Đất Sông Lô bao giờ hết "nóng"?
Các Website khác - 29/09/2005

(VietNamNet) - Vùng đất ven biển phía Nam TP Nha Trang vốn dĩ hiền hoà với những người dân thuần hậu, chất phác vì sao bỗng trở thành “điềm nóng khiếu kiện” cả nước biết đến?

Soạn: AM 566229 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Nước mắt sụt sùi, bà Hương tìm tới gặp chúng tôi gửi gắm lá đơn "xin các nhà báo giúp".

Từ tháng 12/2002 đến tháng 3/2003, 23 quyết định giao 23 lô đất tái định cư trị giá bạc tỷ kèm theo "Danh sách phân lô giao đất làm nhà ở cho 23 cán bộ tại khu quy hoạch chia lô khu vực 25 lô vườn dừa" (xã Phước Đồng, TP Nha Trang) do Phòng Địa chính TP Nha Trang lập "theo Quyết định giao đất của UBND thành phố" khiến những người dân Sông Lô ngỡ ngàng rồi "đua" nhau khiếu kiện.

Sự kiện trong vòng 24 tháng, có tới 3 đoàn Thanh tra Chính phủ về Khánh Hoà tiến hành thanh tra những nội dung người dân khiếu nại, tố cáo xung quanh dự án du lịch Sông Lô càng cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Lịch sử một "vùng đất khiếu kiện"

Những năm 80, vùng đất hoang sơ có tên Sông Lô vốn chỉ là một thung lũng với 3 bề giáp núi, phía nam giáp biển (thuộc xã Phước Đồng, TP Nha Trang). Ông Nguyễn Văn Vĩnh, một cán bộ nông nghiệp của tỉnh Phú Khánh (cũ) còn nhớ như in chặng đường cách trở mất gần nửa ngày trời mới cõng xe đạp đến được nơi chỉ cách trung tâm TP hơn 10km về phía Nam này.

Sông Lô đất nghèo, ngập mặn, chua phèn, dân cư thưa thớt. Thuở ấy, việc vận động người dân vào xây dựng vùng kinh tế mới, cán bộ vào tăng gia sản xuất là chủ trương của tỉnh. Hàng loạt hộ dân và cả cán bộ ở xã Phước Đồng và nhiều địa phương khác đã được phân đất, giao rừng.

Khi Sông Lô đã bớt đìu hiu, cách trở, hoang hoá, đất ở đây bắt đầu được nhiều người dòm ngó. Đầu thập niên 90, trong cơn sốt đất tại địa phương, đã diễn ra việc giao đất, chuyển nhượng, mua bán nhộm nhoạm, sử dụng sai mục đích, trái pháp luật ở Phước Đồng. Trong đó lấp ló những gương mặt chức sắc có vai vế của thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa.

Soạn: AM 566227 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Bà Dương Thị Hồng đang phải tạm cư trên đất người khác, loay hoay tìm đường khiếu kiện. Vợ chồng, con cái trong gia đình bà ly tán sau khi nhà bị cưỡng chế.

Người dân tự chiếm, sang nhượng, chỉ cần chung chi ít chỉ vàng cho cán bộ thôn, xã là có ngay dấu mộc xác nhận. Cán bộ chẳng hề có nhu cầu đất để sản xuất hay làm nhà ở cũng nhân cảnh “tranh tối tranh sáng” xin đất rồi bán, hợp thức hoá bằng cách “bôi trơn” cán bộ địa chính và chính quyền xã.

Phòng nông nghiệp TP Nha Trang cũng được dịp “bồi dưỡng” cho hàng loạt cán bộ bằng việc cắm mốc, giao đất bạt mạng. Điển hình là 25 quyết định giao đất sai đối tượng và hạn mức cho cán bộ TP và tỉnh làm kinh tế gia đình trong khu vực vườn dừa ở Sông Lô.

Tình hình quá phức tạp khiến tỉnh phải "ra tay”. Sau khi có kết quả thanh tra, ngày 19/8/1994, UBND tỉnh Khánh Hoà ra thông báo số 221 về việc kết luận xử lý những sai phạm công tác quản lý đất ở xã Phước Đồng.

