Mục tiêu ngày 1.5 vẫn rất nóng hổi
Các Website khác - 30/04/2006

Mục tiêu ngày 1.5 vẫn rất nóng hổi
Đan Tâm

Ngày Quốc tế lao động 1.5 được khơi nguồn từ Lời kêu gọi nhân thành lập Quốc tế Cộng sản I (1861), được hình thành bằng cuộc đấu tranh rầm rộ của 34 vạn công nhân Chicago (Mỹ) và các khu công nghiệp nước Mỹ (1.5.1886) và bằng Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản II lấy làm Ngày biểu dương lực lượng và đoàn kết của giai cấp vô sản toàn thế giới, đến nay vừa tròn 120 năm.

Từ đó đến nay tinh thần và mục tiêu ngày 1.5 luôn là động lực to lớn thúc đẩy giai cấp công nhân, người lao động đứng lên đấu tranh chống áp bức ở tất cả các nước trên toàn thế giới. Hàng trăm triệu công nhân, lao động từ chỗ phải làm việc cho chủ tư bản theo kiếp khổ sai, tiền lương rẻ mạt, đầu tắt mặt tối, điều kiện lao động nguy hiểm, tồi tệ, đã giành được quyền có việc làm và thời gian lao động không bị kéo dài 10-12 giờ, thậm chí 14-16 giờ một ngày như trước.

Ở một số nước tư bản phát triển Âu - Mỹ, do trình độ kỹ thuật và công nghệ được hiện đại hoá, kiến thức và trình độ công nhân được nâng cao, lại có tổ chức công đoàn làm chỗ dựa và đối trọng với giới chủ, nên buộc phải có luật lao động, trong đó có quy định làm việc 8 giờ trong một ngày, 6 ngày trong một tuần. Nhưng trong thực tế, các thành quả tranh đấu của giai cấp công nhân chỉ được thực hiện trong một số xí nghiệp nhà nước và các xí nghiệp hiện đại, tập trung đông công nhân.

Do vậy, việc làm và chế độ làm việc 8 giờ một ngày vẫn đang là khát vọng thời sự nóng hổi đối với giai cấp công nhân và những người lao động trên toàn thế giới. Trước sự tăng tốc của khoa học - công nghệ và thị trường hoá thế giới kéo theo sự dịch chuyển tư bản làm cho nạn thất nghiệp ngày thêm trầm trọng.

Trong số 1,2 tỉ dân thế giới sống dưới mức nghèo khổ, thì trong đó 1/3 là người lao động thất nghiệp và bán thất nghiệp; 246 triệu trẻ em dưới 17 tuổi, bằng 1/6 số trẻ em thế giới, đang bị bóc lột sức lao động. Người lao động tiếp tục bị kéo dài giờ làm việc 10-12 giờ, thậm chí 14-16 giờ/ngày vẫn diễn ra phổ biến, nhất là trong các nước kém phát triển và ở các nước thường xuyên có xung đột vũ trang từ trong nước, hoặc từ nước ngoài can thiệp vào.

Ở nước ta, khẩu hiệu ngày làm việc 8 giờ đã được nêu lên trong Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn AÁi Quốc nhân ngày thành lập Đảng (1930). Trước làn sóng đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, năm 1938, thực dân Pháp buộc phải công bố chế độ làm việc 8 giờ/ngày, nhưng thực tế chỉ được áp dụng trong một số công sở của thực dân - phong kiến.

Sau ngày thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân, ngày làm 8 giờ mới được quy định chính thức và được thực hiện. Song trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, do yêu cầu phục vụ chiến tranh, chế độ làm việc 8 giờ được vận dụng hết sức linh hoạt: Có việc thì làm ngày làm đêm, hết việc nghỉ bù.

Bộ Luật Lao động năm 1994 đã quy định các điều kiện bảo đảm cho người lao động là không quá 8 giờ trong 1 ngày và 48 giờ trong 1 tuần. Nhìn chung đại bộ phận CNLĐ nước ta đã được hưởng chế độ làm việc và nghỉ ngơi theo luật định. Nhưng quyền làm việc và quyền nghỉ ngơi vẫn đang là sự đòi hỏi bức xúc của CNLĐ nước ta, nhất là trong khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế đầu tư của nước ngoài.

Bởi, căn cứ trên hợp đồng lao động (trước đây gọi là khế ước lao động) là điều kiện ràng buộc về quan hệ lao động, thì còn trên 40% số người lao động ở khu vực này chưa được ký kết. Số có thì phần lớn là lao động ngắn hạn, nên quyền lao động không được bảo đảm, kèm theo quyền lợi bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, thời gian làm việc 8 giờ một ngày cũng không được bảo đảm.

Trên 70% số CNLĐ ở khu vực này, đặc biệt là nữ và ngành dệt may, thường phải kéo dài ngày làm việc 10-12 tiếng và hơn, vượt quá quy định của Luật Lao động là không quá 200 giờ trong một năm, nếu người lao động thoả thuận làm thêm. Phần lớn, ở những đơn vị mà người lao động phải làm thêm, thì thu nhập tiền phụ cấp phụ trội rất thấp, không đủ để lấy lại sức khoẻ và tái sản xuất sức lao động.

Đành rằng giải phóng sức lao động của con người ra khỏi sự ràng buộc về điều kiện lao động nặng nhọc và thời gian lao động kéo dài là một cuộc trường chinh vĩ đại. Nhưng thế kỷ 21 là thế kỷ mà công nghệ đã và sẽ thay thế sức lực con người, thì CNLĐ không thể chấp nhận tình trạng kéo dài vô hạn độ thời gian lao động. Nên mục tiêu của ngày 1.5 vẫn là thời sự nóng bỏng đối với người lao động và phong trào công đoàn.