Nhìn bức tranh gà còn nấn ná treo trên tường, không nỡ bỏ đi thay lịch mới: ngỡ như sắp phải chịu cảnh biệt ly đầy xót xa, phi lý. Vắng dần, thậm chí có nơi đã im bặt những âm thanh quen thuộc nghìn đời. Lẽ nào mỗi sớm mai chỉ còn tiếng đồng hồ báo thức? Lẽ nào cả những buổi chiều "con cò bay lả bay la", sớm xuân "con én đưa thoi", đêm khuya "một tiếng trên không ngỗng nước nào" sẽ chỉ là hoài niệm?
Dù đại dịch cúm A(H5N1) đến gần, nhưng chắc chẳng một ai và chẳng khi nào có thể dửng dưng trước cảnh bà con mình thẫn thờ ném từng bao tải gà, vịt, ngan, ngỗng xuống hố vôi bột rồi châm lửa đốt! Con người là vốn quý nhất. Yêu thương con người, chúng ta đã phấn đấu cật lực để bữa ăn có thêm quả trứng. Nay thì cũng vì con người mà cảnh giác ngay cả với ước muốn đó. Nghĩ như thế ta sẽ bình tâm trở lại. Và sẽ bình tâm hơn khi có một lúc nào đó ta chợt nhận ra rằng: Sinh nở cùng với đàn gà có cả bài ca về nghị lực con người không bao giờ mất niềm tin vào sự sống, dù bị đày ải, giày xéo đến cùng cực: "Ðừng than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây".
Bao nhiêu người của bao nhiêu đời đã thuộc lòng câu ca ấy, vịn vào từng chữ mà đi lên để không bị vòng quay lạnh lùng của thời gian hất văng về phía lam lũ nghèo hèn. Không "ngồi than phận khó", cậu bé Lê Vũ Hoàng, nhà nghèo nhất trong cái làng nghèo nhất huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình nửa ngày đến lớp, nửa ngày tối mắt, tối mũi ngoài đồng mò cua tát cá, sẩm tối lại băm bèo, thái rau nuôi lợn, đến nỗi không có thói quen học thêm ban ngày. Thế mà về nhất cuộc thi Ðường lên đỉnh Olympia năm Dậu.
"Tôi nói với em: Chỉ có một con đường đến tương lai rực rỡ, đó là con đường Olympia". Người thầy giáo thân yêu khuyên Hoàng như vậy. Thì ra đây cũng là con đường xóa đói giảm nghèo độc đáo! Cái câu hỏi "Tại nơi nào trên trái đất, bạn nói bao nhiêu giờ cũng đúng" có vẻ chẳng liên quan gì với những ngày đầu tắt mặt tối của bà, những bữa ăn không đủ no của em, những cơn đau tái tê của mẹ... Thế nhưng có lẽ vì tất cả "phận khó" ấy mà em đã chọn cho mình ngôi sao hy vọng! Cũng như người bà, 82 tuổi vẫn phải đi thái sắn thuê, lặng lẽ dành dụm mỗi ngày một nghìn đồng nuôi hy vọng cho cháu thi đại học.
Cuộc sống càng nhiều bất trắc càng phải tìm cho mình một ngôi sao hy vọng. Ấy là khi cơn lũ cuối tháng 10, hơn 3.000 mét khối nước một giây đổ về đột ngột, đứng trên đoạn đê quai bùng nhùng muốn vỡ, hy vọng của người thợ công trường thủy điện Sơn La là bằng mọi cách phải cứu đê, cứu máy. Trong chớp mắt nghĩ đến cái chết đã cận kề, anh chỉ kịp dành một chút "hy vọng" cho riêng mình: Cài chặt túi áo phòng khi lũ cuốn "có làm sao" thì vẫn còn tấm chứng minh thư nhân dân để mà nhận dạng.
