Không thể tuỳ hứng trong trưng cầu dân ý
Các Website khác - 16/08/2005
Chuyên đề Hiến kế lập pháp, nơi để người dân đóng góp ý kiến xây dựng luật.

Cần phải có cơ chế lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật, đề xuất này được nhiều chuyên gia nghiên cứu lập pháp ủng hộ. Bởi ngoài quy định mang tính khái quát trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hiện chưa có văn bản nào quy định cụ thể việc lấy và xử lý ý kiến xây dựng dự luật.

Tại điều 3 Luật hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ ghi: “Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo, cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến; tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản trong phạm vi và với hình thức thích hợp”.

Lấy ý kiến dân, mỗi nơi làm một kiểu

Quy định chung này khiến mỗi bộ ngành trưng cầu dân ý một kiểu. Bộ Thương mại đã đưa dự luật lên mạng của Bộ, Cục xúc tiến thương mại và một số báo điện tử, nêu rõ những điểm còn nhiều tranh cãi, những điểm "nóng" của dự thảo luật. Thậm chí, để thu được ý kiến sắc sảo, giàu sức thuyết phục, một số thành viên trong ban soạn thảo đã viết bài phản biện trên báo. "Công việc này rất mất thời gian, đôi khi phải chịu áp lực khi nhận được những phản hồi gay gắt", ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Thương mại, chia sẻ.

Tuy nhiên, số cơ quan làm được như vậy không nhiều. Một số bộ chủ trì xây dựng nhiều dự luật liên quan đến dân sinh, nhưng ngại xin ý kiến rộng rãi nhân dân, mà chỉ tổ chức những hội thảo, tọa đàm xin ý kiến chuyên gia. Ông Nguyễn Chí Dũng, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, cho rằng, ngay cái cách in dự thảo và vài hướng dẫn trọng tâm như các dự luật đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội xin ý kiến, không có các hình thức và công cụ dễ tiếp cận sẽ không thu hút người dân tham gia. Bởi người dân vốn bận rộn, không hiểu nhiều về ngôn ngữ pháp lý.

Từng tham gia một đề tài nghiên cứu về vấn đề này, ông Dũng phản ánh thực tế việc lấy ý kiến ở địa phương rất hình thức. Mỗi khi Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu lấy ý kiến một văn bản luật thì tại địa phương, UBND lại giao cho cho cơ quan chuyên môn là Sở Tư pháp giúp việc tổng hợp ý kiến để gửi tới ban soạn thảo và Văn phòng Quốc hội. "Kỹ thuật và kỹ năng tổng hợp không thống nhất, cán bộ trưng dụng, do đó cũng có trường hợp tam sao thất bản", ông Dũng nhận xét.

Góp ý rầm rộ, tiếp thu âm thầm

Đề tài nghiên cứu của Văn phòng Quốc hội cho thấy, từ năm 1987 đến 2000, chỉ 4% tổng số luật, pháp lệnh đã ban hành là được lấy ý kiến. Số lượng ít, nhưng chất lượng theo ông Dũng cũng đang "có vấn đề" khiến người dân mất tin tưởng vào hiệu quả đóng góp ý kiến. Nguyên nhân quan trọng là không có quy định về nghĩa vụ của cơ quan xin ý kiến phải phản hồi thư công dân. Khoản 3, điều 3 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi (năm 2002) chỉ quy định: "Ý kiến tham gia về dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu để tiếp thu chỉnh lý dự án, dự thảo văn bản''.

Ông Vũ Mão, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ghi nhận mỗi dự luật xin ý kiến nhân dân có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn thư góp ý. Khối lượng thư quá lớn nên không dễ gì cơ quan soạn thảo, cơ quan của Quốc hội có thể nghiên cứu một cách đầy đủ, việc hồi âm càng khó. Tuy nhiên, ông Mão khẳng định: "Đã lấy ý kiến nhân dân thì phải nghiên cứu, phải có phản hồi, đấy là một nguyên tắc".

Luật sư Phạm Thanh Bình cũng cho rằng, rất cần thiết phải có sự phản hồi. Ông nói: "Việc phản hồi không chỉ thể hiện thái độ cầu thị, tôn trọng ý kiến góp ý của ban soạn thảo mà còn có tác dụng động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào việc góp ý".

Quốc hội cần có một nghị quyết về lấy ý kiến nhân dân

Để khắc phục bất hợp lý trên, ông Vũ Mão cho rằng cần có một nghị quyết của Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội về vấn đề này. Ông nói: "Nguyên tắc xin ý kiến nhân dân là những văn bản luật đụng chạm đến quyền, nghĩa vụ của công dân. Điều đó không có nghĩa tất cả văn bản đều phải xin ý kiến nhân dân, nhưng quy định loại văn bản nào, hình thức xin ra sao, việc nghiên cứu thế nào thì phải có một nghị quyết". Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đặc biệt nhấn mạnh tới việc phải hồi âm thư góp ý: "Nên có một văn bản công khai trên báo chí rằng điều này chúng tôi xin tiếp thu, lý lẽ vì sao, điều này không tiếp thu, nguyên nhân thế nào. Đã lấy ý kiến nhân dân thì cũng phải công bố cho nhân dân biết".

Luật sư Nguyễn Thanh Bình cũng ủng hộ quan điểm trên và cho rằng cần xây dựng một quy chế riêng về việc lấy ý kiến, xử lý thư từ góp ý, trong đó quy định rõ từng việc cụ thể như: tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến ra sao, xử lý thư góp ý như thế nào. Trong tờ trình của ban soạn thảo, cần nêu rõ nội dung nào đã được tiếp thu vào dự án, nội dung nào không tiếp thu và lý do vì sao.

Ông Nguyễn Chí Dũng và nhóm nghiên cứu đề xuất hướng đổi mới, đó là minh bạch hoá các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để người dân nào quan tâm thì góp ý, nhà nước có địa chỉ tiếp nhận xử lý và tiếp thu, phản hồi trên phương tiện thông tin đại chúng. Theo ông, phương tiện thông tin đại chúng cũng là nơi trao đổi về các dự thảo này. Quyền bàn thuộc người dân, quyền quyết định là thuộc cơ quan ban hành văn bản. "Theo hướng này, Tạp chí nghiên cứu lập pháp đã phát hành thêm một số chủ đề hằng tháng gọi là Hiến kế lập pháp, địa chỉ www.nclp.org.vn để mọi người có thể góp ý", ông Dũng nói.

* Bạn đọc gửi ý kiến tại đây

Như Trang