Bà chủ của đồn điền cà-phê lớn nhất ở đất nước Triệu Voi
Các Website khác - 15/08/2005
Nông trường cà phê của chị Lượng
đã được vinh dự đón tiếp Tổng Bí thư
Nông Đức Mạnh sang thăm.
Trước khi gây dựng thành công thương hiệu Dao coffee ở đất nước Lào, chị từng phải dở dang việc học, buôn gánh bán bưng đủ mọi thứ để phụ giúp cha mẹ nuôi tám em. Nhưng từ hai bàn tay trắng, chị đã trở thành bà chủ của một doanh nghiệp lớn, uy tín mà cộng đồng người Việt ở Lào đều rất tự hào mỗi khi nhắc đến...
Mới 11 tuổi, cô bé Lượng đã buộc phải nghỉ học để ra chợ Pắc-xế buôn bán. Ngay từ những ngày buôn bán nhỏ đó, chị đã ý thức được việc phải luôn tìm kiếm những nguồn hàng tốt mà rẻ để hàng bán chạy hơn, cũng như rất nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu của người mua, từ đó luôn linh động trong việc thay đổi mặt hàng. Buôn bán mát tay như vậy, nhưng mơ ước của chị lúc bấy giờ là được học may. Chị cũng đã cố sắp xếp để ban ngày buôn bán, tối đi học may, nhưng nhiều hôm vừa học vừa ngủ gật vì quá mệt mỏi sau một ngày dài vất vả...

Thế rồi năm 1974, chị lên sống ở Viêng Chăn. Thời điểm đó, chị đã "quá sợ" cảnh suốt ngày chạy chợ, nên cố học lấy nghề làm bánh mang ra chợ bỏ mối cho bạn hàng. Cuộc sống dần ổn định hơn, chị trở lại Pắc-xế, lập gia đình và bằng lòng với cuộc sống của mình: không còn phải lo chạy ăn từng bữa và có nhiều thời gian hơn để đọc báo, đọc sách, một niềm đam mê giúp chị dù sinh ra và lớn lên ở Lào vẫn không quên tiếng mẹ đẻ, dù phải bỏ học sớm nhưng vẫn tích lũy được những kiến thức cần thiết... Chị thật sự hài lòng với cuộc sống của mình, bởi với nghề làm bánh, chị còn có thể cùng chồng giúp đỡ được những bệnh nhân nghèo đến khám chữa bệnh nơi bệnh viện chồng chị làm bác sĩ phẫu thuật, cũng như những người có hoàn cảnh khó khăn...

Nhưng rồi để giúp đỡ công việc làm ăn của những người em, chị Lượng lại bị cuốn vào công việc buôn bán lúc nào không hay. Lúc đầu chỉ là giúp giới thiệu mối lái, bạn hàng, rồi các cửa hàng lần lượt ra đời, và cuối cùng là cả một doanh nghiệp xuất nhập khẩu Dao-Heuang. "Tất cả cứ đưa đẩy dần dần như thế, dù tôi không mặn mà lắm với việc kinh doanh. Và cũng từ yêu cầu công ty phải làm tốt cả công việc xuất khẩu, tôi đã đầu tư trồng cà phê để có mặt hàng xuất khẩu".

Khi quyết định trồng cà phê, chị Lượng đã đi đi về về Việt Nam để học tập kinh nghiệm và mời một số nhà chuyên môn sang giúp chị. Tuy nhiên, ngay trong năm đầu tiên, một đợt sương muối đã làm chết gần hết những cây cà phê Robusta, trong khi đó giống cà phê Arabica lại vượt qua được thói đỏng đảnh của thời tiết. "Người khác gặp thất bại ngay bước đầu như thế hẳn đã chùn bước, nhưng tôi thì lại thấm câu "Thất bại là mẹ thành công" từ những cuốn sách học làm người mà tôi luôn say sưa nghiền ngẫm thuở nhỏ, nên tôi quyết tâm gượng dậy đi tiếp". Chị cười vui kể tiếp: "Mà tôi cũng phải cảm ơn cái đợt sương muối đó, vì chính nhờ đó mà tôi quyết định nông trường của chúng tôi sẽ tập trung trồng cà phê Arabica". Sau hơn năm năm "vật lộn" với cà phê, phải đối mặt từ thời tiết đến việc quyết định giống cà phê, kỹ thuật chăm sóc và tìm thị trường tiêu thụ, thậm chí có lúc chị đã phải liều đến mức quyết định đưa cà phê hạt sang tận Pháp để chế biến thành cà phê hòa tan rồi mang thành phẩm trở lại tiêu thụ trong khu vực, chị đã xây dựng được thương hiệu Dao coffee, có được những thị trường tiêu thụ ổn định ở nhiều nước...

Sở hữu đồn điền cà phê rộng nhất Lào, lại là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên xây dựng được thương hiệu cà phê nổi tiếng, nhưng chị Lượng - tên đầy đủ bằng tiếng Lào là Leuang Lit Dang - vẫn cho rằng tất cả những gì chị có được ngày hôm nay là nhờ có được sự động viên, tin tưởng của những người chung quanh, còn bản thân chị thì luôn cố gắng để không phụ lòng những người đã tin tưởng vào mình. Ở người phụ nữ đã qua tuổi 50 này là một sự kết hợp hài hòa của một doanh nhân luôn lấy chất lượng và chữ tín làm đầu, với trái tim của một người phụ nữ nhạy cảm từng nếm mùi vất vả của cuộc sống trong ứng xử với những người chung quanh.

Theo Thanh niên