Sau hơn nửa thế kỷ, tinh thần Ðiện Biên, không khí Ðiện Biên lại trùm lên núi rừng Tây Bắc. Chỉ có điều khác là giữa thanh thiên bạch nhật năm Dậu, lớp lớp con cháu chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa vào trận mới trong hàng ngũ những tổng công ty hùng mạnh. Một vạn người cùng cơ man máy móc thiết bị hiện đại đào núi lấp sông, không phải chỉ 56 ngày đêm mà suốt 8 năm, gần bằng cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Tiếng bộc phá ngày khởi công gợi nhớ tiếng nghìn cân thuốc nổ phá đồi A1 năm nào. Gợi nhớ cả "những bản sương giăng, những đèo mây phủ", nơi gần hai vạn hộ gia đình chuyển đến nơi ở mới, nhường quê hương bản quán, nhường những mảnh đất "đã hóa tâm hồn" cho lòng thủy điện. Có gì thật đáng yêu trong nỗi băn khoăn của cô gái Thái Mường La: Liệu mai này có còn bến sông, để mở hội đua thuyền và làm lễ gội đầu! Chắc rằng các chàng trai thủy điện sẽ làm nên những bến mới trong xanh cho mái tóc dài. Cả nước đang chung sức cùng Sơn La - Tây Bắc, lo từ lớp học, nhà hộ sinh cho đến giữ gìn 36 điệu múa Quỳnh Nhai. Mạch nguồn văn hóa dân tộc, cho dù có dời núi lấp sông ta cũng không quên gìn giữ.
Nói đến văn hóa là nói đến con người, không thể không nghĩ đến thế hệ trẻ chiếm tới hơn 60 phần trăm dân số đất nước. Họ đang nung nấu những ước mơ và dồi dào khát vọng khẳng định mình một cách quyết liệt và cụ thể. Có điều trên con đường tìm tòi xác lập những giá trị mới họ đang rất cần những tấm gương trong sáng và trung thực, không phải trong sách vở mà chính trong cuộc sống đời thường, để trả lời cho họ những câu hỏi riết róng của cuộc sống. Mới đây, một cuộc điều tra xã hội học còn lôi ra ánh sáng bốn nhóm với 17 hành vi tham nhũng, thế mà mức độ của nó thì vẫn còn bí ẩn như tảng băng chìm! Nhưng có một thứ không thể chìm. Nó cứ vằng vặc sáng giữa nhân gian, người đời hay nhắc bởi nó dễ bị lãng quên. Ðó là hai chữ lương tâm trong câu chuyện đời xưa nhưng chẳng bao giờ thành cổ tích.
Chuyện rằng: Khi kẻ hối lộ nói với ông quan thanh liêm "Xin quan nhận cho, chuyện này chỉ có quan và tôi chứ không ai biết hết". Ông quan thanh liêm trả lời: "Có trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại nói là không ai biết!". Nếu có ai bảo đó là câu chuyện đời xưa, chuyện lương tâm ấy mà, giờ đây nghe thật khó vào thì cũng "cầm lòng vậy, đành lòng vậy"! Nhưng ít nhất cũng có một người không tin đó là câu chuyện cổ tích. Người đó tên là Bảy Ưu, ở Ấp 5, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp. Nhà ở bên sông, thương bà con và các cháu học sinh còn nghèo, suốt 15 năm qua, ông đưa đò miễn phí. Người ta tính rằng nếu chỉ lấy mỗi lượt qua đò một nghìn đồng thì trong chừng ấy năm, ông đã có gần hai tỷ đồng! Ðến nay, ông đã thay chiếc đò thứ sáu và chuyện tâm đức của người đưa đò không công ấy còn dài. Chắc sẽ dài đến hết đời ông mà chưa kết thúc.
Cuộc đời vốn vậy: Cái tâm cái đức bao giờ cũng có sức sống lâu bền. Có nó thì những chuyện tưởng như rất riêng tư của một người, đến một lúc nào đó bỗng chốc trở thành ký ức của người đời, bất chấp cả thời gian và thời thế. Những cuốn nhật ký chiến tranh của Ðặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc... mà chúng ta được đọc trong năm qua và nhân loại đang tìm đọc, xét cho cùng chính là chuyện tâm đức đó mà.
|