Theo thông báo, từ năm 1991-1993, UBND Phước Đồng đã ký duyệt cho 391 trường hợp (128,5 ha) mua bán, chuyển nhượng đất trái pháp luật. UBND Tỉnh giao Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang huỷ các quyết định cấp đất sai đối tượng, kỷ luật 7 cán bộ Phước Đồng và Phòng Nông nghiệp TP.

Ngày 15/6/1995, 25 quyết định giao đất ở vườn dừa bị thay thế bằng các quyết định huỷ bỏ. Lý do: "không phù hợp với điều 27 Luật Đất đai năm 1988" về đối tượng và hạn mức. Tuy nhiên, điều 2 của các quyết định này lại có câu: “Trong thời gian chờ  quyết định quy hoạch sử dụng đất của UBND tỉnh” , các hộ này vẫn được “tiếp tục canh tác cho đến khi có quyết định mới”.

Cuộc thanh lý nửa vời mở đường cho các “công bộc của dân” tạm im ắng... chờ thời.

Để đất phèn lên... phố

Quyết định 252 của Thủ tướng Chính phủ thu hồi 1.802.060m2 (tương đương 180ha) tại sông Lô để cho Cty Hoàn Cầu thuê 1.708.404m2 (tương đương 171ha) để xây dựng Khu du lịch giải trí Sông Lô trong thời gian 50 năm, 10ha còn lại giao cho UBND tỉnh Khánh Hoà quản lý, làm đường giao thông.  

Khi thực hiện quyết định đó, đã có trên 200 trường hợp là hộ cá thể, tổ chức bị thu hồi đất, di dời.

Tình hình thực sự nóng bỏng và diễn biến phức tạp hơn kể từ  khi triển khai thu hồi đất để thực hiện dự án khu du lịch và giải trí Sông Lô theo Quyết định 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (9/3/2001).

Chính quyền chỉ ra thông báo, không có quyết định thu hồi đất đối với từng hộ như Luật Đất đai quy định. 

Các mức giá “bèo bọt” đến không ngờ: 1.200 đồng - 11.000 đồng/m2 đối với các loại đất nông, lâm, thuỷ sản và đất vườn được tỉnh áp đặt cho mảnh đất thấm đẫm mồ hôi nước mắt của người dân nơi đây.

Nhiều hộ chỉ được hỗ trợ đền bù, không được cấp đất tái định cư. Không một hộ dân nào được bố trí tái định canh.

Với những hộ chưa thông, chính quyền tiến hành cưỡng chế bằng lực lượng liên ngành. Ngày 23 tháng chạp Tết Quý Mùi, bất chấp công văn can thiệp khẩn cấp từ UB TW MTTQ VN, vẫn cưỡng chế hàng loạt. Nhiều hộ dân đành cúng ông Táo, tổ tiên giữa cảnh tan nhà nát cửa.

Từ tháng 8/2002 đến 3/2004, 4 đợt cưỡng chế với 29 quyết định đã được ban hành. Ở thời điểm cưỡng chế, cái gọi là khu tái định cư chỉ là bãi đất hoang với những lều lán tạm bợ. Không điện, nước, không hạ tầng thiết yếu.

Nhiều hộ dân sau khi giao đất hoặc bị cưỡng chế liền rơi vào hoàn cảnh bi thảm: không đất sản xuất, không nơi ở, phải dựng lều tạm, ăn ở vất vưởng trên đất người khác.

Soạn: AM 566213 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đây là "dấu vết" còn sót lại của cái được gọi là "nhà tái định cư" cho người dân ở Sông Lô (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà).

Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang Mai Xuân Hưng thừa nhận: Trong hơn 200 hộ bị giải toả, di dời ở Sông Lô, chỉ mới có 54 trường hợp được cấp đất tái định cư.

Nghịch cảnh Sông Lô

Nhiều trường hợp bị giải toả trắng nhưng không được cấp đất tái định cư (tại thời điểm cưỡng chế) đã rơi vào hoàn cảnh bi thảm. Điển hình là hộ cựu chiến binh ông Hồ Sỹ Đường, sau khi bị cưỡng chế đã phải dựng căn lều tạm trên chính mảnh đất của mình. Vườn tược đành để đó, vợ ông nuôi cả nhà bằng cách lên núi hái lá giang về bỏ chợ.

