Sau bão số 8, chúng tôi phóng xe lên đèo Hải Vân. Nhìn lên vách núi phía taluy dương, khung cảnh thật đáng sợ.
Suốt nhiều cây số, hàng nghìn tảng đá “mồ côi”, có những tảng lớn bằng cái nhà đang cheo leo đổ bóng xuống đầu người, xe qua lại.
Bão số 8 đã quật đổ hàng loạt rặng cây mọc lưng chừng núi, cộng vào đó là nạn chặt củi của dân địa phương, đã để lộ ra cả một “bẫy đá” khổng lồ. Những khối đá đen trũi lạnh lùng kia chỉ bám vào vách núi cao chênh vênh một cách hờ hững.
Dọc sườn núi lộ ra hàng chục “dòng suối đá” kéo dài từ đỉnh xuống lề đường.
Lúc 17 giờ ngày 1-11, giữa cơn bão số 8, trên đường phía Nam đèo Hải Vân, gần 7.000 m3 đá núi phía taluy dương tại hàng chục địa điểm khác nhau đã liên tiếp đổ ập xuống lòng đường. Tại Km 907+300 có ba xe bồn chở xăng bị kẹt lại giữa hàng ngàn khối đá, may tai nạn không xảy ra. Mãi đến 21 giờ ngày 2-11 đường đèo mới thông trở lại.
Bà Nguyễn Thị Vẫy - phụ trách Hạt quản lý Quốc lộ 1A Hòa Vang (thuộc Công ty Quản lý & sửa chữa đường bộ Quảng Nam - Đà Nẵng – Khu quản lý đường bộ 5) đang có mặt ở hiện trường khắc phục đường đèo, cho biết :
“Hầu như năm nào cũng lở đá, nhất là taluy dương, phá vỡ mặt đường và gây ách tắc giao thông. Những hòn đá lớn như vậy, nếu xúc sâu phía dưới có thể gây “đứt chân” ào xuống. Ngay như điểm chúng tôi đang khắc phục (Km 908+250) này, rất nhiều tảng đá chênh vênh rất nguy hiểm”.
Hướng xử lý đối với những “bẫy đá”, theo bà Vẫy, là những tảng nhỏ thì có thể xeo bẩy để lăn xuống, rồi xây kè bê tông chặn lại.
Đá lấp kín một đoạn đèo Hải Vân sau bão số 8
|
Đặt câu hỏi với ông Nguyễn Gia Phong - Giám đốc Công ty Quản lý & Sửa chữa đường bộ Quảng Nam - Đà Nẵng, rằng với những tảng đá nặng hàng chục tấn đang chơi vơi như vậy, liệu có thể tính tới phương án bắn mìn phá cho lăn hẳn xuống, ông Phong cho biết việc này phải đợi các nhà tư vấn thiết kế lập dự án cụ thể.
Thiệt hại do nạn lở trượt đá trên đèo là không nhỏ. Kinh phí khắc phục cơn lũ đá do bão số 8 mới đây theo ông Phong là khoảng 1,1 tỷ đồng. Năm 2004 tuy không bão lũ lớn, nhưng cũng phải bỏ ra 2 tỷ để khắc phục. Riêng mùa lũ lịch sử năm 1999 cả hai bên đèo tốn tới khoảng 30 tỷ cho việc giải quyết đá lở, sửa chữa mặt đường ...
Bẫy đá không chỉ nguy hiểm cho hàng trăm chuyến xe các loại trên đường đèo, mà cả tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng không ngoại lệ. Nhà ga Hải Vân (tại Km 766+540 - điểm cao nhất trên tuyến đường sắt qua đèo) cùng một số hạng mục đi kèm mới xây dựng năm 2003 và bàn giao sử dụng từ 31-12-2004 với tổng kinh phí trên 21 tỷ đồng. Nhờ dự án, năng lực thông tàu qua đèo tăng 50%, từ 15-19 tàu có thể tránh nhau, được nâng lên 30-45 tàu-ngày.
Nhưng chưa đầy bốn tháng sau, mới sau mấy trận mưa trái mùa, cả mảng đá núi đã sạt trượt đổ ào xuống, nhất là những tảng đá mồ côi treo lơ lửng. 24 nhân viên ga Hải Vân khi ấy hoảng hồn, lo nhất là vài chục chuyến tàu với hàng chục ngàn hành khách qua lại mỗi ngày. Vì an toàn cho những chuyến tàu, lại thêm hàng tỷ đồng nữa được “đắp” vào đây.
Theo ông Trần Đình Quyền - Trưởng BQLDA Đường sắt khu vực 2 (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), thì dự kiến tháng 10-2005 sẽ hoàn tất. Tuy nhiên, trưa ngày 9-11, lội rừng trèo xuống đầu ga đường sắt Hải Vân, chúng tôi vẫn chứng kiến cảnh thi công kè đá trên “đầu” ga vẫn dở dang. Bởi theo ông Quyền, cơn bão số 8 mới đây đã làm chậm tiến độ, cũng như tạo thêm một vài điểm sạt lở mới.
Dù đã có đường hầm, nhưng đường đèo Hải Vân vẫn là huyết mạch đối với hàng ngàn chuyến xe bồn chở xăng dầu, hóa chất, xe siêu trường siêu trọng, xe chở khách du lịch tham quan, xe máy... Và còn cả sự an toàn của tuyến đường sắt Bắc - Nam. Đã đến lúc ngành giao thông để mắt tới những “bẫy đá” trên đầu đường đèo Hải Vân, để bài toán chống sạt lở đường đèo có hướng giải quyết căn cơ và an toàn hơn.
Dừng việc trung chuyển xe máy, xe đạp qua hầm đèo Hải Vân Chỉ sau mấy ngày thử nghiệm trung chuyển xe máy, xe đạp ... qua hầm đường bộ Hải Vân (chưa thu tiền), ngày 10-11, Xí nghiệp Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hadameco) đã phải ngưng hoạt động dịch vụ này. Như TP và nhiều báo mấy ngày qua đã phản ánh, dịch vụ trung chuyển trên đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là không đảm bảo an toàn cháy nổ trong đường hầm. Ngoài ra, đã xuất hiện mâu thuẫn giữa Hadameco với đơn vị quản lý hầm phía TT-Huế trong việc triển khai dịch vụ trung chuyển, khi chỉ riêng Hadameco đứng ra đảm nhận dịch vụ này. Việc chưa có trạm trung chuyển phía đầu Bắc Hải Vân một phần cũng xuất phát từ nguyên nhân trên. Phương tiện chưa có, và chưa phù hợp đã khiến việc trung chuyển trở nên bất cập. Được biết, một số xe trung chuyển của Hadameco do chưa có biển số nhưng vẫn hoạt động, đã bị CSGT xử phạt.
|
|