Bác Hồ đi chúc Tết
Các Website khác - 27/01/2006
60 năm trước, nhân dân Hà Nội cùng đồng bào cả nước nô nức đón Tết Ðộc lập đầu tiên. Còn vị lãnh tụ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã bí mật tản bộ đến viếng Ðền Ngọc Sơn, hòa vào dòng người đi lễ, hái lộc xuân lúc giao thừa, rồi lên xe, bất ngờ thăm một số gia đình lao động nghèo ở phố Khâm Thiên và Tạ Hiện.
60 năm trước, ngày 2-2 năm 1946 (tức ngày mồng Một Tết, năm Bính Tuất), nhân dân Hà Nội cùng đồng bào cả nước nô nức đón Tết Ðộc lập đầu tiên. Vào thời điểm này thực dân Pháp đã gây hấn ở Nam Bộ, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Trong tình thế "nước sôi lửa bỏng" ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước, trong đó có mấy vần thơ:

Trong năm Bính Tuất mới

Muôn việc đều tiến tới.

Kiến quốc chóng thành công,

Kháng chiến mau thắng lợi.

Ngày đầu xuân, ở Hà Nội, hoa đào Nhật Tân nở rộ khoe sắc xuân. Mọi nhà đều có cành đào trên bàn thờ Tổ quốc cùng khẩu hiệu "Tổ quốc trên hết". Cờ đỏ sao vàng, ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo ở nơi trang trọng nhất. Có gia đình còn bày bàn thờ ra ngoài cửa để đón Tết Ðộc lập.

Ðêm 30 Tết trời se lạnh, cả Hà Nội như không ngủ, mọi người đều thức để cùng chờ đón mùa xuân mới. Từ nhà số 8 phố Lê Thái Tổ, nơi ở của Bác Hồ lúc bấy giờ, Người bí mật tản bộ đến viếng Ðền Ngọc Sơn, hòa vào dòng người nô nức đi lễ, hái lộc xuân ở nơi thiêng liêng - trái tim Thủ đô. Sau đó, Người lên xe, bất ngờ thăm một số gia đình lao động nghèo ở phố Khâm Thiên và Tạ Hiện. Các gia đình đều rất ngạc nhiên, phấn khởi và cảm động đến rơi nước mắt khi được gặp vị Chủ tịch kính yêu. Khi tin này được báo chí công bố, cả Hà Nội xôn xao bàn tán về tác phong gần gũi, thương dân, trọng dân của vị lãnh tụ dân tộc.

Cũng dịp đầu xuân này, Bác Hồ nhắc chúng tôi chọn một số nhà trí thức tiêu biểu để Người đến thăm. Bác bảo, tốt nhất là đến vào buổi tối, khi mọi người trong gia đình sum họp đầy đủ ở nhà.

Nơi Bác đến đầu tiên là gia đình bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội ở phố Hàng Bông - Thợ Nhuộm, nơi có bệnh viện tư của bác sĩ đã nổi tiếng nhiều năm. Người vào nhà đúng lúc cả gia đình bác sĩ Trần Duy Hưng đang quây quần đón xuân.

Quá bất ngờ, bà bác sĩ vừa mừng rỡ vừa lúng túng. Bà Hưng vội mang hoa quả, bánh mứt ngày Tết do bà tự làm ra mời. Mấy người con còn nhỏ của bác sĩ Hưng lúc đầu ngơ ngác, về sau hiểu ra liền tíu tít sà vào lòng Bác. Người xoa đầu các cháu và hỏi thăm chuyện học hành. Nhân lúc Bác cháu đang vui, bác sĩ Hưng bày tỏ nỗi lo lắng về trách nhiệm quá lớn được Chính phủ giao cho. Bác Hồ ôn tồn, vui vẻ động viên: "Bác có làm Chủ tịch nước bao giờ đâu, nhưng nhân dân giao phó thì phải nhận. Chú cũng vậy, hãy cứ làm đi rồi sẽ quen". Nghe Bác nói, bác sĩ không còn có đề nghị gì khác và hứa với Bác sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi Bác ra về, cả nhà như muốn Bác ở lại lâu hơn. Mọi người đều rưng rưng nước mắt trước giây phút hạnh phúc.

Gia đình thứ hai được Bác Hồ đến thăm là nhà giáo sư Nguyễn Xiển, Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc Bộ, kiêm Giám đốc Nha Khí tượng Việt Nam. Nhà giáo sư ở số 22 phố Lý Thái Tổ. Tại đây, vợ chồng giáo sư đã mời Bác dùng cơm cùng gia đình. Bà Xiển rất giỏi nấu nướng, tự tay làm mấy món ăn hợp khẩu vị của Bác. Ông Xiển mời Bác dùng cơm và xem các con ông biểu diễn vở kịch ngắn Trần Bình Trọng, kể chuyện Trần Quốc Toản. Bác rất vui, nhiều lần vỗ tay khen ngợi, động viên. Lúc sắp ra về, Bác chỉ thị cho ông Xiển với cương vị là Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc Bộ phải khẩn trương chỉ đạo hàn khẩu một số đoạn đê bị vỡ ở Thái Bình và Nam Ðịnh. Trong lúc nhân dân còn đang đói, khó có thể huy động nhân lực cho công việc cấp bách, ông Xiển đề nghị được huy động các nhà thầu khoán tham gia. Bác Hồ đã đồng ý ngay phương án này.

Gia đình thứ ba Bác Hồ đến thăm vào dịp Tết năm ấy là nhà giáo sư Tôn Thất Tùng, ở phố Hàng Bông. Ngôi nhà hai tầng nằm phía sau Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt - Ðức, Hà Nội). Giáo sư Tùng quá bất ngờ, sung sướng được đón Bác đến thăm nhà riêng. Lúc này, ông bà vừa sinh một cháu trai rất kháu khỉnh, giống cha như đúc. Bác Hồ hỏi gia đình đặt tên cho cháu chưa. Giáo sư Tùng thưa rằng xin bác đặt tên cho cháu. Bác nói: "Chú tên Tùng, con trai phải lấy tên là Bách, Tôn Thất Bách". Ðó chính là GS bác sĩ Tôn Thất Bách nổi tiếng về sau. Từ năm 1946, giáo sư Tôn Thất Tùng thường xuyên đến với Bác Hồ, như một bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Người. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, giáo sư theo Bác lên chiến khu, lập Trường đại học Y để đào tạo cán bộ y khoa cho cách mạng, rồi lập bệnh viện dã chiến để chữa bệnh và săn sóc cho chiến sĩ, đồng bào. Giáo sư Tùng nhiều lần hứa với Bác: "Xin mãi mãi theo con đường nghiên cứu khoa học phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc" và giáo sư đã thực hiện lời hứa ấy đến trọn đời.

Từ Tết Nguyên đán Bính Tuất năm xưa đến nay đã tròn 60 năm. Tác phong bình dị, sâu sát của Bác Hồ kính yêu đến với người lao động, đến với trí thức Thủ đô trong những chuyện kể trên vẫn còn in đậm trong ký ức tôi, người được chứng kiến những phút giây quý giá đó. Tôi tin đó cũng là những kỷ niệm còn mãi mãi in đậm trong lịch sử của Thủ đô Hà Nội, Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

TẠ QUANG CHIẾN