB-XH cho biết, từ tháng 8/2002 đến tháng 4/2003 Sở đã phối hợp với công an thành phố, quận huyện triển khai tập trung hơn 700 đối tượng xã hội lang thang xin ăn, sống vỉa hè, nơi công cộng...
Hiện Sở LĐTB-XH đang quản lý 11 Trung tâm Bảo trợ Xã hội thuộc sở; tổng số đối tượng là 5.892 người, trong đó trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng 1.261 cháu; trẻ em chưa ngoan 465 em; người già, tàn tật, lang thang ăn xin 2.915 người; người bệnh tâm thần lang thang 1.149 người... |
Sau khi tiếp nhận tập trung các đối tượng do quận, huyện chuyển giao, Sở LĐTB-XH quản lý, phân loại đối tượng sức khoẻ, diện khuyết tật... để có hướng xử lý phù hợp. Số người trong diện bảo trợ theo quy định thì tiếp tục được nuôi dưỡng tại các Trung tâm BTXH; số người còn gia đình thân nhân, trong độ tuổi lao động... Sở LĐTB-XH thành phố phối hợp với Sở LĐTB-XH các tỉnh đưa về quê. Tính đến tháng 5, thành phố đã chuyển về 12 tỉnh, thành 201 người. Thành phố hỗ trợ tiền thuê xe, tiền ăn cho đối tượng trong quá trình chuyển về địa phương.
Theo chỉ đạo của Thành uỷ, đến năm 2005 thành phố cơ bản giải quyết hết tình trạng lang thang xin ăn, sống vỉa hè, nơi công cộng... Đến thời điểm này, Sở LĐTB-XH cùng nhiều ngành chức năng liên quan đang từng bước thực hiện. Tuy nhiên cái khó hiện nay, theo bà Võ Bạch Tuyết chưa có Luật xử lý những "kẻ" lợi dụng bắt trẻ em hay những người tàn tật đi ăn xin. Hiện nay hành vi "giả dạng" ăn xin có rất nhiều như trường hợp: những đứa trẻ ăn mặc rất đẹp hay những ông già mặc áo cà sa để đi... ăn xin, hoặc có những trường hợp bị bắt 2-3 lần, khi thả ra lại "chứng nào tật ấy". Vì vậy khi thu gom các đối tượng xã hội về, Sở sẽ sàng lọc, răn đe đối với những trường hợp có "hành vi giả dạng ăn xin" này và giao cho Thanh niên Xung phong quản lý.
Để giải quyết căn bản vấn đề đối tượng các tỉnh, thành vào thành phố lang thang, ăn xin, sống ở vỉa hè, nơi công cộng, Sở LĐTB-XH đã xây dựng đề án "Tổ chức hồi gia, hồi hương định cư, sản xuất tạo việc làm cho đối tượng BTXH tại các Trung tâm Xã hội nhằm hạn chế nạn lang thang xin ăn, sống vỉa hè, nơi công cộng trên địa bàn thành phố" và sẽ trình UBND thành phố xem xét.
"Cần việc làm cho gần 1.000 đối tượng trong độ tuổi lao động"
Bà Võ Bạch Tuyết cho biết, từ năm 2002 đến nay, các Trung tâm BTXH đang quản lý gần 6.000 đối tượng, trong đó có đến 1.000 người đang ở độ tuổi lao động. Đối tượng này thường không có việc làm, có một số là gái mại dâm đứng đường, một số kết thành băng nhóm nên Trung tâm quản lý rất khó. Bức xúc nhất hiện nay là giải quyết việc làm cho đối tượng trong độ tuổi lao động. Theo chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, sẽ chọn một địa phương điểm thực hiện hồi hương và có hỗ trợ họ học, công ăn việc làm.
Trong khi các Trung tâm tiếp nhận thường xuyên quá tải do người tỉnh thành vào thành phố lang thang xin ăn, sống ở vỉa hè, nơi công cộng ngày càng tăng thì cơ sở vật chất ở đây ngày càng xuống cấp, có nơi đã được xây dựng cách đây 20 năm! Trước tình hình đó, trong năm 2003, Sở LĐTB-XH đã lập dự án và trình UBND thành phố phê duyệt như: dự án Trung tâm điều dưỡng Tâm thần tại huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương, mở rộng Trung tâm BTXH Tân Hiệp và dự kiến xây dựng 1 Trung tâm Hỗ trợ Xã hội để trung chuyển đối tượng lang thang Campuchia...
Bà Trần Thị Thanh Diệu - Trưởng ban VHXH-HĐND TP.HCM cho biết, kỳ họp HĐND sắp tới sẽ có thẩm định lại vấn đề này. UBND sẽ có tờ trình chính sách hỗ trợ các Trung tâm BTXH. Tuy nhiên trong các chính sách trợ cấp sinh hoạt cho các đối tượng xã hội, trại viên 150.000 cần xem lại, có nên bình quân với tất cả các đối tượng cần chăm sóc hay không? Chăm sóc người tâm thần 150.000 mà người cai nghiện, gái mại dâm... cũng 150.000 đồng!
Theo đề nghị về chế độ, chính sách của Sở LĐTBXH, chế độ phụ cấp độc hại lây nhiễm từ 220.000 -300.000 đồng/người/tháng; chế độ trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân HIV từ 20.000-30.000 đồng/người/tháng; trợ cấp sinh hoạt phí cho đối tượng xã hội, trại viên nâng từ 150.000 đồng/người/tháng lên 180.000 đồng/người/tháng.
Cam Lu
▪ Heroin, AIDS lên web (08/04/2003)
▪ Bom nổ chậm của Châu Á (13/10/2002)
▪ Những đứa trẻ trong vòng vây tội lỗi (18/01/2003)
▪ Báo động lây nhiễm HIV/AIDS (13/01/2003)
▪ AIDS - mối đe dọa lớn cho sự ổn định toàn cầu (28/11/2002)
▪ Thành lập Trung tâm Chăm sóc bệnh nhân AIDS (25/11/2002)
▪ Nỗi xấu hổ của Châu Á (06/10/2002)
▪ Phát hiện cơ chế kháng virus HIV của các bệnh nhân không bị AIDS (03/10/2002)
▪ HIV "treo" đầu làng (25/09/2002)
▪ Giới trẻ Nhật thích "quan hệ bừa bãi" (22/09/2002)