Bất lực trước tình trạng lãng phí nhà xưởng, kho bãi
Các Website khác - 29/09/2005

TP HCM hiện có gần 6.500 cơ sở nhà xưởng, kho bãi thuộc sở hữu Nhà nước với tổng diện tích hơn 145 triệu m2. Trong đó, trên 34% diện tích đang bị chiếm dụng, thay đổi công năng, cho thuê lại với giá rẻ... gây thất thoát lớn cho ngân sách thành phố.

Kho bãi 300/12 Ông Ích Khiêm, quận 11 hiện trở thành hẻm 300. Ảnh: NLĐ.

Công ty Kho bãi TP HCM được giao quản lý 118 kho bãi. Nhưng trên thực tế, hiện công ty chỉ quản lý 97 kho bãi với diện tích hơn 188.000 m2. Còn lại 21 kho bãi khác, khoảng 60.000 m2, đang bị các đơn vị thuê lại chiếm dụng, sử dụng sai mục đích hoặc bỏ trống.

Đơn cử như Công ty dịch vụ ăn uống quận Bình Thạnh ký hợp đồng thuê kho 552 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, tổng diện tích gần 2.000 m2. Sau một thời gian không tái ký hợp đồng và ngưng hợp đồng thuê với Công ty Kho bãi, đơn vị này đã tự ý giao lại cho Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà quận Bình Thạnh phân lô xây dựng nhà có kết cấu bê tông kiên cố và chuyển quyền sở hữu cho người khác sử dụng.

264 m2 diện tích kho 26AB Hùng Vương, quận 11, được Công ty vật tư tổng hợp TP HCM ký hợp đồng thuê với Công ty Kho bãi, nhưng đã bố trí thành 2 căn hộ cho cán bộ công nhân viên làm nhà ở. Trong đó, 1 căn hộ số 398 Hùng Vương đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và quyền sử dụng đất ở do UBND TP HCM cấp cho ông Nguyễn Chí Tâm và bà Nguyễn Thị Nguyên Thủy. Căn còn lại số 400 Hùng Vương và phần lửng phía sau nhà hiện không có giấy tờ hợp pháp.

Tương tự, kho 33 Nguyễn Hữu Thoại, quận Bình Thạnh, có diện tích hơn 1.000 m2 đã được Công ty Kho bãi chuyển công năng sử dụng để xây dựng 6 căn nhà 1 trệt 1 lầu. Vụ việc này đến nay vẫn chưa được thanh tra thành phố xử lý xong.

Kho bãi 371 Nơ Trang Long đang bị bỏ hoang. Ảnh: NLĐ.

Lãng phí do năng lực quản lý kém

Trong buổi giám sát tình hình sử dụng nhà xưởng, kho bãi sở hữu nhà nước tổ chức sáng 28/9, báo cáo của Ban kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân TP HCM cho thấy, do quản lý yếu kém, trách nhiệm không rõ ràng nên nguồn tài sản Nhà nước lớn này đang bị sử dụng lãng phí, sai mục đích, bị chiếm dụng bất hợp pháp. "Nếu xử lý triệt để và sử dụng nguồn tài sản công này đúng mục đích thì sẽ mang lại khoản thu ngân sách rất lớn", Phó Ban kinh tế ngân sách thành phố Huỳnh Công Hùng nhận định.

Nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân đặt vấn đề giá cho thuê kho bãi quá rẻ, đã tiếp tay cho các hiện tượng tiêu cực, móc ngoặc để hưởng lợi khi cho thuê lại đất, kho. Theo Ban kinh tế ngân sách thành phố, giá cho thuê kho hiện nay bình quân 20.000-30.000 đồng/tháng/m2; thuê bãi 3.600-4.000 đồng/m2/tháng, chênh lệch hàng trăm, nghìn lần so với giá cho thuê thực tế của thị trường. Chính vì vậy các đơn vị thuê kho bãi đã tìm cách cho thuê lại với giá cao gấp nhiều lần để hưởng chênh lệch. Thậm chí có đơn vị thuê kho bãi nhưng không chịu trả tiền như 16.000 m2 nhà xưởng tại 35 Hồ Học Lãm, khu phố 1, thị trấn An Lạc.

Ban chỉ đạo 80 đã tổ chức cho các đơn vị kê khai, báo cáo và đưa ra phương án xử lý nhà đất sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP HCM từ năm 2001. Nhưng đến nay mới có 1.648 (88%) đơn vị đang trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất "công" nộp báo cáo, trong khi theo Nghị quyết thường trực HĐND, đến cuối năm nay thành phố phải kết thúc kiểm tra xử lý nhà đất sở hữu Nhà nước.

Bức xúc trước tình trạng coi thường kỷ cương phép nước trong quản lý sử dụng nhà đất sở hữu Nhà nước, Đại biểu Đặng Văn Khoa cho biết, có nhiều đơn vị còn kéo dài thời gian sử dụng bằng cách thay đổi liên tục phương án xử lý, từ xây dựng chung cư chuyển sang trung tâm thương mại, rồi sửa đổi thành trường học... như một thủ thuật để tránh nguy cơ bị thành phố thu hồi nhà xưởng, kho bãi. "Thành phố cần mạnh tay xử lý, nếu cần sẽ phải truy cứu trách nhiệm của người làm sai", ông đề xuất.

Đến nay, Thường trực Ban chỉ đạo 80 cũng đã trình UBND TP HCM thu hồi 34 mặt bằng bỏ trống, cho thuê, sử dụng không đúng công năng. 6 tháng đầu năm, Ban chỉ đạo 80 đưa ra bán đấu giá 18 nhà xưởng thuộc sở hữu Nhà nước bị thu hồi, tổng giá trị thu được hơn 573 tỷ đồng.

Phan Anh