Vì lợi ích của dân
Các Website khác - 27/01/2006
Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm
hỏi nhân dân di chuyển từ vùng lòng hồ
thủy điện Sơn La về bản mới Vịa Cườm,
xã Chiềng Băng (Quỳnh Nhai, Sơn La).
Ðó là tâm nguyện, cũng là điều mà các nhà lãnh đạo nước ta, trong đó có Chủ tịch nước Trần Ðức Lương, đã phát biểu trong những chuyến đi chỉ đạo ở địa phương, cơ sở.
Xuất phát từ tư tưởng chính trị đó và với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, khi đi thăm bất cứ địa phương, cơ sở nào, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương cũng căn dặn các cán bộ lãnh đạo, quản lý: "Phải xác định rõ mục tiêu tổ chức, hoạt động, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân theo phương châm: Việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì tránh".

Thăm các địa bàn vùng sâu, vùng xa, bên cạnh việc gợi ý các bộ, ngành về các giải pháp lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, Chủ tịch cũng nêu lên những vấn đề để đánh giá đội ngũ cán bộ và những yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, trong đó "nâng cao đời sống của nhân dân" là một yêu cầu và tiêu chí hàng đầu.

Thăm các vùng nông thôn còn khó khăn, nhất là vùng ven biển, vùng cao và vùng sâu, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh với lãnh đạo các tỉnh: "Phải chú ý khắc phục chủ nghĩa quan liêu, mệnh lệnh vốn là sản phẩm của sản xuất nhỏ; muốn phát triển kinh tế cần phát huy dân chủ trong kinh tế, không nhất thiết cái gì cũng phải quản lý quá tập trung, cần mạnh dạn giao quyền tự chủ cho từng đơn vị. Một tổ, HTX, hay câu lạc bộ sản xuất, nếu có quyền tự chủ sản xuất kinh doanh thì người lao động sẽ đào sâu suy nghĩ, trăn trở, và bằng những phương pháp sáng tạo nhất để quyết định trồng cây gì, nuôi con gì, phải giám sát quản lý ra sao, nhằm làm cho sản xuất có được hiệu quả, người lao động có được thu nhập. Tất cả những gì có thể giúp dân đạt được mục tiêu và đúng luật pháp, đúng quy hoạch, kế hoạch, đúng định hướng thì đó là vai trò của Nhà nước ở địa phương. Muốn làm được như vậy phải cầu thị, lắng nghe, giải đáp thắc mắc cho dân, biết được cần phải giúp dân cái gì, ở khâu nào...".

Theo Chủ tịch, vấn đề đặt ra đối với nền dân chủ XHCN là phải tìm ra các hình thức để nhân dân thật sự nói lên tiếng nói của mình trên những vấn đề quan trọng của đời sống; triển khai một cách sâu rộng sự phản biện và giám sát xã hội đối với sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý, điều hành của các cơ quan hành pháp.

Với tư cách là Trưởng Ban cải cách tư pháp T.Ư, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương cũng luôn trăn trở với vấn đề xây dựng Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN, thật sự là của dân, do dân, vì dân, bởi chỉ có pháp luật mới là cơ sở bền vững nhất để thực hiện quyền làm chủ của dân chúng như Hiến pháp đã ghi; chỉ có pháp luật mới làm cho xã hội có trật tự, kỷ cương theo mục tiêu và đường lối của Ðảng, mà Ðảng lãnh đạo nhân dân tức là lãnh đạo để nhân dân thật sự cầm quyền.

Sau bốn năm triển khai cải cách, lĩnh vực nội chính của đất nước quả thật đã làm được rất nhiều việc, nhưng bất cập, hạn chế vẫn còn nhiều. Họp Ban chỉ đạo và khi đi thăm một số địa bàn quan trọng, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan nội chính phải bằng mọi biện pháp tạo chuyển biến về nhận thức cho mỗi cán bộ, đảng viên; nâng cao đạo đức phẩm chất; tổng rà soát các chức danh tư pháp; đặc biệt là giải quyết vấn đề tồn đọng án kéo dài và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

Chủ tịch đặc biệt yêu cầu phải có chuyển biến nhanh trong lĩnh vực thi hành án, cần "giảm ngay những vụ việc khi phán quyết mà chính tòa án biết rõ là không có điều kiện thi hành, bởi phán quyết mà không thi hành thì làm sao nâng cao được hiệu lực của pháp luật, làm sao để nhân dân tin vào Nhà nước và pháp luật?".

VŨ QUANG TUẤN