Soạn: AM 566217 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Căn lều ông Hồ Sỹ Đường dựng tạm trên mảnh đất của chính mình từng đầu tư bao công sức sau khi bị giải toả trắng. Ông đang bị bệnh ung thư, người vợ hằng ngày phải lên núi cắt lá giang về bỏ chợ nuôi chồng và 2 con nhỏ.

Phát âm một cách khó khăn do đang bị căn bệnh ung thư hàm hành hạ, tiếp phóng viên VietNamNet, ông Đường nghẹn ngào kể lại sự tình. Nhà ông chẳng còn gì đáng tiền, đang lâm cảnh bữa đói bữa no, nợ nần chồng chất do vay mượn chạy chữa tận TP.HCM. Chúng tôi sẽ thông tin đầy đủ hơn tới bạn đọc về trường hợp này trong thời gian tới.

Gia đình bà Cao Thị Diễm Hương thậm chí không còn được “ở trọ” trên đất mình nên phải nương nấu tại miếu Tam Hổ. Khi chúng tôi đang viết những dòng này thì nhận được thông tin bà Hương đã tiếp tục bị "cưỡng chế" khỏi chốn tạm cư này. Nước mắt sụt sùi, bà Hương tìm tới gặp chúng tôi gửi gắm lá đơn "xin các nhà báo giúp".

Gia đình bà Dương Thị Hồng lâm cảnh ly tán chỉ vì hôm trước chồng bà vừa an tâm rời nhà lên núi, hôm sau về đã thấy nhà cửa tan hoang. Nghĩ vợ nói dối mình chuyện nhà sẽ không bị cưỡng chế, ông chồng chửi vợ xong thì xách rìu lên núi... đốt than.

Vợ chồng từ đó ly thân Lâm cảnh màn trời chiếu đất, bà Hồng thu vén mấy tấm tôn dựng lều tạm ở nhờ trên đất người khác, loay hoay khiếu kiện.

Ông Mai Xuân Hưng cho biết, dù thực tế các hộ dân này  có nhà ở, đất sản xuất  tại khu vực sông Lô, nhưng không có giấy tờ hợp pháp trong việc sử dụng đất, xây dựng nhà, hộ khẩu…nên  TP chỉ hỗ trợ đền bù thành quả lao động trên đất của họ.

Soạn: AM 566219 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Người dân dẫn chúng tôi đi xem 23 lô đất tái định cư dành cho cán bộ ở khu vực Sông Lô đang bị bỏ hoang gần 3 năm nay.

Trong bối cảnh gieo neo ấy của những hộ dân nghèo mất đất, mất nhà, bỗng đâu 23 hộ quan chức tỉnh Khánh Hoà, mặc dù đã có nhà cửa ổn định trong thành phố (vốn chỉ được "tạm giao" đất canh tác ở Phước Đồng), lại "nghiễm nhiên" được cấp mỗi hộ 1 lô đất tái định cư 200m2  tại vị trí đắc địa: mặt tiền đại lộ Nguyễn Tất Thành.

Không một hộ nào trong số này từng cư ngụ hay có hộ khẩu ở Sông Lô. Đất cấp xong hơn 2 năm nay, không hộ nào xây nhà ở đó. Nhiều hộ đã nhanh tay sang nhượng hoàn tất.

Trong vai những người đi mua đất, chúng tôi chứng minh được mỗi lô mặt tiền như vậy trong thời điểm hiện nay có giá không dưới 1 tỷ đồng.

Việc cấp đất tái định cư của dân cho… quan này đã là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới khiếu kiện dai dẳng ở Sông Lô trong nhiều năm qua. Trong vòng 2 năm, 3 đoàn Thanh tra của Chính phủ đã phải về Khánh Hoà để xem xét những vấn đề liên quan đến Sông Lô.

Trong khi chờ kết luận của đoàn thanh tra thứ 3 và hướng xử lý của các cấp có thẩm quyền, hàng chục hộ dân  vẫn trong cảnh màn trời chiếu đất, lều lán tạm bợ, vay mượn sống qua ngày, tiếp tục “đội đơn” khiếu kiện.

  • Nhóm PV Điều tra
    Còn tiếp…