Hà Nội: ''Nâng'' đường sắt qua khu vực đô thị lên cao
Các Website khác - 24/08/2005
Soạn: AM 526659 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Dự án xây mới đường sắt trên cao ở Hà Nội.
(VietNamNet) -
Nhiều người nước ngoài đến Hà Nội ngạc nhiên bảo nhau: ''Chỉ ở đây mới có chuyện tàu hỏa chạy trên vỉa hè!''... Từ trong nhà bước chân ra là sát đường tàu, rồi mới xuống lòng đường - khỏi nói thì ai cũng hiểu sự nguy hiểm, ồn ào, ô nhiễm cho người dân và tốc độ chạy của tàu qua những đoạn đó cũng bị hạn chế. Nghịch cảnh này đang được từng bước xóa bỏ...

Sau 8 lần họp bàn và chỉnh sửa tại Bộ Giao thông Vận tải, báo cáo lần 9 của Ban Quản lý dự án đường sắt (RPMU) đã đưa ra phương án tổng thể Dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt trên cao đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên. Chiều tối qua (23/8/2005), lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã họp bàn với lãnh đạo UBND TP. Hà Nội về những vấn đề xung quanh tuyến đường sắt này.

Theo nhận định của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, đường sắt chạy trên mặt đất đầu mối khu vực Hà Nội hình thành ngót 1 thế kỷ nay nên lúc này bộc lộ nhiều hạn chế. Dự án kể trên sẽ nâng cao năng lực khai thác đường sắt quốc gia bằng cách cải tạo trục đường sắt xuyên tâm, phục vụ chạy tàu khách thống nhất, tàu liên vận, tàu du lịch và cả tàu đô thị... Đây là giai đoạn đầu tiên trong hệ thống các tuyến giao thông đô thị bánh sắt của thủ đô được phát triển, giảm thiểu ùn tắc nhờ đưa đường sắt lên cao, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, đảm bảo đúng giờ, an toàn và nhanh chóng.

Tuyến đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên sẽ là đường sắt đôi, dài khoảng 25km, cơ bản bám theo tuyến hiện có để hạn chế giải phóng mặt bằng. Đoạn từ ga Hà Nội đến ga Văn Điển, đường sắt này sẽ được mở rộng về bên trái; đoạn từ ga Hà Nội đến cầu Long Biên ưu tiên mở về phía đường Phùng Hưng.

Soạn: AM 526657 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu và Phó Chủ tịch Đỗ Hoàng Ân tại cuộc họp chiều tối 23/8/2005.
Toàn tuyến có 5 ga dùng chung giữa đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị, trong đó: ga Ngọc Hồi là ga đầu mối trên mặt đất; ga Giáp Bát và ga Hà Nội là ga trên cao; ga Gia Lâm, Yên Viên là ga mặt đất. Cùng với đó, có 11 ga chỉ để vận tải hành khách đô thị là Vĩnh Quỳnh, Văn Điển, Hoàng Liệt, Phương Liệt, Bạch Mai, Công viên Lê-nin, Phùng Hưng, Long Biên nam, Long Biên bắc, Đức Giang và Cầu Đuống. 11 ga này sẽ được xây hoàn toàn trên cao.

Khoảng cách an toàn mỗi bên của tuyến đường sắt trên cao này là 5,5m; bề rộng mặt cắt ngang hành lang xây dựng là 20,4m. Tuy nhiên, theo Ban quản lý dự án, trong giai đoạn đầu, đối với những điểm khó giải phóng mặt bằng (như khu vực Long Biên - Công viên Lê-nin) có thể chấp nhận tạm thời phạm vi 15,4m (nhưng vẫn cắm mốc lộ giới 20,4m). Sau này sẽ tiếp tục giải tỏa đủ chiều rộng yêu cầu.

Tổng mức đầu tư cho tuyến đường sắt trên cao Ngọc Hồi - Yên Viên ước tính khoảng 18 ngàn tỉ đồng (tương đương 1.197 triệu USD) được huy động theo hướng đa dạng hóa nguồn vốn: ODA, liên doanh với nước ngoài, vốn doanh nghiệp kết hợp vốn Nhà nước, phát hành trái phiếu công trình, sử dụng quỹ đất...

Phát biểu tại cuộc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đào Đình Bình ''chốt'' lại 15 điểm cần làm ngay, làm đúng và đủ cho dự án này. Theo đó, cầu Long Biên mới cho đường sắt trên cao này sẽ nằm ở phía thượng lưu so với cầu cũ (đường sắt nối lên cầu sẽ tách từ ga Long Biên hiện nay); hạn chế giải phóng mặt bằng (nhất là tại những khu phố cổ); kiến trúc tuyến đường phải đẹp (phù hợp cảnh quan đô thị); ga Hà Nội và ga Giáp Bát sau khi tuyến đường hoàn thành sẽ là những những trung tâm thương mại sầm uất của thủ đô...

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cùng nhiều đại biểu đều thống nhất giao Tổng Công ty đường sắt Việt Nam là đơn vị khai thác cả tuyến đường sắt quốc gia kết hợp đường sắt đô thị này. Trước mắt, thành phố Hà Nội cần dành đủ quỹ đất cho ga Ngọc Hồi theo yêu cầu của dự án, tạo điều kiện cho chủ đầu tư lập dự án khai thác quỹ đất tại khu vực ga Hà Nội và Giáp Bát để huy động thêm vốn.

  • Hoàng Huy